Sau sáp nhập, tỉnh sát Hà Nội vẫn được giữ định hướng lên TP trực thuộc trung ương

Dy Khoa | 15:30 29/04/2025

Đây là địa phương từng có kế hoạch lên TP trung ương vào năm 2026.

Sau sáp nhập, tỉnh sát Hà Nội vẫn được giữ định hướng lên TP trực thuộc trung ương

Theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, danh mục các tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030 bao gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới, có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Trong đó, tỉnh Hải Dương, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được dự kiến sáp nhập vào 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng (sáp nhập Hải Dương) và TP HCM (sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu).

Như vậy, Hải Dương, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không còn nằm trong danh sách các tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương, vì 3 tỉnh này đã được sáp nhập vào thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Quyết định 759/QĐ-TTg mới đây, Thủ tướng vẫn giữ định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập đối với các tỉnh đã được định hướng trước đó.

Như vậy, 4 tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Ninh Bình sau sáp nhập vẫn tiếp tục định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Cũng trong tháng này, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành thông báo ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị cho lùi thời gian báo cáo Đề án thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Tỉnh ủy Bắc Ninh có tờ trình số 89-Ttr/TU ngày 2/4/2025 báo cáo Bộ Chính trị và Tổng Bí thư về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đề án thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương, kiến nghị Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đồng ý chủ trương cho tỉnh Bắc Ninh lùi thời gian báo cáo đề án.

Tổng Bí thư đồng ý chủ trương cho tỉnh Bắc Ninh lùi thời gian báo cáo Đề án thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh có trách nhiệm bàn giao lại nhiệm vụ xây dựng tỉnh Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới (sau sáp nhập) để triển khai và báo cáo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị vào thời điểm phù hợp.

Tỉnh Bắc Ninh mới phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 22/4, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức phiên họp tháng 4/2025. Phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Bắc Ninh năm 2025. 

Tại đây, Sở Nội vụ Bắc Ninh cho biết tỉnh Bắc Ninh (mới) có diện tích tự nhiên hơn 4.700 km2, quy mô dân số hơn 3,6 triệu người và có 99 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới tiếp tục phấn đấu xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình, đảm bảo tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương về diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 314,6%, quy mô dân số đạt tỷ lệ 241,3% so với quy định.

Trước đó, hồi đầu năm nay, Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành kế hoạch thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương. Theo kế hoạch, Bắc Ninh phấn đấu đến cuối năm 2026 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với 2 quận là Bắc Ninh và Từ Sơn; 2 thành phố: Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Thuận Thành, Quế Võ và 2 huyện: Gia Bình, Lương Tài. 

Hiện nay, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước nhưng quy mô nền kinh tế (GRDP) đứng thứ 9 - theo Tổng cục Thống kê, trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc top đầu.

Địa phương này đã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2025 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào cuối năm 2026.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sau sáp nhập, tỉnh sát Hà Nội vẫn được giữ định hướng lên TP trực thuộc trung ương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO