Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

PV (TH) | 11:03 01/11/2022

Sáng ngày 1/11/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này và có 107 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để áp dụng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục hạn chế.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Đại biểu Lưu Văn Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật, đại biểu Lưu Văn Đức nhận thấy Ban soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án Luật công phu, nghiêm túc, đáp ứng đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp này. Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật đồng thời nhấn mạnh để triển khai các biện pháp hiệu quả trên thực tế phải thực hiện hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt và hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt. Còn tiếp)

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: Cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế, nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế phù hợp với các chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống rửa tiền, phát hiện, xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản có liên quan đến tham nhũng và kinh tế. Đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã chuẩn bị khá công phu, dự thảo Luật trình Quốc hội tương đối hoàn chỉnh. (Còn tiếp)

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cho biết, hiện nay Luật hiện hành mới đáp ứng được 27/40 khuyến nghị của của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Do vậy, nếu chỉ sửa Luật Phòng, chống rửa tiền thì vẫn chưa đầy đủ so với các khuyến nghị. Do đó đại biểu cần thiết sửa đổi cả Điều 34 và Điều 35 của Luật Phòng, chống khủng bố. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định để phù hợp với các khuyến nghị của FATF, nhất là các khuyến nghị cốt lõi. Đồng thời, cũng cần xem xét sửa đổi cả nội dung liên quan trong Bộ Luật hình sự (Điều 324và các quy định khác) để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Đối với khái niệm rửa tiền đại biểu cho rằng thực tế đấu tranh phòng, chống rửa tiền trong 10 năm qua có nhiều diễn biến, Ban soạn thảo nên cập nhật và mô tả khái niệm rửa tiền trong luật này rõ ràng hơn. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu Điều 324 của Bộ luật Hình sự hiện hành để có sự tương thích về khái niệm rửa tiền giữa Bộ luật hình sự và Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Theo đại biểu, trong Bộ Luật Hình sự, khái niệm rửa tiền đã chỉ rõ khi khởi tố bị can, bị cáo và người phạm tội đã xác định và người chấp hành án (có nghĩa là có dấu hiệu rõ ràng).

Còn khái niệm “đáng ngờ”, đại biểu cho rằng nên mở rộng ra những đối tượng trước khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan pháp luật để bảo đảm không để lọt tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tệ nạn rửa tiền tốt hơn.

Góp ý về kỹ thuật lập pháp, đề nghị ban soạn thảo chuyển đoạn 1 khoản 1, Điều 17: “Cá nhân người nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế”, theo đại biểu, đoạn này là khái niệm nên chuyển sang phần giải thích từ ngữ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Đề nghị Ban soạn thảo cầm xem xét bổ sung một số hình thức đối tượng cụ thể trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Đặc biệt khi tiền ảo, tài sản số đã được một số quốc gia công nhận thì tại Việt Nam gần đây đã xuất hiện cái hình thức mua bán Bitcoint. Vì thế, nếu không quy định cụ thể thì sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền, chuyển tiền lợi dụng.

Từ năm 2017, Bộ Tư pháp cũng đã đề cập vấn đề về tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, trong đó có rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh việc giám sát việc thực thi các quy định về phòng, chống tiền rửa tiền đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là các lĩnh vực mới nổi mà tội phạm có khả năng sử dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và quản lý. Do đó, để dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền bao quát các hoạt động mới phát sinh thì cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận về các loại hình này. Luật quy định rõ hình thức quy định thống nhất, thế không thống nhất ở mức độ nào.

Bên cạnh đó thì cũng cần mở rộng phạm vi, đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới và các dịch vụ chuyển tiền để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Cần bổ sung quy định về tiêu chí thành lập và hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ xác minh thông tin, nhận biết khách hàng.

Tại Điều 143 Nghị định số 134 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Về hình thức xử lý văn bản sau rà soát, hình thức thay thế được áp dụng trong trường hợp phần lớn nội dung của văn bản chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, Điều Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 77 Nghị định số 134 quy định văn bản sửa đổi phải xác định rõ phần, chương, mục, tiết, mục, điều, khoản, điểm của văn bản sửa đổi. Trong khi dự thảo luật này không thể hiện được các quy định nêu trên. Ngoài ra, Điều 64 dự thảo luật quy định luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, như vậy, luật này được thông qua có hiệu lực sẽ thay thế toàn bộ luật năm 2012.

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 quy định công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. Theo đó, công chứng không có dịch vụ đại diện thay mặt khách hàng thực hiện các giao dịch. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét các quy định về đối tượng báo cáo theo điểm đ khoản 2 Điều 4 và việc nhận biết khách hàng tại điểm đ, khoản 3 Điều 9 về tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công chứng để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của dịch vụ hành nghề công chứng.

Về việc thuê các tổ chức để xác minh thông tin, nhận biết khách hàng và việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua bên thứ ba, đại biểu nêu rõ, hiện nay pháp luật hiện hành chưa có quy định về điều kiện thành lập, hoạt động các loại hình doanh nghiệp hay tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này. Do đó đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chí thành lập, hoạt động của loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ xác minh thông tin, nhận biết khách hàng trong Luật Phòng, chống rửa tiền để đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp về quyền bất khả xâm phạm bí mật cá nhân, tránh trường hợp làm lộ thông tin hoặc sử dụng trái phép thông tin của khách hàng.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Đề nghị xem xét lại khái niệm “rửa tiền” trong dự thảo Luật. Việc quy định đầy đủ, chặt chẽ, phản ánh đúng bản chất khái niệm “hành vi rửa tiền” sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung khái niệm này tại dự thảo Luật, đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự và khuyến nghị của FATF thì khái niệm này chưa thật sự chính xác.

Khái niệm “rửa tiền” trong dự thảo thực chất là việc xác định các hành vi rửa tiền trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền rộng hơn các hành vi rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự. Điều này dẫn đến hệ quả là các hành vi vi phạm được quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 của Điều 3 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 324 Bộ luật Hình sự và như vậy là không phù hợp với kiến nghị số 3 của FATF.

Bên cạnh đó, quy định trên sẽ dẫn đến tình trạng: trong hệ thống pháp luật sẽ có hai văn bản luật bao gồm Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống rửa tiền cùng xác định về hành vi rửa tiền nhưng lại không thấp nhất với nhau, tạo nên cái sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị xem xét không nên quy định trực tiếp khái niệm “hành vi rửa tiền” trong luật này mà chỉ nên quy định theo hướng dẫn chiếu sang Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên theo Bộ luật Hình sự hiện nay, khái niệm này lại chưa phù hợp với khuyến nghị số 3 của FATF, do vậy đồng thời đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát và trình Quốc hội sửa đổi Điều 324 Bộ luật Hình sự để phù hợp với khuyến nghị của FATF.

Liên quan đến Điều 17 quy định về các cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị. Đề nghị cần bổ sung các tiêu chí cụ thể để xác định rõ cá nhân có ảnh hưởng chính trị là gồm những tiêu chí như thế nào hoặc cần quy định rõ các đối tượng là cá nhân có ảnh hưởng chính trị, như vậy quy định này sẽ đảm bảo được thực thi của điều luật trên thực tế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Đề nghị tiếp tục rà soát các điều khoản giải thích từ ngữ về khái niệm giao dịch điện tử, chuyển giao thông tin; vấn đề quan hệ giữa ngân hàng và đại lý; giám sát giao dịch đặc biệt….

Về giải thích từ ngữ, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung giải thích một số từ ngữ tại Điều 3, đại biểu cho rằng, trong quá trình thực hiện báo cáo chuyển tiền điện tử với Ngân hàng nhà nước, đại biểu kiến nghị cần xem xét, bổ sung tiêu chí tính trên mỗi khách hàng đối với khái niệm giao dịch có giá trị lớn. Về thu thập, xử lý, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi thiết lập quan hệ giữa tổ chức tài chính với các đối tác trong nước và nước ngoài cũng phát sinh yêu cầu về xử lý, chuyển giao thông tin nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung điều khoản làm cơ sở pháp lý cho phép tổ chức tài chínhh được cung cấp thông tin cho các đối tác trong và ngoài nước nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.

Về quan hệ ngân hàng đại lý, trên thực tế, các ngân hàng không chỉ tương tác với nhau, mà còn với các đối tác khác, bao gồm các tổ chức chuyển tiền quốc tế, đối tác nước ngoài. Đại biểu đề nghị xem xét cần bổ sung điều khoản làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ này.

Ngoài ra, liên quan đến giám sát đặc biệt một số giao dịch, đại biểu cũng đề nghị cần xem xét, bổ sung đầy đủ các trường hợp cần giám sát, đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi của Luật.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Hà Nội: Điểm a Khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật quy định giao đối tượng báo cáo trách nhiệm phải báo cáo các giao dịch theo yêu cầu của bị can, bị cáo nói chung thì khó khả thi vì đối tượng báo cáo không thể biết hết các giao dịch theo yêu cầu của bị can, bị cáo nhất là đối với các giao dịch điện tử và các đối tượng không bị tạm giữ, tạm giam. Do đó, cần cân nhắc quy định này. Đề nghị bổ sung vào Điểm a Khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật về 3 chủ thể yêu cầu giao dịch của họ cũng bị coi là giao dịch đáng ngờ phải báo cáo gồm người bị bắt, người bị tạm giữ và người chấp hành án.

Điểm b Khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật, quy định của dự thảo Luật còn một số hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị khi chỉnh lý nội dung này cần lưu ý để không sót lọt giao dịch đáng ngờ phải báo cáo liên quan đến tài sản của pháp nhân. Đại biểu cũng cho rằng nếu quy định theo hướng tất cả các giao dịch mà có tài sản liên quan đến tất cả tội phạm và đối tượng tính cả người bị bắt, bị tạm giữ, bị kết án chấp hành án đều bị coi là giao dịch đáng ngờ thì rõ ràng là mở quá rộng đến mức bất hợp lý. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh lý lại quy định này.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Phòng, chống rửa tiền là nhằm phát hiện nỗ lực ngụy tạo các khoản tiền bất hợp pháp thành thu nhập hợp pháp, liên quan đến các tội phạm từ trốn thuế đến buôn bán ma túy, tham nhũng, lừa đảo, tài trợ khủng bố. Thông thường rửa tiền có thể chia thành các bước như: gửi tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính, thiết kế các giao dịch để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền, sử dụng tiền để mua bất động sản hoặc đầu tư thương mại. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ hơn khái niệm “rửa tiền”, để làm rõ hơn bản chất của hành vi này.

Về biện pháp phòng, chống rửa tiền, đại biểu đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung về xác định khách hàng giao dịch không thường xuyên tại điểm b, khoản 2, Điều 9, cần giải thích rõ khách hàng giao dịch không thường xuyên là các tài khoản không giao dịch trong thời gian bao lâu, cần xác định thời gian cụ thể để được hiểu thống nhất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ, biện pháp để giám sát, cảnh báo, điều tra kịp thời.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Tại Khoản 1, Điều 7 dự thảo luật quy định về việc đánh giá rủi ro ngành. Đại biểu cho rằng, đây là một nội dung mới chưa được quy định trong luật năm 2012. Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên. Lĩnh vực rủi ro cao về rửa tiền là một trong những trụ cột nền tảng của công tác phòng, chống rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế.

Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động của thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Do vậy, việc bổ sung quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là rất cần thiết.

Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tiễn, đặc biệt là khuyến nghị và báo cáo kết quả đánh giá, đại biểu đề nghị bổ sung quy trình đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền nhằm hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đối với các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Đề nghị tiếp tục rà soát thật kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện, thận trọng các nội dung tại dự thảo luật với các bộ luật luật hiện hành như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Công chứng, Luật Luật sư… và kể cả dự thảo Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4,để bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, khả thi của luật trong hệ thống pháp luật.

Nghiên cứu báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan đến dự án luật này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, báo cáo chủ yếu liệt kê tên nội dung các điều luật có liên quan, mà chưa thực sự tập trung phân tích, đánh giá về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi giữa các quy định trong dự thảo luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Dự thảo luật còn có khá nhiều nội dung quy định chưa rõ ràng, chưa minh bạch, còn mang nặng tính định tính. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng quy định của luật sẽ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, lúng túng, không thống nhất cho quá trình áp dụng và thiếu tính khả thi trong thực tiễn thi hành. Theo quy định tại khoản 3 Điều 4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 1, Điều 8 luật này cũng đã quy định rất rõ ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông phải diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) còn khác rất nhiều quy định chưa bảo đảm quy định nêu trên. Đơn cử như quy định về các dấu hiệu đáng ngờ, cơ bản trong từng lĩnh vực cụ thể từ 27 đến Điều 33 dự thảo luật.

Theo quy định của dự thảo khối lượng báo cáo là tương đối lớn, trong khi các điều này quy định về dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể như ngân hàng, kinh doanh, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử. Đây là những lĩnh vực có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải báo cáo.

Tuy nhiên, phần lớn các quy định về dấu hiệu đáng ngờ còn mang tính định tính, chưa thật sự rõ ràng, rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ. Đại biểu lấy ví dụ như khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo, không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, Điều 27; hay tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao hơn so với bình thường tại khoản 2, Điều 28; thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không đầy đủ, không chính xác tại khoản 12, Điều 28; khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản giao dịch phải trả tại khoản 3, Điều 33…

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên -Huế: Ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung tcụm từ hoặc các giao dịch khác vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”.

Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu đối với khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật quy định thời hạn Ngân hàng Nhà nước chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc là chưa hợp lý vì quá dài.

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh trường hợp đối tượng hoặc tội phạm tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, đối phó, bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu xem xét rút ngắn thời hạn này trong thời hạn còn 3 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền của đối tượng báo cáo thì sẽ phù hợp hơn với các thời hạn báo cáo, thời hạn thì họ giao dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO