Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng tham dự hội nghị còn có các Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà.
Được biết, văn phòng Chính phủ (VPCP) đã gửi công điện mời họp đến bộ trưởng các bộ: Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư Công an, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về phía Quốc hội, VPCP mời Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật dự họp. Ngoài ra, thành phần được mời dự hội nghị còn có chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng được mời dự hội nghị.
Đáng chú ý, thành phần tham dự hội nghị dự kiến có các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản: Tập đoàn Vingroup; Công ty CP tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland); Công ty CP Hưng Thịnh Land, Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest); Công ty CP đầu tư IMG; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC Bình Dương).
Hội nghị còn mời các chuyên gia: TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; GS - TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân; TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Hội nghị sẽ diễn ra tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố. Tại UBND các tỉnh, thành phố, thành phần tham dự ngoài chủ tịch UBND tỉnh còn có các lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các sở: Xây dựng, Tài chính, TN-MT, KH-ĐT, Công an, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố…
"Căng thẳng" thị trường bất động sản
Trước đó, tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng từ 2020 đến nay, dù tình hình khó khăn nhưng tín dụng vào bất động sản vẫn tăng.
Cụ thể, năm 2020 dư nợ tín dụng vào bất động sản mới hơn 600.000 tỉ đồng, nhưng đến cuối năm 2022, đã tăng lên gần 800.000 tỉ đồng. Tín dụng vào bất động sản năm 2022 vẫn tăng trên 21% là mức cao.
Để thực hiện các giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát các dự án bất động sản đang được cấp tín dụng để kịp thời gỡ khó khăn nếu có vướng mắc pháp lý.
Bên cạnh đó, kiểm soát dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, vật tư vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn cho thị trường bất động sản.
Đồng thời, phải kiểm soát rủi ro tín dụng với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung và bất động sản không có nhu cầu kinh doanh mang tính chất đầu cơ, làm giá, gây hỗn loạn thị trường. Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, người có liên quan của cổ đông, tổ chức tín dụng cho vay chéo… để cân đối tỷ trọng dư nợ tín dụng hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dựng, sử dụng vốn, nhất là với các doanh nghiệp, tập đoàn dự án sân sau.
Dưới góc độ các doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận định, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, có thể nói 2022 là năm "khó khăn khắc nghiệt nhất" và năm 2023 là năm "quyết định sống còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản. Do đó, ông Châu cho rằng cần sớm có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn, trước hết là giải pháp về tín dụng.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, ông Châu cho biết, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2022 là gần 1.200 doanh nghiệp (tăng 38,7% so với 2021).
Đáng chú ý, trong tổng số gần 1.600 ngành kinh tế thì bất động sản là một trong 21 ngành kinh tế cấp 1, quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta. Do vậy, thị trường bất động sản gặp khó khăn thì tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều lĩnh vực kinh tế và cả vấn đề an sinh xã hội cho người yếu thế trong xã hội.
Theo ông Châu, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, thậm chí phải dừng, hoãn đầu tư, thi công dự án, thu hẹp quy mô hoạt động, bán bớt dự án, cắt giảm nhân sự…
“Nhiều chủ đầu tư đã giảm sâu giá bán nhưng không có người mua, dẫn đến thiếu trầm trọng tiền mặt, nguy cơ doanh nghiệp "chết trên đống tài sản" hiện hữu. Song song với thiếu hụt về dòng tiền là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và vướng mắc pháp lý đang là những "gọng kìm" khiến không ít công ty, dự án ngộp thở”, ông Châu cho biết.