Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom Group*, người thường được biết tới với tên gọi Shark Việt do tham gia vào chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2-3 từng bảy bỏ quan điểm về tư duy khác biệt trong kinh doanh như sau:
"Nhiều người cho rằng thương trường là chiến trường. Tôi không nghĩ thế. Trên thị trường này có rất nhiều việc để mình làm. Rất nhiều việc người ta bỏ đi nhưng mình có thể nhặt việc đó lại, làm lại thì nó lại tốt. Tại sao mình phải giành giật với người khác? Mình phải đi ngược chiều với người khác. Trong phố đông người, giờ cao điểm mọi người đều đi vào phố, hết giờ làm việc thì tất cả đều đổ từ trung tâm ra bên ngoài. Chiều ngược lại rất ít xe."
*Intracom Group là một tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: bất động sản, năng lượng (thủy điện), y tế (bệnh viện đa khoa Phương Đông), nông nghiệp,...
Shark Việt hơn một lần nhấn mạnh "Tại sao mình không chọn đi ngược lại dòng người?" trong chương trình Cà phê khởi nghiệp cách đây 2 năm.
Ví dụ, cũng là bất động sản, mọi người thích đầu tư ở trung tâm thành phố nhưng vị chủ tịch Intracom lại không thích.
Ông Nguyễn Thanh Việt giải thích "Trung tâm thành phố là văn hóa, là lịch sử, tại sao anh cứ nhăm nhăm vào trung tâm mà đầu tư? Anh đầu tư ra bên ngoài, kéo cư dân ra bên ngoài, luồng di chuyển giao thông sẽ khác. Đấy là sự khác biệt!
Cái thứ hai, anh đầu tư vào bất động sản du lịch, sao anh cứ phá vỡ kỳ quan của các bãi biển đẹp? Việt Nam mình không thể có kiến trúc đẹp như của Ý hay các nước Châu Âu được, không có những kiến trúc sư lẫy lừng như thế được. Bây giờ đi sao chép người ta về, người Châu Âu người ta có đến đây chơi với mình nữa không? Người ta đến Việt Nam vì sự hoang sơ của mình, thì mình hãy làm bất động sản du lịch cho người ta đến. Tại sao mình lại làm để người ta đến, người ta bảo: Ôi cái này không khác gì Venice, không khác gì chỗ kia..."
Cuối cùng, shark Việt tổng kết: Khác biệt là không đi theo số đông. Nếu một chỗ người ta đi vào nhiều quá, hãy chạy ra khỏi chỗ đấy. Thứ nhất là khủng bố, thứ hai là chật chội, thứ ba là cạnh tranh, giẫm chân vào nhau. Tôi không đi vào chỗ đông người!
Nhìn vào dự án viện dưỡng lão Phương Đông Asahi mà Intracom khởi công hồi tháng 7 năm ngoái, có thể thấy phần nào tư duy khác biệt của vị doanh nhân miền Trung này, khi ông chọn một phân khúc bất động sản còn rất sơ khai ở Việt Nam.
Viện dưỡng lão Phương Đông Asahi được thiết kế theo chuẩn mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Nhật Bản, quy mô 7.000m2 với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, cung cấp đa dạng dịch vụ gồm: Chăm sóc nội trú dành cho người cao tuổi; chăm sóc bán trú dành cho các gia đình bận rộn hoặc người cao tuổi muốn trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng dưỡng lão đẳng cấp quốc tế,…
Thông tin từ chủ đầu tư, Phương Đông Asahi được xây dựng thành một hệ thống tiện ích hàng đầu, chăm sóc sức khỏe đồng bộ, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng người cao tuổi với những dấu ấn như: cơ sở vật chất 5 sao, thiết bị y tế được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và các quốc gia tiên tiến; đội ngũ y bác sĩ, dinh dưỡng và điều dưỡng dày dặn kinh nghiệm; không gian xanh với khu vườn Nhật trên mái rộng 1.200m2...
Viện dưỡng lão Phương Đông Asahi sẽ được xây dựng trong một năm và dự kiến đón những vị khách đầu tiên từ tháng 7/2023.
Trên thực tế, đầu tư nhà ở dưỡng lão ở Việt Nam không phải là lĩnh vực nhiều cạnh tranh, điều đó được minh chứng bằng sự thiếu vắng các tên tuổi lớn trong ngành bất động sản tham gia.
Theo Savills, thị trường nhà ở dưỡng lão tại Việt Nam vẫn còn rất sơ khai. Mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu phải có ít nhất một cơ sở ở mỗi tỉnh vào năm 2025, nhưng điều này không thể theo kịp và đáp ứng được sự gia tăng nhanh chóng của dân số già của Việt Nam.
Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội: "Tại Việt Nam, thị trường này hầu như vẫn còn rất sơ khai. Trong số 63 tỉnh, thành của cả nước, chỉ có 32 tỉnh, thành có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu có ít nhất một viện dưỡng lão ở mỗi tỉnh, thành vào năm 2025, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khả thi".
Trở ngại lớn nhất cho sự phát triển phân khúc bất động sản này những năm qua nằm ở vấn đề quan điểm đạo đức khi trong xã hội tồn tại nghĩa vụ truyền thống mà theo đó, con cháu phải có trách nhiệm chăm sóc người thân cao tuổi của mình.
Sự thực là trong khi dân số đang già đi, cộng đồng đang thay đổi và người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện, thì sự kỳ thị về nhà ở dưỡng lão vẫn rất lớn. Ngay cả khi một người cao tuổi và người thân của họ có nhu cầu, quan niệm xã hội về nghĩa vụ gia đình sẽ khiến việc quyết định trở nên khó khăn. Rất nhiều người vẫn nghi ngờ và phản đối tư tưởng về việc đưa bố mẹ tới sinh sống tại viện dưỡng lão và nhìn nhận chuyện này như một biểu hiện của việc con cái không yêu thương, chăm sóc ba mẹ.
Thế nhưng ở một góc nhìn khác, theo Savills Việt Nam, trên toàn cầu nhu cầu nhà ở dưỡng lão ngày càng tăng cao ở rất nhiều thị trường; nguồn cầu không được đáp ứng do nguồn cung hạn chế.
Không phải tự nhiên mà tại Trung Quốc từ năm 2021 nở rộ đầu tư nhà dưỡng lão cao cấp. Các nhà phát triển bất động sản nước này đánh cược vào tương lai người cao tuổi sẽ chấp nhận sống trong các viện dưỡng lão do quy mô các hộ gia đình ngày càng nhỏ đi, cùng với áp lực dân số già hóa nhanh.
Có một số động lực cho thấy tiềm năng của thị trường bất động sản nhà ở dưỡng lão trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bao gồm:
Thứ nhất, tình trạng già hóa dân số đang diễn ra một cách nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, cứ sáu người trên thế giới lại có một người trên 65 tuổi, tương đương khoảng 1,5 tỷ người. Nhiều thành phố trên thế giới đang dần bị siêu già hoá một cách nhanh chóng - nơi những người trên 65 tuổi chiếm hơn 20% dân số.
Các quốc gia có tỷ lệ già hoá rất cao tập trung tại Nhật, Đức, Ý và Pháp. Ở nhiều quốc gia châu Á, tốc độ già hoá dân số cũng đang gia tăng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi dân số trở nên siêu già vào năm 2050.
Trên bình diện chung, bài toán đặt ra với những nhà quản lý xã hội là khi số người hưu tăng, số người trong độ tuổi lao động giảm, thì ai sẽ là những người chăm sóc người già? Mô hình viện dưỡng lão chính là giải pháp cho vấn đề này.
Thứ hai, sự thay đổi trong mô hình gia đình hiện đại ngày càng sâu rộng và rõ nét. Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy số người cao tuổi sống một mình hoặc cùng với vợ/chồng tăng từ 18,3% năm 2009 lên 27,8% năm 2019.
Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt, trong tương lai, mô hình gia đình truyền thống chắc chắn sẽ dần thay đổi, và thập kỷ tới sẽ chứng kiến rất nhiều cơ hội hơn cho phân khúc nhà ở dưỡng lão - thông tin từ Vneconomy.
Thứ ba, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tinh thần của người cao tuổi ngày một nâng cao cùng với những quan điểm "thoáng" hơn.
"Những người sẽ nghỉ hưu trong vòng 5 -10 năm nữa, khả năng tài chính tốt hơn, quan niệm cũng mới mẻ hơn. Họ sẽ sống độc lập hơn với quan niệm mới. Dân số lại già đi thì thị trường nơi ở cho người cao tuổi lại càng tăng trưởng", ông Ding Hui - Giám đốc điều hành tại Trung Quốc, Công ty BĐS Lendlease (Australia) nhận định.
Công ty bất động sản và cơ sở hạ tầng có trụ sở tại Sydney này đã đầu tư 280 triệu USD vào Ardor Gardens - cơ sở chăm sóc người cao tuổi sang trọng nằm phía tây thành phố Thượng Hải, Trung Quốc để đón đầu nhu cầu về nhà dưỡng lão cao cấp.
Không chỉ Lendlease, nhiều công ty nước ngoài khác như Temasek (Singapore) hay công ty đầu tư chăm sóc sức khỏe Columbia Pacific Management và Fortress Investment Group của Mỹ cũng quan tâm đến lĩnh vực đầu tư này.
Còn tại Việt Nam, thị trường này có rất nhiều đòn bẩy giúp hỗ trợ việc xây dựng các bất động sản dưỡng lão cho người cao tuổi nhưng còn bỏ trống và Shark Nguyễn Thanh Việt, có thể gọi là một người đang "đi ngược chiều đám đông".
Kết quả của việc đi ngược chiều đám đông còn cần thời gian chứng minh hiệu quả, chỉ xin được mượn chính câu nói của Shark Việt để kết thúc bài viết này
"Anh biết quê anh ở đâu. Nếu anh muốn về quê, cho dù đi lâu đi dài thì anh vẫn về chứ! Anh không muốn về thì thôi, chỉ cần anh muốn thì kiểu gì cũng đi được về!"