Quyết định đổi tên và vụ đặt cược thế kỷ của Facebook vào công nghệ "siêu vũ trụ"

Mai Mai | 14:32 03/11/2021

“Metaverse” được xem là bước ngoặt công nghệ quan trọng tiếp theo của loài người, sau kỷ nguyên Internet

CEO Facebook Mark Zuckerberg ngày 28/10 đã thông báo đổi tên công ty mẹ Facebook thành Meta, nhắm đến việc xây dựng một vũ trụ ảo “metaverse”, một phiên bản thực tế ảo của internet mà gã khổng lồ công nghệ coi là tương lai.

fbmetaverse.jpg

Mark Zuckerberg (giữa) và những người khác đeo tai nghe thực tại ảo tăng cường VR tại một sự kiện năm 2016 - Bản quyền ảnh AP

Metaverse, viết tắt của "siêu vũ trụ", được cấu tạo từ 2 từ, gồm Meta: Beyond hay còn có nghĩa là vượt lên, Verse: trong Universe có nghĩa là vũ trụ, Metaverse có hàm ý là “vượt lên vũ trụ hiện hữu”, được định nghĩa là một thế giới kỹ thuật số nơi thực và ảo kết hợp thành một viễn cảnh khoa học viễn tưởng, cho phép mọi người di chuyển giữa các thiết bị khác nhau và giao tiếp trong một môi trường ảo, truy cập bằng các thiết bị ảo như VR và AR, thay vì máy tính xách tay, điện thoại. Nó đề cập đến sự hợp nhất của thực tế vật lý, thực tế tăng cường và thực tế ảo trong một không gian trực tuyến được chia sẻ.

Metaverse không phải là một thuật ngữ mới xuất hiện, Facebook cũng không phải là người khơi mào. “Metaverse” đã được đề cập lần đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Snow Crash” của Neal Stephenson vào năm 1992, được mô tả là một nơi con người có thể tương tác qua lại với nhau trong một không gian đậm chất khoa học viễn tưởng.

Một số cộng đồng trò chơi điện tử đã tạo ra một số dạng “phôi thai” của các siêu vũ trụ, chẳng hạn như Roblox (một nền tảng bao gồm vô số trò chơi do trẻ em và thanh thiếu niên tạo ra) hoặc Fortnite (một trò chơi bắn súng và sinh tồn có 350 triệu người chơi).

Hồi tháng 4/2021, 5 buổi hòa nhạc ảo của rapper Travis Scott, người xuất hiện dưới dạng hình đại diện trong Fortnite, đã được hơn 12 triệu game thủ theo dõi.

Dần dần, màn hình, ảnh ba chiều, tai nghe VR và kính thực tế tăng cường sẽ cho phép sự dịch chuyển linh hoạt của các vũ trụ ảo ở những nơi thực tế, một quá trình được Zuckerberg gọi là "viễn tải" (teleportation - sự vận chuyển gần như tức thời các vật từ nơi này tới nơi khác mà không phải di chuyển qua không gian).

kinhthucte.png

Kính thực tế ảo là thiết bị quan trọng để trải nghiệm metaverse Ảnh: The Verge

"Công nghệ xã hội tối thượng"

Facebook đã thông báo trong một bài đăng trên blog rằng họ có kế hoạch thuê 10.000 người ở tại châu Âu để xây dựng metaverse. Theo đó, Facebook cho rằng "metaverse có tiềm năng giúp mở khóa khả năng tiếp cận các cơ hội sáng tạo, xã hội và kinh tế mới” và Facebook muốn chuyển đổi từ một công ty truyền thông xã hội sang công ty siêu vũ trụ metaverse.

"Theo nhiều cách, metaverse là biểu hiện tối thượng của công nghệ xã hội", Mark Zuckerberg nhận định.

Facebook trước đây đã thông báo sẽ thành lập một nhóm sản phẩm để làm việc cụ thể về các dự án liên quan đến metaverse. Công ty cũng đầu tư rất nhiều vào thực tế ảo và thực tế tăng cường, mua lại phần cứng như tai nghe Oculus VR và nghiên cứu chế tạo kính AR cũng như các công nghệ thiết bị đeo tay. Công ty cũng đã mua một loạt các studio chơi game VR, bao gồm cả BigBox VR. HIện Facebook có khoảng 10.000 nhân viên làm việc về thực tế ảo, theo The Information đưa tin vào tháng 3.

Zuckerberg cho rằng những khoản đầu tư lớn như vậy là rất hợp lý nhằm định hình những gì anh đặt cược sẽ là nền tảng internet trong tương lai.

vrheadset.jpg

Facebook đã trả khoảng 2 tỷ euro cho nhà sản xuất tai nghe VR Oculus vào năm 2014. Ảnh: AFP

"Tôi tin rằng 'metaverse' sẽ là sự kế thừa của Internet di động và việc tạo ra nhóm sản phẩm này là bước tiếp theo trong hành trình của chúng tôi để giúp xây dựng nó", Zuckerberg nói trong một bài đăng trên Facebook vào tháng 7.

Metaverse lớn như thế nào?

Không chỉ Facebook, hàng loạt công ty công nghệ lớn khác như Microsoft, Sony cũng đã tham gia vào lĩnh vực công nghệ phát triển Metaverse và hầu hết đều đánh giá đây là một thị trường rất tiềm năng trong tương lai.

Microsoft đã đề cập đến việc hội tụ thế giới kỹ thuật số và vật lý, cũng như thực thi những bước tiến lớn về AI và thực tế hỗn hợp nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng “metaverse”.

Một số công ty game như Roblox hay Epic Games cũng tự mô tả hoặc coi mình là một phần của “metaverse”. Tim Sweeney, CEO công ty Epic Games - công ty đứng sau tựa game Fortnite, đã chia sẻ về việc Metaverse sẽ không tồn tại dưới dạng một thế giới chỉ do một công ty độc quyền tạo ra như trong “Ready Player One”, mà sẽ bao gồm rất nhiều ứng dụng. Ông cũng đề cập đến khả năng tương tác giữa các thế giới khác nhau trong Metaverse.

Các công ty thời trang lớn nhất thế giới cũng đã thử nghiệm sản xuất quần áo ảo, thứ mà mọi người có thể mặc cho nhân vật đại diện (avatar) của mình trong môi trường “metaverse”.

Có thể nói, “metaverse” được xem là bước ngoặt công nghệ quan trọng tiếp theo của loài người, sau kỷ nguyên Internet. Những người ủng hộ cho rằng “metaverse” sẽ mang đến tiềm năng kinh doanh khổng lồ như bán hàng và dịch vụ kỹ thuật số.

Với tầm nhìn “Beyond the Universe” của Metaverse, rất có thể trong tương lai tất cả các tài sản của thực tại vật lý ngoài đời sống sẽ được mang lên Metaverse để tạo ra một thế giới song song, và bạn có thể hình dung được thị trường này sẽ lớn đến mức nào.

Copy Link

(0) Bình luận
Quyết định đổi tên và vụ đặt cược thế kỷ của Facebook vào công nghệ "siêu vũ trụ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO