“Cơ hội cho ai? – Whose chance?” tập 8 vừa ghi nhận một câu hỏi "bẫy" thú vị đến từ sếp Nguyễn Thanh Quyền – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi Group - dành cho các ứng viên, liên quan đến chính sách đi làm 4 ngày/tuần đang thịnh hành ở các nước Bắc Âu.
Cụ thể, CEO Thắng Lợi Group đặt ra 2 lựa chọn tới các ứng viên của chương trình: "Nếu bạn làm 4 ngày/tuần với mức lương 10 đồng và 6 ngày/tuần với mức lương 15 đồng, một ngày làm 8 tiếng, thì các bạn sẽ chọn phương án nào?”
Ứng viên đầu tiên của chương trình là Lưu Trí Quang, 24 tuổi đến từ Hưng Yên. Trí Quang tốt nghiệp cử nhân trường đại học Ngoại Thương chuyên ngành Kinh tế Quốc tế, từng có kinh nghiệm làm việc cho doanh nghiệp thép và giữ nhiều vị trí quan trọng như: Quản lý dự án, Hỗ trợ kinh doanh nội địa, Quản lý khách hàng quốc tế.
Trước câu hỏi của sếp Quyền, Trí Quang chọn làm việc 6 ngày/ tuần với mức lương 15 đồng. Anh cho rằng bản thân còn trẻ, ở độ tuổi phải cố gắng kiếm nhiều tiền, cũng như tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng trong quá trình làm việc.
Đối thủ của Trí Quang là Nguyễn Hoài Thu, 25 tuổi đến từ Liên Bang Nga, tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (M.V. Lomonosov, Liên Bang Nga). Cô thông thạo nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp. Về chuyên môn, Hoài Thu có 3 năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh Thương mại Điện tử, 2 năm làm xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nga. Đặc biệt cô là 1 trong 3 diễn giả tại Diễn đàn Thanh niên Quốc tế Á-ÂU 2021.
Với câu hỏi trên, Hoài Thu có câu trả lời thận trọng hơn. Cô cho rằng sẽ xem xét tính chất công việc trước khi đưa ra lựa chọn. Nếu đó là một công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, thì cô sẽ chọn làm việc 4 ngày/tuần, 3 ngày còn lại, cô sẽ làm việc khác. Lựa chọn của Hoài Thu được ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom - đúc kết là lựa chọn làm việc 7 ngày/tuần.
“Từ thời phong kiến không có ngày nghỉ cuối tuần. Khi chúng ta nghỉ Thứ Bảy và Chủ Nhật là từ thời Pháp vào Việt Nam. Số đơn vị làm việc 5 ngày/tuần, mỗi ngày 8 tiếng là vẫn chưa phổ biến trên tổng số người lao động Việt Nam", ông Tiến cho biết.
"Phong trào làm việc 4 ngày/tuần xuất phát từ những nước Bắc Âu, là các nước giàu có và hạnh phúc nhất thế giới. Nên đây là câu hỏi bẫy, tại sao các bạn không lật ngược vấn đề lại? Tại sao không phải làm việc 7 ngày/tuần như bạn Hoài Thu có chia sẻ, 4 ngày bạn làm việc này, 3 ngày bạn làm việc khác. Quan trọng là tiêu chuẩn cân bằng cuộc sống của mỗi người. Như tôi biết anh Dũng lấy làm việc làm niềm vui, làm quyền lợi. Còn như tôi, thú thật tôi thích nghỉ, thích ngủ lắm. Câu hỏi này chủ yếu để các bạn thể hiện lập luận của các bạn, đúng sai không quan trọng”.
Sếp Trí tiếp lời: “Ngày xưa các em muốn cạnh tranh được thì phải có của cải, vật chất, là những ngành công nghiệp nặng. Nhưng khi cách mạng 4.0 xảy ra, thì các nước châu Á mới thấy rằng có Internet, có phần mềm, thì có những thứ rút ngắn khoảng cách rất nhanh. Từ đó có một văn hóa rất hay (tôi không biết mọi người ở đây có thấy hay không), đó là văn hóa 996, nghĩa là đi làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần".
"Nếu chúng ta không thông minh bằng, chúng ta đi sau, thì bắt buộc chúng ta phải 996. Còn nếu chúng ta thông minh hơn, chúng ta đi trước, thấy có khoảng cách thì chúng ta có thời gian để nghỉ ngơi, thì lúc đó mới nên suy nghĩ đi làm 4 ngày/tuần, sau 40 tiếng làm việc thì chúng ta làm gì? Trong điều kiện chúng ta đi sau mà còn muốn nghỉ ngơi thì đó là chuyện không hợp lý”.
Trí Quang không nhận được điểm số nào từ các sếp. Đối thủ của anh là Hoài Thu giành chiến thắng tuyệt đối với điểm số 5/5, được đi tiếp vào vòng trong.
Kết quả chung cuộc, Hoài Thu đầu quân về Tập đoàn FPT cho vị trí Digital Marketing với mức lương 24.999.999 đồng.