Sập cầu Phong Châu: Một DN từng tham gia sửa chữa khẳng định "không đụng chạm gì đến kết cấu bên trong"

Pha Lê | 13:44 10/09/2024

Ngoài sửa chữa cầu Phong Châu, doanh nghiệp này còn tham gia sửa chữa nhiều cây cầu khác như cầu Ngọc Tháp, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Mịn...

Sập cầu Phong Châu: Một DN từng tham gia sửa chữa khẳng định "không đụng chạm gì đến kết cấu bên trong"

Sáng nay (9/9) cầu Phong Châu (Phú Thọ) bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ) bất ngờ sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7), rơi xuống sông Hồng. Tại thời điểm chiếc cầu sập, có nhiều người và phương tiện rơi xuống sông.

Cầu Phong Châu có chiều dài gần 380m, được khánh thành năm 1995 và đưa vào sử dụng năm 1996 được xây dựng với kết cấu dàn thép. Công trình với tải trọng thiết kế H18-X60 gồm 8 nhịp, trong đó có 4 nhịp giản đơn dầm T33m bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, ba nhịp dàn thép (66m+64m+80m) và một nhịp giản đơn dầm T21 m bằng bê tông cốt thép thường.

Trước khi bị sập, cầu đã trải qua nhiều đợt sửa chữa vào năm 2013, 2019 và lần gần nhất là năm 2023.

ezgif-2-1bdffea5e0.gif

Sập cầu Phong Châu: Kinh hoàng khoảnh khắc xe tải rơi xuống sông

Chân dung các nhà thầu từng tham gia sửa chữa cầu Phong Châu

Sau gần 20 năm khai thác, với lưu lượng giao thông lớn, cộng với công nghệ xây cầu cũ nên cầu bị hư hỏng nặng. Đến tháng 9/2013, cầu Phong Châu được tiến hành sửa chữa quy mô lớn.

Theo Báo Phú Thọ, trong lần sửa chữa này, chủ đầu tư là Sở GTVT Phú Thọ. Nhà thầu thi công sửa chữa cầu Phong Châu là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Quang Trung.

Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Quang Trung thành lập tháng 11/2009, có trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình đường bộ.

Khi mới thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 8 tỷ đồng, do ông Vũ Ngọc Tú làm Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật.

Thông tin trên tờ Dân trí, cơ cấu góp vốn gồm Phạm Trọng Hùng góp 25,5%, ông Vũ Ngọc Tú góp 15%, và ông Vũ Duy Tiến góp 59,5%. Đến năm 2017, ông Tú giảm sử hữu xuống còn 5%. Đồng thời, bà Cao Thị Lan được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc và người đại diện pháp luật doanh nghiệp.

Trong lần sửa chữa này, nhà thầu đã thay thế toàn bộ nhịp cầu 21m từ bê tông cốt thép thường không đủ khả năng chịu lực sang hệ dầm mới bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, làm mới lớp mặt cầu và lề bộ hành đồng bộ với kết cấu dầm mới.

Tổng chi phí sửa chữa cầu Phong Châu là 15,89 tỷ đồng, trích từ quỹ bảo trì đường bộ. Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.

Sập cầu Phong Châu: Một DN từng tham gia sửa chữa khẳng định

Theo Báo cáo của Sở GTVT Phú Thọ, năm 2019, cầu Phong Châu tiếp tục được xử lý xói lở, gia cố trụ cầu. Được biết, trụ cầu T7 vừa đổ sập trong sự cố, vào năm 2019 từng được tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê tông cốt thép; mở rộng bệ trụ bằng bê tông cốt thép; gia cường khả năng chống va xô bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ.

Điều đáng nói là, theo phản ánh trước đó của Môi trường và Đô thị, sau khi trụ cầu này được đưa vào sử dụng, xuất hiện hiện tượng đổ nghiêng về phía chân.

Gói thầu Xây dựng mới trụ chống va xô cầu Phong Châu, Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ; Ban Quản lý Dự án Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông là đơn vị mời thầu. Công ty cổ phần xây dựng thương mại 118 Thăng Long trúng thầu với giá gần 4,256 tỷ đồng.

Công ty cổ phần xây dựng thương mại 118 Thăng Long, địa chỉ số 134, đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Ngày thành lập 14/12/2015, người đại diện Nguyễn Văn Huyến

Năm 2023, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ mở Gói thầu: Sửa chữa cầu Phong Châu, Km18+200, QL.32C, tỉnh Phú Thọ. Đơn vị được lựa chọn là Công ty TNHH đầu tư và thương mại Ngọc Việt có địa chỉ tại Xóm 2, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Giá trúng thầu hơn 4,4 tỷ đồng. Điều đáng nói là, đây là doanh nghiệp duy nhất tham gia dự thầu gói thầu trên.

Công ty Ngọc Việt có trụ sở tại huyện Kim Bảng, Hà Nam, và được thành lập vào tháng 4/2005. Ngành nghề chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Trước tháng 4/2018, doanh nghiệp có vốn điều lệ 9 tỷ đồng, do 3 cá nhân góp vốn, bao gồm: Ông Lê Anh Tuấn (SN 1985, sở hữu 10% cổ phần), bà Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1984, sở hữu 85%) và bà Nguyễn Thị Thuần (SN 1990, sở hữu 5%).

Sau đó, hai nữ cổ đông thoái vốn còn ông Tuấn tăng tỷ trọng góp vốn lên 85%, xuất hiện cổ đông mới là ông Nguyễn Bá Trung góp 1,35 tỷ đồng (tương đương 15%). Đến tháng 11/2018, ông Trung thoái vốn, thay vào đó cổ đông lớn góp 15% vốn điều lệ đổi sang ông Nguyễn Quốc Chí.

Sập cầu Phong Châu: Một DN từng tham gia sửa chữa khẳng định

Liên quan đến sự cố sập cầu trên, chia sẻ trên Báo Công thương, đại diện của Ngọc Việt cho biết: "Nhịp cầu bị gãy đổ là do thiên tai, mưa lũ khiến nước sông Hồng dâng cao, làm thay đổi địa hình lòng sông khu vực này, tôi nghĩ như thế".

Vị đại diện này còn nhấn mạnh, nhà thầu chỉ thực hiện đánh gỉ, sơn kết cấu nhịp dàn thép, sơn lại lan can, sửa chữa khe co giãn, sửa chữa và thay mới hệ thống chiếu sáng... trong thời hạn cam kết là 120 ngày. "Chỉ là các hạng mục nhỏ, bên ngoài, chứ không đụng chạm gì đến kết cấu bên trong... Chúng tôi không làm gì để ảnh hưởng đến cây cầu cả, khi bắt tay vào thi công cách đây hơn 1 năm, hiện trạng của cây cầu cũng bình thường, không có vấn đề cần chú ý", vị đại diện này khẳng định.

Được biết, tại Phú Thọ, Ngọc Việt tham gia nhiều gói thầu do Sở GTVT tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư như: Sửa chữa cầu Trung Hà Km64+639 Quốc lộ 32; sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng, khe co giãn cầu Hạ Hòa (Km21+023), QL.70B và bổ sung điện chiếu sáng nhánh nối xuống QL.2D; sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và công trình đoạn Km8+00 - km11+900 QL.2D, tỉnh Phú Thọ; sửa chữa đột xuất hư hỏng khe co giãn cầu Đồng Quang và một số cầu trên các tuyến đường tỉnh 313, 314B, 314C, 323E, 323H…

Liên quan đến tình hình cứu hộ sau sập cầu, sáng nay, ngày 10/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch huyện Tam Nông cho biết, đầu giờ sáng nay nước lũ lên cao, chảy xiết, công tác cứu nạn, cứu hộ chưa thể thực hiện. Chỉ khi nước rút, lực lượng chức năng mới có thể tổ chức cứu nạn, cứu hộ.

Về việc xử lý cầu sau sự cố, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết: "Tuyến đường sông này ít phương tiện thủy qua lại nên chúng tôi đề xuất làm cầu phao cố định. Còn về lâu dài, chắc chắn phải làm cầu mới, không thể sửa chữa cầu cũ. Cầu Phong Châu là cầu huyết mạch, cần xây cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con".


(0) Bình luận
Sập cầu Phong Châu: Một DN từng tham gia sửa chữa khẳng định "không đụng chạm gì đến kết cấu bên trong"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO