Còn nhiều hạn chế
Mới đây, chia sẻ tại hội thảo chuyên đề nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững về câu chuyện quy hoạch đô thị tại Việt Nam hiện nay, TS.KTS Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã thẳng thắn thừa nhận việc quy hoạch chưa thực hiện tốt vai trò định hướng phát triển đô thị.
"Quy hoạch không hợp lý và không được thực thi có thể cản trở sự phát triển chung của đô thị. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch chưa thực sự phát huy hiệu quả của một công cụ định hướng và đầu tư phát triển đô thị", bà Trần Thị Lan Anh nêu quan điểm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, ngoài việc quy hoạch chưa phủ kín so với tổng diện tích đất xây dựng đô thị thì phương pháp thực hiện quy hoạch còn hạn chế trên cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, công tác dự báo thiếu chính xác, thiếu khoa học dẫn đến quy hoạch không theo kịp và đáp ứng nhu cầu thị trường và thực tế.
Dẫn ra số liệu cụ thể, đại diện Cục Phát triển đô thị cho biết, tính đến tháng 12/2021, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.
Ngoài ra, quy hoạch thiếu kết nối với nguồn lực thực hiện nên đã hạn chế hiệu quả định hướng đầu tư… Điều chỉnh quy hoạch còn xảy ra nhiều nơi với quy mô và mức độ khác nhau ở các loại đồ án quy hoạch khác nhau.
"Việc điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và giảm diện tích đất công cộng, đất cây xanh dẫn đến tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị", bà Trần Thị Lan Anh nêu rõ những bất cập trong điều chỉnh quy hoạch đô thị.
Từ những bất cập trong công tác quy hoạch đô thị, theo đại diện Cục Phát triển đô thị, thời gian tới, phương pháp quy hoạch đô thị cần phải có sự đổi mới nhất định theo hướng gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia.
“Đi trước về sau”
Bình luận về công tác quy hoạch đô thị hiện nay, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng vấn đề “trọng yếu” hiện nay không phải do chất lượng quy hoạch ban đầu lập kém mà đến từ việc công tác thừa hành, đưa quy hoạch vào cuộc sống đang “có vấn đề”.
Lấy ví dụ tại một số đô thị như lớn Hà Nội, TP.HCM hay tại một số đô thị đặc thù như Đà Lạt, Tam Đảo, Sapa,… ông Nghiêm cho rằng, những bản quy hoạch đô thị ban đầu, dù do ai lập cũng đều rất tốt, được nghiên cứu công phu, khoa học. Tuy nhiên, khi đưa vào thực hiện, sau nhiều lần điều chỉnh, thậm chí có chuyện “quy hoạch chạy theo doanh nghiệp” thì những đồ án quy hoạch đô thị đó đã bị “vỡ trận” và trở thành lạc hậu, từ chỗ vốn “đi trước” để định hướng lại thành “theo sau”.
Cũng theo TS. Đào Ngọc Nghiêm thực trạng trên của công tác quy hoạch đô thị là rất đáng báo động và các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm “nhìn thẳng” vào vấn đề để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
“Một công trình, thậm chí một dự án lệch lạc có thể sửa được dù tốn kém nhưng một bản quy hoạch đô thị mà lệch lạc thì có thể không có cơ hội để sửa sai”, TS. Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ quan điểm.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng quy hoạch tại một số đô thị vừa qua bị “băm nát” do điều chỉnh “vô tội vạ”, ông Nghiêm cho rằng phần nhiều đến từ việc công tác xử lý các sai phạm liên quan đến quy hoạch có thể còn chưa nghiêm và đảm bảo tính răn đe.
"Nhiều năm qua, đã có nhiều công chức, thậm chí cán bộ cấp cao bị xử lý liên quan đến những sai phạm về tham nhũng tài chính, đất đai,… nhưng vấn đề được không ít người dân đặt ra hiện nay là họ hầu như chưa thấy có “quan chức” nào bị xử do sai phạm về điều chỉnh quy hoạch", ông Nghiêm chia sẻ.