Quỹ đầu tư TCBF áp dụng cơ chế mua lại từng phần để "giảm tốc" lực bán ròng

Thanh Bình | 18:49 19/11/2022

Trong tình trạng bất khả kháng của thị trường và để bảo vệ giá trị dài hạn của Quỹ và quyền lợi cho nhà đầu tư (NĐT), việc tạm thời dừng giao dịch chứng chỉ quỹ được cho là giải pháp căn cơ nhất.

Quỹ đầu tư TCBF áp dụng cơ chế mua lại từng phần để "giảm tốc" lực bán ròng

Ngoài ra, các Quỹ có có rổ tài sản khỏe, quản trị chuyên nghiệp và còn khả năng cân đối được nguồn tiền có thể lựa chọn áp dụng phương án mua lại từng phần theo ngày để chặn đà bán ròng và chờ thị trường hồi phục.

Giá NAV/CCQ sẽ ổn định hơn từ tuần tới

Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay bị ảnh hưởng trước nhiều vụ việc mang tính riêng lẻ, đã dẫn đến tình trạng NĐT hành động theo đám đông, ồ ạt bán lại chứng chỉ quỹ với khối lượng lớn. Các quỹ đã nỗ lực tối đa để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và mua lại chứng chỉ quỹ theo quy định thông qua việc bán tài sản trái phiếu trên sàn giao dịch niêm yết để thu về tiền mặt. Nhưng với tình trạng thị trường thiếu thanh khoản và không thuận lợi, thì cả các trái phiếu niêm yết có chất lượng tốt cũng đang có thanh khoản thấp và giá giao dịch thực khớp hay NAV/CCQ đang ở mức thấp hơn nhiều so với giá trị thật của trái phiếu.

Tại Việt Nam, nhiều quỹ trái phiếu như TCBF, BVBF, DCBF, MBBond, SSIBF, VCBF-FIF,... có đóng góp không nhỏ vào thị trường vốn. Trong số này, các trái phiếu mà TCBF nắm giữ chủ yếu là các trái phiếu đại chúng và niêm yết của các doanh nghiệp tốt và hàng đầu tại Việt Nam, và đang tiếp tục nhận đầy đủ tiền gốc và lãi ổn định từ các trái phiếu nắm giữ.

Để giảm tốc lực bán ròng, TCBF vừa thông báo sẽ áp dụng việc mua lại từng phần (pro-rata) đối với các chứng chỉ quỹ bán ra từ nhà đầu tư. Đây là thông lệ tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, được lựa chọn bởi những Quỹ có rổ tài sản khỏe, được quản trị chuyên nghiệp và và có khả năng linh hoạt cân đối được nguồn tiền.

Việc mua lại chứng chỉ Quỹ theo cơ chế phân bổ bình đẳng, công bằng giữa các nhà đầu tư có nhu cầu bán lại sẽ giúp các Quỹ có thêm được sự linh hoạt và thời gian chủ động để cân đối lại tài sản và nguồn tiền của Quỹ. Từ đó, kỳ vọng góp phần bình ổn và tăng giá tài sản ròng theo thời gian, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho các nhà đầu tư của Quỹ. Cụ thể, cơ chế này được phân bổ dựa trên giá trị gốc, lãi nhận được từ tài sản trái phiếu, hoặc từ việc chủ động bán trái phiếu với giá tối ưu trên thị trường.

“Chúng tôi tin rằng việc bán nhanh các tài sản trái phiếu tốt trong môi trường ít thanh khoản hiện nay chưa mang lại lợi ích dài hạn tốt nhất cho tất cả nhà đầu tư của Quỹ. Cùng với đó, việc quản lý giá trị tài sản của Quỹ sẽ tạo được dòng tiền nhận lãi và gốc ổn định cho Quỹ, nhằm tối ưu lợi ích cho toàn bộ nhà đầu tư của Quỹ trong dài hạn”, TCBF cho hay trong thư gửi khách hàng phát đi ngày 18/11. Tổng giá trị mua lại CCQ được TCBF công bố công khai và minh bạch hàng ngày trên cổng thông tin điện tử.

Theo định giá của Ngân hàng Standard Chartered hôm 18/11, giá NAV/CCQ (giao dịch thực khớp) của TCBF ngày 18/11 là 12.863,58 VND, giảm -5,91% so với hôm trước và giảm -21,69% so với 1 tuần trước. Nguyên nhân vẫn là do lực bán ròng từ các nhà đầu tư nắm giữ tài sản của Quỹ. Theo tình hình giao dịch trái phiếu hiện tại, giá NAV/CCQ sẽ ổn định hơn từ tuần tới.

Ồ ạt rút quỹ - Nhà đầu tư đang tự “khóa chân mình”

Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân với số lượng đông đảo nhưng tâm lý dễ bị tác động thường tạo “hiệu ứng đám đông”, tâm điểm là những sự kiện đặc biệt vừa qua.

Khác với vai trò trái chủ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, cơ chế đầu tư vào quỹ mở trái phiếu linh hoạt hơn. Khi nhà đầu tư có nhu cầu bán hay còn gọi là rút quỹ, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện bán danh mục đối ứng, thực hiện hoán đổi với mức giá được xác định bằng giá trị tài sản ròng trên (NAV/chứng chỉ quỹ) tại ngày thực hiện.

Danh mục đầu tư của các quỹ mở trái phiếu bao gồm các sản phẩm thanh khoản như chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá, trái phiếu doanh nghiệp. Khi khách hàng rút quỹ, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện bán ra theo lô, bao gồm các sản phẩm có tỷ trọng được xây dựng trước đó. Tuy nhiên, trong kịch bản có mã chứng khoán trong lô không thể đặt bán, công ty quản lý quỹ sẽ bán ra những sản phẩm có tính thanh khoản cao hơn. Một lựa chọn khác là hạ giá bán để có thể khớp lệnh, thu hồi tiền để hoàn vốn cho những nhà đầu tư.

Tới đây, không ai khác, chính nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ chịu thiệt, thậm chí mất thành quả tích lũy trong nhiều tháng qua bởi số tiền rút được xác định bởi NAV/chứng chỉ quỹ tại thời điểm bán, phản ánh theo giá thị trường như cơ chế nêu trên.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh và tin tưởng vào những quỹ có uy tín

Hiện danh mục tài sản của TCBF có đến 90% là trái phiếu đại chúng được phát hành bởi các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động, được niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Lãi suất trái phiếu là thả nổi nên khi lãi suất tiết kiệm tăng thì lãi trái phiếu cũng tăng tương ứng. Với danh mục tài sản trái phiếu Quỹ đang nắm giữ, TCBF sẽ nhận được trái tức định kỳ với mức lãi suất hiện nay đến 11%-12%/năm.

Đáng chú ý, danh mục trái phiếu của TCBF được xây dựng đa dạng nhằm giảm thiểu rủi ro tập trung và được thẩm định, quản trị rủi ro theo quy trình chuẩn hóa, chuyên nghiệp và độc lập bởi Techcom Capital cùng Ban đại diện độc lập của Quỹ trước sự giám sát của Ngân hàng Standard Chartered. Danh mục trái phiếu này đều được thanh toán gốc và lãi đầy đủ.

Tại TCBF, quy trình định giá độc lập tài sản của Quỹ được định giá hàng ngày theo giá thị trường thực khớp (mark-to-market) theo chuẩn quốc tế được thực hiện bởi Ngân hàng Standard Chartered.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quỹ đầu tư TCBF áp dụng cơ chế mua lại từng phần để "giảm tốc" lực bán ròng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO