Một ngày của dân công nghệ tuổi 20 trên TikTok thường bắt đầu bằng bữa sáng miễn phí và ly cà phê thơm nóng. Họ không làm việc ngay mà ra sân hít thở trước khi trở lại văn phòng - một không gian rộng rãi và tràn ngập ánh sáng. Sau khi “hoàn thành xong công việc”, những người này sẽ quay trở về nhà vào lúc 5 giờ chiều.
Một ngày làm việc của nhân viên LinkedIn cũng thư thái như vậy: bắt đầu bằng việc đắp mặt nạ “chăm sóc bản thân”, sau đó là thưởng thức trà kombucha để thanh lọc cơ thể. Trong khi đó, nhân viên Google bắt đầu ngày làm việc của mình bằng việc ngắm cảnh trên sân thượng, dắt chó đi dạo và gặp gỡ đồng nghiệp.
Những vlog ghi lại quá trình này nhận được một lượng lớn sự quan tâm trên TikTok - nơi những người sáng tạo nội dung xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình. Các video này thường tuân theo một khung tiêu chuẩn, là nhạc nền phải vui tươi, phải lạc quan, làm sao để lan tỏa năng lượng tích cực nhất có thể. Phản ứng của người xem, chế giễu có, ngưỡng mộ có, nhưng phần nhiều là trường hợp thứ hai. Không gian làm việc trong mơ của các Big Tech khiến ai nấy sau khi xem video đều để lại một phần bình luận: “Công ty bạn còn đang tuyển dụng không?”.
Những clip TikTok này sở hữu hàng triệu lượt xem, song ranh giới mong manh xoay quanh việc quay phim tại nơi làm việc đã khiến nhiều nhân viên bị khiển trách và đe dọa sa thải. Trong khi đó, các công ty về cơ bản là được quảng bá miễn phí. Họ chỉ mạo hiểm khi những tiktoker này thể hiện quá nhiều hoặc tiết lộ những thứ mà công ty không muốn cả thế giới nhìn thấy.
“Tôi và những người bạn sáng tạo công nghệ của tôi, tất cả đều đã từng bị gắn nhãn cảnh báo ‘Này, đừng làm vậy”, Chloe Shih, một nhân viên công nghệ cho biết.
Theo Shih, một youtuber với hơn 51.000 lượt theo dõi, người sáng tạo nội dung phải cân bằng giữa việc xây dựng thương hiệu, quyền tự do ngôn luận với những yêu cầu khắt khe từ phía người quản lý. Nội dung bị giới hạn sẽ được đề cập trong chính sách chung song không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Một số công ty thậm chí còn cấm quay phim, chụp ảnh. Họ không cho phép nhân viên ghi lại bất kỳ hình ảnh nào nơi bàn làm việc, ngay cả khi máy tính đã được làm mờ. Tuy nhiên, bất chấp các quy định ngặt nghèo, những nhân viên này vẫn đăng các video đã được cắt ghép lên TikTok như một hiệu ứng ăn theo. Điều này khiến bộ phận an ninh vô cùng tức giận.
Dẫu vậy, vẫn có nhiều công ty dễ dãi trong chuyện này. Shih, cựu nhân viên Meta, Google và hiện là giám đốc phát triển sản phẩm tại Discord, đã đăng tải nhiều video lên TikTok, chẳng hạn như “Trụ sở của Discord trông như thế nào?”, “Tuần đầu tiên làm việc tại Discord với tư cách là Giám đốc sản phẩm”...
Theo Lucy Anthony, cố vấn cao cấp tại Discord, việc đăng tải video như vậy là điều bình thường, bởi mỗi nhân viên là một người sáng tạo nội dung.
“Các chính sách của chúng tôi hỗ trợ nhân viên thể hiện cá tính riêng, song vẫn đảm bảo tính bảo mật của thông tin. Mọi nhân viên phải tuân theo các chính sách này nếu muốn đăng tải hình ảnh ra bên ngoài”, Lucy Anthony nói.
“Tôi nghĩ rằng tất cả những người sáng tạo nội dung đều đang cố gắng hết sức để tôn trọng công ty. Chính vì thế, họ không thể bị sa thải,” Shih nói.
Đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là nội dung không thể phản ánh chính xác cách một ngày làm việc diễn ra. Một nhân viên đang làm việc tại Google cho biết anh chỉ dám ghi lại các bữa ăn công sở thay vì công việc thường ngày.
“Tôi nhận về vô số bình luận công kích vì quay quá nhiều nội dung về đồ ăn. Mọi người đã đặt câu hỏi về mức độ làm việc của tôi”, nhân viên yêu cầu giấu tên chia sẻ với The Verge. “Trên thực tế, tôi không được phép quay công việc thường ngày của mình!”.
Michelle Serna, từng làm tại công ty công nghệ sức khỏe Visionable, không bao giờ tiết lộ tên sếp mình trên TikTok. Thay vào đó, cô chỉ dám chia sẻ những trải nghiệm độc đáo của mình tại Visionable. Không may, một video cô tải lên hồi tháng 8 lại lẫn tiếng họp từ một phòng nhỏ khác. Video sau đó dù đã được xóa nhưng vẫn khiến Serna bị sa thải.
Serna thừa nhận việc quay video đó là sai lầm, song cho biết công ty cũ gần như chưa bao giờ phổ biến hay trang bị cho nhân viên những kỹ năng mềm khi có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội. Serna cũng nhận được các tin nhắn từ nhiều những người sáng tạo nội dung khác đang làm việc cho giới Big Tech, lo ngại về cách xử lý hà khắc của Visionable và sợ mình có thể là nạn nhân tiếp theo.
“Tôi đã rất sốc. Tôi chưa bao giờ bị khiển trách vì bất cứ điều gì và cũng chưa bao giờ tiết lộ thông tin về công việc cá nhân. Tôi không được nói về quá trình sáng tạo nội dung của mình”, Serna nói.
Câu chuyện về Nylah Boone - nhân viên thời vụ của Apple bị sa thải sau khi đăng tải video quay tại công ty cũng là một ví dụ điển hình. Theo The Verge, Boone đăng video lên TikTok vào tháng 4 với nội dung "Một ngày làm việc trong ngành công nghệ của cô gái da màu", ghi lại khung cảnh trụ sở Apple, chỗ ngồi của mình và không hề tiết lộ bất kỳ thông tin nào về sản phẩm hay dữ liệu mật.
Đoạn clip sau đó thu hút hơn 400.000 lượt xem trên TikTok cùng hàng trăm bình luận yêu cầu tư vấn việc làm, chia sẻ lịch trình hàng ngày của Boone. Chúng thuộc thể loại "tech girlie", nhằm mục đích khuyến khích phụ nữ, người da màu và một số cộng đồng tìm kiếm công việc phù hợp tại các công ty công nghệ.
"Khoảng 80% đối tượng theo dõi hoặc liên hệ với tôi là phụ nữ da màu. Điều đó rất quan trọng để kết nối và khuyến khích họ. Bạn hoàn toàn có thể làm việc trong ngành công nghiệp này, hoặc tại vị trí như thế này", Boone chia sẻ với The Verge.
Tuy nhiên, đến tháng 5, Boone bất ngờ mất việc khi hợp đồng của cô không được Apple gia hạn. Được biết tập đoàn này thường cấm nhân viên chia sẻ hình ảnh quay trong văn phòng công ty. Các điều khoản cũng được ghi rõ trong hợp đồng hoặc thỏa thuận không tiết lộ.
Đây không phải lần đầu video trên TikTok khiến nhân viên Apple gặp rắc rối. Hồi tháng 8, Paris Campbell, kỹ sư của Apple cũng bị dọa đuổi việc khi đăng video tư vấn người dùng bị tống tiền do làm mất iPhone. Trong video, Campbell tự nhận là nhân viên Apple, vi phạm chính sách của công ty.
Theo: The Verge