Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt ( LPBank – Mã: LPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của LPBank trong quý 3/2023 đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 41% so với quý 2 và tăng 0,65% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả trên, LPBank là ngân hàng tiếp theo có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, sau Saigonbank.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của LPBank đạt 3.678 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 61,45% kế hoạch lợi nhuận năm.
Sau ba quý đầu năm, LPBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực, đạt tổng dư nợ 263.640 tỷ đồng, tương đương mức tăng 11,80% so với đầu năm, huy động vốn đạt gần 274.580 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2022.
Đi sâu vào kết quả kinh doanh, động lực tăng trưởng tín dụng của LPBank trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ mảng cho vay bán lẻ. Danh mục cho vay bán lẻ đang chiếm phần lớn trong tổng các khoản vay tại ngân hàng.
BCTC của Saigonbank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng đạt 65 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này có được chủ yếu nhờ ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động (giảm 4,4% so với cùng kỳ xuống 149 tỷ đồng). Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm 26% xuống 15 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động của Saigonbank trong quý 3 thực tế thấp hơn cùng kỳ. Các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều tăng trưởng âm, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 3,7% xuống 206 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 248 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét chung 9 tháng, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng vẫn đến từ việc giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro (giảm 50% xuống còn hơn 100 tỷ đồng).
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản Saigonbank ở mức 29.681 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm. Hiện Saigonbank là ngân hàng có tổng tài sản thấp nhất trong 27 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán. Dư nợ cho vay khách hàng của Saigonbank tăng 4,3% lên 19.516 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 11,6% đạt 22.878 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng của Saigonbank cuối quý 3/2023 là 435 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,12% lên 2,23%.
Tại VPBank , lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng trong quý 3/2023 đạt 3.117 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ, tuy nhiên đã có sự cải thiện so với quý 1 và quý 2/2023.
Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc quý 1 năm ngoái ngân hàng có khoản thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền.
Xét riêng ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ VPBank trong quý 3/2023 đạt 3.076 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế VPBank riêng lẻ đạt 10.973 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.
VPBank có tốc độ tăng trưởng về quy mô thuộc hàng đầu thị trường trong năm nay. Trong đó, dư nợ cho vay ngân hàng mẹ tăng hơn 22%, huy động vốn từ khách hàng tăng tới 35% trong 9 tháng đầu năm, đều gấp nhiều lần so với trung bình toàn ngành.
BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 ở mức 77 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế BacABank đạt 551 tỷ đồng, giảm 23%.
Rính đến 30/09/2023, tổng tài sản của BAC A BANK tăng 12,6% so với đầu năm, đạt trên 145.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 4,8% lên mức 98.642 tỷ đồng. Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng trong 9 tháng đầu năm tăng 18,3%, đạt 114.586 tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay chưa tương xứng với mức tăng của huy động vốn là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Tỷ lệ dự trữ thanh khoản tại thời điểm cuối tháng 9 đạt 11,56%, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) đạt 76,23%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng là 0,77%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu (quỹ DPRR CVKH/nợ xấu CVKH) là 144,2%.
PGBank báo lãi trước thuế quý 3/2023 là 56,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Tất cả các mảng kinh doanh bao gồm: thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán của PG Bank đều ghi nhận lãi quý 3 sụt giảm so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt 360 tỷ đồng, giảm 7%.
Theo PG Bank, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III giảm chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 16%. Việc giảm chỉ tiêu này do tình hình hoạt động chung quý 3 của ngành ngân hàng khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý 3 kém dẫn đến các hoạt động thanh toán, L/C bị ảnh hưởng lớn.