Quỹ ETF quy mô hơn 17.000 tỷ nắm toàn cổ phiếu “hot” MWG, FPT, PNJ, GMD,…bị rút vốn kỷ lục trong tháng cuối năm 2023

Hà Linh | 23:30 31/12/2023

Luỹ kế cả năm 2023, quỹ ETF này bị rút ròng gần 3.700 tỷ đồng, lớn nhất trong các quỹ ETF nội, trái ngược hoàn toàn so với năm ngoái.

Quỹ ETF quy mô hơn 17.000 tỷ nắm toàn cổ phiếu “hot” MWG, FPT, PNJ, GMD,…bị rút vốn kỷ lục trong tháng cuối năm 2023

2023 ghi dấu một năm chuyển động thất thường của dòng vốn ETF. Không còn “ồ ạt” đổ vào như năm ngoái, dòng vốn đã đảo chiều rút ròng trên nhiều ETF trong đó tâm điểm phải kể đến DCVFM VNDiamond ETF. Quỹ vừa có tháng 12 bị rút vốn kỷ lục kể từ khi hoạt động với giá trị lên đến gần 1.200 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2023, DCVFM VNDiamond ETF bị rút ròng gần 3.700 tỷ đồng, lớn nhất trong các quỹ ETF nội. Kết quả này trái ngược hoàn toàn so với năm ngoái khi quỹ hút ròng đến hơn 7.300 tỷ đồng, chỉ kém Fubon ETF. Xu hướng đảo chiều phần nào cho thấy ETF lớn thứ 2 tại thị trường Việt Nam với quy mô hơn 17.000 tỷ, đang dần đánh mất vị thế.

screenshot-2023-12-29-at-15.22.50.png

Một trong những nguyên nhân có thể đến từ việc không còn “độc quyền” tham chiếu theo rổ chỉ số VNDiamond khi đã có thêm 2 ETF mới là MAFM VNDiamond ETF và BVF VNDiamond ETF. Trong năm 2023, MAFM VNDiamond ETF đã hút ròng được khoảng 250 tỷ đồng. Việc nhà đầu tư Hàn Quốc ưu ái quỹ “đồng hương” cũng là điều dễ hiểu và không loại trừ khả năng một phần dòng vốn được rút ra từ DCVFM VNDiamond ETF.

Bên cạnh đó, dòng vốn đến từ Thái Lan không còn quá “mặn mà” với DCVFM VNDiamond ETF cũng là một nguyên nhân khiến quỹ bị rút vốn. Nhà đầu tư xứ “chùa Vàng” từng là lực lượng mua gom rất mạnh chứng chỉ quỹ ETF này trên cả 2 kênh trực tiếp qua các quỹ đầu tư và gián tiếp qua DR (Chứng chỉ lưu ký).

Trong năm qua, nhà đầu tư Thái Lan chủ yếu lướt sóng ccq DCVFM VNDiamond ETF trên kênh DR. Nhiều giai đoạn rút vốn mạnh nhưng sau đó đa phần đều mua gom trở lại nhanh chóng. Giá trị rút ròng tính chung cả năm không đáng kể. Lượng DR do Bualuang Securities phát hành vẫn đang chiếm khoảng 1/4 tổng số lượng ccq của DCVFM VNDiamond ETF.

screenshot-2023-12-31-at-19.39.18.png

Trong khi đó, nhiều quỹ đầu tư Thái Lan từng nắm lượng lớn ccq ETF của Việt Nam đã rút vốn mạnh trong năm qua. Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là Principal Vietnam Equity Fund A với quy mô 7,6 tỷ THB (~5.300 tỷ đồng), có thời điểm nắm hơn 20,5 triệu ccq (tỷ trọng 10,25%) vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11, quỹ đã thoái sạch vốn và không còn nắm giữ ccq của Việt Nam.

Vì sao bị rút vốn?

Trên thực tế, dòng vốn ETF vào Việt Nam đảo chiều trong năm 2023 cũng nằm trong xu hướng chung đang diễn ra trên toàn cầu khi Fed duy trì chính sách tiền tệ mang tính “diều hâu”. Lãi suất USD duy trì mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ khiến dòng vốn có xu hướng rút khỏi các thị trường có sự chênh lệch lãi suất lớn giữa đồng nội tệ và USD, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, DCVFM VNDiamond ETF còn gặp vấn đề với chính danh mục từng làm nên thương hiệu của quỹ. Mô phỏng theo rổ chỉ số VNDiamond tập trung vào các cổ phiếu hết room ngoại, ETF này có danh mục khác biệt hẳn so với phần còn lại với FPT, MWG, PNJ,… là những cái tên có tỷ trọng lớn nhất. Những viên kim cương này từng mang về hiệu suất vượt trội cho quỹ trong thời gian dài nhưng hiện lại đang vướng vào một số vấn đề nan giải.

screenshot-2023-12-31-at-20.55.33.png

Đầu tiên là giới hạn về quy mô, với nguyên tắc không nắm giữ quá 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của một cổ phiếu, DCVFM VNDiamond ETF gần như không còn dư địa giải ngân thêm vào PNJ khi NAV chạm ngưỡng 18.000 tỷ đồng. Điều này phần nào đã làm giảm đi sức hấp dẫn của quỹ.

Trong khi đó, MWG lại đang gặp khó với bài toán tăng trưởng và bị khối ngoại bán ròng triền miên khiến room ngoại “hở” gần 5%. Bên cạnh đó, MWG còn đang gặp khó khăn với điều kiện sàng lọc chất lượng của rổ chỉ số VNDiamond khi P/E tăng vọt do lợi nhuận lao dốc mạnh 3 quý liên tiếp. Điều này khiến MWG đứng trước nguy cơ bị loại khỏi rổ VNDiamond dẫn đến DCVFM VNDiamond ETF cũng gặp khó khi tìm kiếm lựa chọn thay thế.

Bên cạnh đó, FPT vẫn giữ phong độ ổn định nhưng cổ phiếu này hiện đang ở đỉnh lịch sử với định giá không hề rẻ. Rất khó để kỳ vọng vào sự tăng trưởng đột phá trong tương lai gần. Tương tự, viên kim cương mới nổi là GMD cũng đang ở đỉnh mọi thời đại và khả năng duy trì tăng trưởng vẫn còn là dấu hỏi khi năm 2023 ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động bất thường (bán cảng).

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất (40%) trong danh mục của DCVFM VNDiamond ETF là ngân hàng cũng đang không thật sự hấp dẫn dù định giá tương đối rẻ. Tăng trưởng tín dụng thấp và áp lực nợ xấu đang che mờ triển vọng của nhóm cổ phiếu vua trong ngắn hạn. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến ETF này khó hút vốn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Quỹ ETF quy mô hơn 17.000 tỷ nắm toàn cổ phiếu “hot” MWG, FPT, PNJ, GMD,…bị rút vốn kỷ lục trong tháng cuối năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO