Sa thải 'có tâm' như Nokia: Cho nghỉ hàng loạt 18.000 nhân viên tại 13 quốc gia, nhưng ai bị đuổi cũng vẫn thấy 'ấm lòng'

Thùy An | 11:02 02/03/2023

Đằng nào cũng phải mất tiền, Nokia đã chọn cách để mất ít hơn.

Sa thải 'có tâm' như Nokia: Cho nghỉ hàng loạt 18.000 nhân viên tại 13 quốc gia, nhưng ai bị đuổi cũng vẫn thấy 'ấm lòng'

Không phải cứ sa thải xong là 'thở phào' được

Sa thải hàng loạt gần như là lựa chọn tất yếu của các công ty trong khủng hoảng. Tưởng rằng nó sẽ giúp công ty thoát khỏi gánh nặng tài chính nhưng thực chất lại gây tổn hại nhiều không kể.

Thứ nhất, việc cắt giảm nhân lực hủy hoại niềm tin của người lao động một cách sâu sắc vì động chạm đến nỗi sợ hãi lớn nhất của mọi nhân viên trên đời, đó là mất việc. Những nhân viên được giữ lại cũng thấy bất an. Nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ cho thấy, sa thải hàng loạt 1% sẽ dẫn tới tỉ lệ nhảy việc 31%. Đồng thời, mức độ hài lòng của các nhân viên ở lại giảm 41%, độ trung thành với công ty giảm 36% và hiệu suất làm việc cũng giảm 21%.

Thứ hai, thay đổi nhân sự thường kéo theo tác động trung tính hoặc tiêu cực lên giá cổ phiếu công ty. Tệ hơn, các nghiên cứu còn cho thấy, ba năm sau khi sa thải hàng loạt, lợi nhuận của các công ty này thường giảm đi, thậm chí có nguy cơ phá sản trong vòng năm năm. Công ty từng mất thời gian và tiền bạc để đào tạo nhân viên. Đến khi doanh số tốt trở lại, công ty lại phải đầu tư tương tự một lần nữa cho các nhân viên mới.

Do đó, sa thải hàng loạt như thế nào để giảm thiểu thiệt hại cho tất cả các bên, đồng thời giữ được uy tín của công ty trên thị trường là điều nên được cân nhắc. Đợt cắt giảm nhân sự lên tới 18.000 người của Nokia năm 2011 trong thời kỳ Đại suy thoái được đánh giá là vụ sa thải hàng loạt 'nhân đạo' và khéo léo nhất lịch sử các công ty công nghệ.

Cuộc sa thải 'có tâm' nhất của Nokia

Những năm đó, mảng điện thoại di động của Nokia trở nên khá điêu đứng. Để trụ vững, Nokia buộc phải thực hiện cải tổ toàn diện và sa thải hơn 18.000 nhân viên trên 13 quốc gia.

Đằng nào cũng không thể tránh khỏi thảm họa này, lãnh đạo Nokia quyết định làm một điều gì đó để giúp nhân viên ra đi nhẹ nhàng hơn. Chương trình Bridge được ra đời như một 'nhịp cầu thoát hiểm' cho những ai sắp mất việc. Mục tiêu chủ yếu của Bridge là giúp nhân viên tìm được một kế sinh nhai khác, hoặc ít nhất giúp họ có một kế hoạch sau khi ra đi thay vì cảm thấy tuyệt vọng và mất phương hướng.

Nokia đã tạo ra một triết lý mới trong quản lý nhân sự. Họ thừa nhận trách nhiệm của mình với nhân viên và xã hội với tư cách là một nhà tuyển dụng lớn. Thú vị thay, chương trình Bridge được dẫn dắt bởi một số quản lý cũng sắp... mất việc. Trong chương trình này, nhân viên có thể đi theo một trong năm con đường sau:

- Tìm một việc khác trong Nokia. Chi nhánh nào của Nokia còn hoạt động thì sẽ đăng tuyển công khai, liệt kê các kỹ năng cần thiết và tránh mọi sự thiên vị từ các quản lý cấp khu vực. Nokia cũng triển khai các chương trình giữ nhân những nhân viên giỏi, đặc biệt là trong lĩnh vực R&D.

- Tìm việc khác ngoài Nokia. Chương trình giúp đỡ nhân viên tìm việc qua các hoạt động như tư vấn hướng nghiệp, sửa CV và đi tìm các hội chợ việc làm cho họ, đồng thời còn lập các nhóm mở rộng mối quan hệ xã hội trên LinkedIn và Facebook.

- Tự kinh doanh. Chương trình Bridge còn trợ cấp cho những nhân viên muốn đứng ra tự kinh doanh dù ở bất cứ ngành nào. Nokia sẽ đánh giá tính khả thi của các kế hoạch kinh doanh. Và rồi nhân viên sẽ được tập huấn, dẫn dắt, đào tạo hoặc hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư địa phương. Ý tưởng kinh doanh nào sử dụng nguồn lực của Nokia thì sẽ được trụ sở chính xét duyệt, còn lại thì được đánh giá và phê duyệt bởi các hội đồng doanh nghiệp địa phương và chuyên gia bên ngoài.

- Trau dồi kiến thức. Nếu nhân viên muốn học một ngành nghề mới, hay nâng cao kỹ năng hiện có, Brigde cũng sẵn lòng hỗ trợ tài chính.

- Những con đường khác. Nếu nhân viên có một kế hoạch khác, ví dụ như nghỉ làm đi tình nguyện thì Bridge cũng sẽ có hỗ trợ tài chính cho họ.

Trong thời gian đó, nhân viên có thể đổi ý và chuyển từ con đường này sang con đường khác. Nhờ chương trình này, 60% trong số 18.000 nhân viên bị sa thải ấy có một kế hoạch chuẩn bị cho bước đường tiếp theo. 1.000 doanh nghiệp đã được mở ra nhờ nguồn tài trợ của Bridge. 85% những người tham gia chương trình ở Phần Lan cho biết họ rất hài lòng. Và ở một vài nơi, chương trình đã giúp chính quyền địa phương tìm được công ty mới để tiếp quản các nhà máy của Nokia.

Chi phí dành cho chương trình này là 50 triệu Euro, tính trung bình là khoảng 2.800 Euro/nhân viên, tương đương với 4% tổng chi phí Nokia dành cho việc tái cơ cấu từ năm 2011 đến năm 2013.

Chi 50 triệu Euro này, Nokia được gì?

Bridge đã giúp Nokia tránh được nhiều tổn hại khi sa thải hàng loạt. Hiệu suất làm việc của những người ở lại không hề bị giảm sút, mức độ trung thành vẫn được giữ nguyên. Nhân viên tại các địa điểm từng xảy ra cắt giảm nhân sự đã tạo ra 3,4 tỷ Euro doanh thu từ sản phẩm mới, ngang bằng với những gì họ đã mang lại trước đây.

Năm 2015, chính phủ Phần Lan đã thành lập một nhóm nghiên cứu các chương trình giúp đỡ người lao động bị sa thải. Nhóm này nhận định rằng chương trình Bridge của Nokia là phương pháp hay nhất. Giờ đây, Phần Lan đã yêu cầu các công ty có trên 20 nhân viên nếu muốn sa thải hàng loạt thì phải xem xét các giải pháp thay thế hoặc khả năng đào tạo và phân bổ lại nhân lực.

Nếu không chi 50 triệu Euro, Nokia mất gì?

Chương trình Bridge của Nokia phần nào bắt nguồn từ một trải nghiệm khá đau đớn trước đây của chính công ty. Năm 2008, Nokia quyết định đóng cửa nhà máy Bochum ở Đức vì giá điện thoại di động trên thị trường giảm 35% mà chi phí lao động của Đức lại tăng 20%. Từ quan điểm kinh doanh, quyết định đóng cửa nhà máy là điều dễ hiểu. Nhưng việc đóng cửa Bochum lại diễn ra ngay sau lễ ăn mừng lợi nhuận tăng 167% của Nokia.

Vì thế, ngay khi Nokia thông báo về việc đóng cửa cho nhân viên của Bochum, đám đông đã tỏ ra vô cùng tức giận. Một tuần sau, 15.000 người đã tập trung trước nhà máy Bochum. Các công đoàn lao động kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Nokia, bộ trưởng Tài chính Đức lên án Nokia, chính phủ Đức mở cuộc điều tra xem Nokia có ăn chặn khoản trợ cấp tạo việc làm ở địa phương hay không.

Kết quả là Nokia phải trả khoản thanh toán rút lui lên tới 200 triệu Euro, tức 80.000 Euro/nhân viên. Đây là khoản thanh toán rút lui lớn chưa từng có trong lịch sử nước Đức. Trong khi đó, chương trình Bridge chỉ tiêu tốn có 50 triệu Euro, một cái giá khá rẻ để rút lui an toàn.

Việc đóng cửa nhà máy Bochum của Nokia đã gây mất niềm tin ở nhiều cấp độ. Công nhân viên từng tin Nokia sẽ mang lại kế sinh nhai cho họ. Chính quyền địa phương từng tin Nokia sẽ sử dụng tiền trợ cấp để tạo thêm việc làm. Xã hội người Đức từng tin rằng Nokia sẽ là doanh nghiệp có trách nhiệm.

Nhưng với chương trình Bridge, Nokia lại giữ được lòng tin của nhân viên, cộng đồng lẫn chính quyền địa phương. Phải nói rằng, Nokia đã mất một khoản học phí khá đắt ở Đức để rút ra bài học là việc sa thải hàng loạt vẫn có thể được thực hiện một cách nhẹ nhàng để giảm bớt thiệt hại cho tất cả các bên.

Tham khảo từ: Sandra J. Sucher, Harvard Business School


(0) Bình luận
Sa thải 'có tâm' như Nokia: Cho nghỉ hàng loạt 18.000 nhân viên tại 13 quốc gia, nhưng ai bị đuổi cũng vẫn thấy 'ấm lòng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO