Ra ngân hàng rút tiền thì bị "lẫn" cả tiền giả, người đàn ông Trung Quốc tá hỏa mang đi kiểm tra: Sai lầm ở bước nào?

Ánh Lê | 16:02 17/08/2023

Người đàn ông Trung Quốc ra ngân hàng rút tiền thì gặp tiền giả, phản ứng của nhân viên ngân hàng gây bất ngờ.

Ra ngân hàng rút tiền thì bị "lẫn" cả tiền giả, người đàn ông Trung Quốc tá hỏa mang đi kiểm tra: Sai lầm ở bước nào?
Ảnh minh họa: 163.com

Rút phải tiền giả ở ngân hàng

Theo trang 163.com, vào tháng 4 năm 2023, anh doanh nhân họ Cao ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, đã ra ngân hàng trong khu vực để rút 60.000 NDT (khoảng 196 triệu đồng). Các xấp tiền được cột chặt và có giấy niêm phong của ngân hàng nên anh Cao không kiểm lại. Sau đó, anh đem 30.000 NDT đi trả cho một người bạn, nửa còn lại anh tạm mang về nhà.

Tuy nhiên, vì cho rằng để số tiền lớn ở nhà không an toàn nên 2 hôm sau đó, người đàn ông này lại cùng vợ mang 30.000 NDT (khoảng 98 triệu đồng) đi gửi ở một ngân hàng khác. Hôm đó, ngân hàng rất đông người nên anh Cao đã đến quầy tự phục vụ để gửi tiền, thế nhưng một sự việc bất ngờ xảy ra khiến vợ chồng anh Cao vô cùng ngạc nhiên và bối rối.

Ảnh minh họa: 163.com

Khi đang gửi tiền, máy gửi tự động bỗng nhiên dừng nhận tiền. Anh Cao không còn cách nào khác đành phải nhờ nhân viên giúp đỡ. Sau khi được nhân viên kiểm tra, người đàn ông này vô cùng hoang mang khi được thông báo trong xấp tiền thứ 3 anh gửi đi có lẫn 1 tờ tiền giả. Số tiền này đã bị trả lại do hệ thống không nhận dạng được.

Vì trước khi đi gửi tiền, anh Cao và vợ chưa hề mở niêm phong số tiền đó nên vợ chồng anh đều cho rằng tờ tiền giả 100 NDT này bắt nguồn từ ngân hàng nơi anh rút tiền. Dẫu vậy, khi anh Cao tìm đến ngân hàng đó để thông báo và yêu cầu xác minh lại tờ tiền giả thì điều anh nhận lại chính là thái độ của nhân viên khiến anh bất ngờ.

Theo lời kể của anh Cao, khi anh đến trình bày lại sự việc, nhân viên ngân hàng này xác nhận tờ 100 NDT anh đưa là tiền giả. Ngoài ra, nhân viên này không tỏ thái độ gì mà chỉ đưa cho anh 1 túi quả hạch như một cách bồi thường. Anh cho rằng đây là sai lầm của ngân hàng và họ phải có cách xử lý thiện chí hơn. Vì vậy, anh đã trực tiếp đến gặp đài truyền hình địa phương để nhờ giúp đỡ.

Ảnh minh họa: 163.com

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc tờ tiền giả 100 NDT “lẫn” ở trong số tiền mà anh Cao rút từ ngân hàng, nhân viên ngân hàng cho biết: "Sau khi rút tiền từ ngân hàng chúng tôi, 2 ngày sau anh Cao mới đi gửi tiền. Trong khoảng thời gian đó đã có chuyện gì xảy ra thì chúng tôi không đảm bảo được”.

Trước câu trả lời của nhân viên ngân hàng, vợ anh Cao liền lên tiếng: “Sau khi rút tiền ở ngân hàng về, chúng tôi không hề dùng đến số tiền đó, nó vẫn còn nguyên niêm phong cho tới khi chúng tôi đi gửi tiền”.

Nhân viên ngân hàng lại tiếp tục nói: “Theo quy trình rút tiền ở ngân hàng chúng tôi, lúc đó chúng tôi đã hỏi chồng chị có cần đếm lại tiền lần thứ hai hay không, nhưng chính chồng chị đã nói là không cần.”

Thấy cả hai bên đều khăng khăng giữ quan điểm của mình, không ai chịu nhượng bộ, phóng viên có kinh nghiệm ngay lập tức đưa ra hướng giải quyết, cho rằng ngân hàng nên lấy số seri của những tờ tiền còn lại trong xấp tiền có lẫn tờ tiền giả là có thể truy ra nguồn gốc của tờ tiền. 

Sau khi nghe điều này, người phụ trách ngân hàng cho rằng phía ngân hàng không thể kiểm tra tiền của anh Cao vì số tiền còn lại đã được gửi vào ngân hàng khác. Tuy nhiên, anh Cao đã sớm liên hệ với ngân hàng nơi gửi tiền sau đó và chờ câu trả lời trong thời gian sớm nhất. 

Vụ việc này sau đó chìm vào trong quên lãng khiến nhiều người tò mò về cách giải quyết của cả hai bên. Câu hỏi đặt ra là trong sự cố rút tiền này, ai sai, ai đúng? Ngân hàng có phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình không?

Làm gì khi rút phải tiền giả ở ngân hàng?

Theo trang 163.com, luật sư đã phân tích sự việc này như sau: 

Theo Điều 35 tại "Quy định về Quản lý Nhân dân tệ (RMB)" của Trung Quốc quy định rằng: Các tổ chức tài chính xử lý tiền gửi và rút tiền bằng RMB phải thực hiện các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tiền giả hay các hành vi “tráo đổi” tiền từ bên ngoài.

Cụ thể trong trường hợp này, anh Cao đã phát hiện trong số tiền mà anh rút tại ngân hàng có tờ 100 NDT là tiền giả, ngân hàng có quyền thu lại tờ tiền giả nhưng việc bồi thường sau đó sẽ được giải quyết thông qua thương lượng giữa hai bên. Về nguồn gốc tờ tiền giả, phía ngân hàng không chấp nhận tờ tiền không còn nguyên niêm phong nên cả hai bên cần cung cấp chứng cứ liên quan để chứng minh mình vô tội.

Ảnh minh họa: 163.com

Trong trường hợp anh Cao yêu cầu ngân hàng trả lại 100 NDT thì người đàn ông này cần chứng minh rõ 100 NDT tiền giả là do ngân hàng phát hành và giao cho mình.

Điều 35 tại "Quy định về Quản lý Nhân dân tệ" của Trung Quốc quy định rằng: Các tổ chức tài chính xử lý tiền gửi và rút tiền NDT sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí để xác định tính xác thực của NDT tại cơ sở kinh doanh của họ. 

Nói cách khác, miễn là ngân hàng xử lý nghiệp vụ gửi và rút tiền, họ phải xác minh miễn phí tính xác thực của đồng tiền giả 100 NDT. Khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng kiểm tra số seri để xác minh nguồn tiền. Ngược lại, ngân hàng cung cấp được video giám sát làm chứng việc giao dịch được thực hiện theo đúng thủ tục.

Sau khi tìm hiểu rõ sự việc, nếu phát hiện lỗi của nhân viên thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm liên đới, còn nếu lỗi của khách hàng - cụ thể là anh Cao có dấu hiệu sai phạm hay lừa dối thì ngân hàng có thể kiện ra tòa.

Điều 11 “Biện pháp quản lý nhận dạng và thẩm định tiền giả và thu hồi tiền giả của ngân hàng” Trung Quốc quy định: Nếu tổ chức tài chính trả nhầm tiền giả thì họ phải bồi thường cho khách hàng số tiền tương đương. Trong trường hợp này, sau khi kiểm tra nguồn gốc của tiền giả và video giám sát, nếu anh Cao cung cấp được bằng chứng chứng minh mình nhận tiền giả từ ngân hàng thì phía ngân hàng nên nhanh chóng có động thái giải quyết vấn đề theo quy định của pháp luật.

Để tránh lâm vào tình huống trên, mọi người cần lưu ý kiểm tiền kỹ càng ngay trong giao dịch để phát hiện ngay tiền giả, đồng thời tránh được những rắc rối không đáng có giống như trường hợp của anh doanh nhân họ Cao. 

Trên thực tế, nhiều người dân vì tin tưởng ngân hàng nên không thực hiện việc kiểm đếm này, dẫn đến việc dễ xảy ra nhiều rủi ro và mất đi quyền lợi của mình. Luật sư cũng đưa ra lời khuyên rằng đối với những giao dịch lớn, người dân nên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, giao dịch bằng tiền mặt chỉ nên thực hiện với các giao dịch nhỏ.

(Theo 163.com)


(0) Bình luận
Ra ngân hàng rút tiền thì bị "lẫn" cả tiền giả, người đàn ông Trung Quốc tá hỏa mang đi kiểm tra: Sai lầm ở bước nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO