Quốc gia BRICS dẫn đầu 1 ngành khiến phương Tây lo sợ: Nắm giữ loại công nghệ Mỹ chưa có, hàng loạt quốc gia muốn khai thác, bị trừng phạt vẫn ‘hái ra tiền’

An Chi | 20:04 21/06/2024

Bất chấp lệnh trừng phạt, các công ty Nga đang xây dựng hơn 1/3 số lò phản ứng hạt nhân mới trên khắp thế giới, điều này đang mang lại lợi thế cho Moscow và cũng khiến phương Tây lo ngại.

Quốc gia BRICS dẫn đầu 1 ngành khiến phương Tây lo sợ: Nắm giữ loại công nghệ Mỹ chưa có, hàng loạt quốc gia muốn khai thác, bị trừng phạt vẫn ‘hái ra tiền’

Lệnh trừng phạt cũng không thể cản trở

Nhà máy Rooppur ở vùng viễn tây của Bangladesh dường như là một nơi không mấy phù hợp với khu Tiểu Nga. Tuy nhiên, địa điểm gần đây lại có rất nhiều những cửa hàng với biển hiệu được viết bằng tiếng Nga, như cửa hàng rau treo tấm biển bán "kartoshka" (khoai tây) và "morkov" (cà rốt) và người Nga sinh sống ở đây sẽ đến khám răng ở Russ Dental Care. 

Lời giải thích lại nằm cách đó vài km, nơi Rostatom - tập đoàn hạt nhân lớn thuộc sở hữu của nhà nước Nga, đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Bangladesh. Với chi phí ước tính khoảng 12 tỷ USD, đây sẽ là một trong những dự án cơ sở hạ tầng hoành tráng nhất của quốc gia 170 triệu dân này. 

screen-shot-2024-06-21-at-16.56.36.png
Bên ngoài nhà máy Rooppur ở Bangladesh. 

Sama Bilbao y León, Tổng giám đốc Tổ chức Hạt nhân Thế giới (WNA), cho biết với mục tiêu nâng tỷ lệ điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân nhân tạo từ 0 lên 10% trong vòng chưa đầy 10 năm của Banglades, Rosatom đang làm một việc "đáng kinh ngạc". 

Chính phủ Bangladesh cho biết nhà máy 2.400 MW này dự kiến sẽ chạy thử trong năm nay. Theo đó, nhà máy sẽ giải quyết tình trạng thiếu điện và mất điện đang làm trì trệ khiến nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Bangladesh. 

Còn với Moscow, dự án này được xây dựng để gắn kết mối quan hệ giữa 2 nước trong nhiều thập kỷ, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng của Moscow. Khí đốt và dầu mỏ vốn là "công cụ" thương lượng địa chính trị quan trọng của Nga. Tuy nhiên, việc EU nỗ lực tách rời cùng vụ nổ đường ống Nord Stream đã ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Điện Kremlin. 

Cho đến nay, các lệnh trừng phạt vẫn chưa cản trở lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga. Trước khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra, Nga đã chiếm khoảng 1/2 trong tổng số thoả thuận quốc tế về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cung cấp lò phản ứng và nhiên liệu, tháo dỡ các cơ sở hay quản lý chất thải. Các đối thủ cạnh tranh chính của Nga trong lĩnh vực điện hạt nhân bao gồm Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ chiếm khoảng 40% tổng thị phần.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu các nhà máy điện hạt nhân lớn. Hiện tại, quốc gia này tham gia vào hơn 1/3 dự án xây dựng lò phản ứng mới trên khắp thế giới, bao gồm ở Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Ai Cập. 

Lo ngại trước vị thế đứng đầu của Nga trong chuỗi cung ứng năng lượng hạt nhân toàn cầu, chính phủ các nước phương Tây đang nỗ lực ngăn cản. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một thoả thuận cấm nhập khẩu uranium được làm giàu của Nga, vốn chiếm khoảng 25% tổng nguồn cung của Mỹ. Năm ngoái, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada và Pháp cũng thành lập một liên minh nhằm tách Nga khỏi thị trường này. 

Sở hữu công nghệ "độc"

Song, những mối quan hệ mà Nga xây dựng thông qua các dự án hạt nhân thậm chí còn vượt xa cả những hợp đồng cung cấp khí đốt qua đường ống.

Việc xây dựng nhà máy hạt nhân mất khoảng 10 năm, tuổi thọ của lò phản ứng là 60 năm với các nhà máy lớn. Vladimir Slivyak, đồng chủ tịch của nhóm môi trường Nga Ecodefense, cho biết việc chuẩn bị tháo dỡ còn mất thêm 10-20 năm nữa và cần nguồn vốn khá lớn. 

screen-shot-2024-06-21-at-16.57.11.png
Sản lượng điện hạt nhân của nhà máy do Nga sở hữu tại các quốc gia (TWh). 

Darya Dolzikova, nhà nghiên cứu chương trình chính sách hạt nhân tại Royal United Services Institute, chỉ ra: "Đây là sự cam kết lâu dài với quốc gia đó với Nga. Nhà máy không chỉ dừng ở việc xây dựng mà còn là toàn bộ hệ sinh thái." 

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này, với cơ sở có công suất 4.800 MW và dự kiến sẽ sản xuất điện trong năm nay. Nga thường sử dụng mô hình xây dựng - sở hữu - vận hành, tức là mức độ hợp tác còn lớn hơn vì Rosatom cung cấp mọi khâu từ nhân viên trong suốt thời gian thực hiện dự án. 

Mâu thuẫn với Ukraine là nguyên nhân khiến Nga cân nhắc lại cách tiếp cận "ngoại giao hạt nhân". Không lâu sau khi xung đột nổ ra, Rosatom đã mất một trong những hợp đồng ở châu Âu, đó là nhà máy điện Hanhikivi 1.200 MW ở Phần Lan, dự kiến khởi công vào năm 2023. 

Rosatom đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Moscow trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở phía nam bán cầu. Công ty đã ký gần 20 biên bản ghi nhớ với các nước châu Phi và Mỹ Latinh, bao gồm Zimbabwe, Mali, Burkina Faso và Brazil. Tại Ghana, Nga chuẩn bị đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này, cùng các nhà cung cấp từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pháp. 

Năm nay, Nga và Uzbekistan đã ký thoả thuận xây dựng một là phản ứng module nhỏ (SMR) có công suất 330 MW. Đây là dự án đầu tiên của Nga và Rosatom trong kế hoạch giới thiệu thế hệ công nghệ hạt nhân tiếp theo ra nước ngoài. 

Những người ủng hộ cho rằng SMR mang lại sự an toàn và hiệu quả hơn so với các công nghệ hiện có. Các nhà đầu tư tư nhân nổi tiếng của công nghệ này là Bill Gates và CEO OpenAI Sam Altman đang hỗ trợ các start up phát triển SMR. Song, Mỹ vẫn chưa phát triển, xây dựng và triển khai hệ thống này. 

Kiếm "bộn tiền" nhờ "bán điện"

Ngay cả ở châu Âu, Nga vẫn đang có sức ảnh hưởng lớn. Nhà máy 2.400 MW ở Hungary Paks đã được trao cho Rosatom vào năm 2014. Dự kiến, nhà máy này sẽ được bàn giao vào đầu những năm 2030, với nhân sự có tay nghề và chuyến hàng uranium đã làm giàu đầu tiên đã hoàn tất. 

Năng lượng hạt nhân từ một nhà máy hiện có ở Hungary - được xây dựng theo thiết kế của Liên Xô, hiện chiếm 40% năng lượng điện của nước này. Thủ tướng Viktor Orbán đã nhiều lần cho biết Budapest sẽ không đồng ý với bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với năng lượng hạt nhân của Nga. 

Năm 2023, Rosatom kiếm được 16,2 tỷ USD từ các dự án ở nước ngoài, tăng từ 11,8 tỷ USD vào năm 2022. Doanh thu của tập đoàn cũng tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và đóng góp cho nhà nước chiếm phần lớn lợi nhuận của Rosatom, với lợi nhuận ròng mỗi năm đạt 2-3 triệu USD. 

screen-shot-2024-06-21-at-17.07.43.png
Doanh thu ở nước ngoài của Rosatom tăng mạnh từ năm 2022 đến nay (tỷ USD).

Theo chiến lược phát triển của công ty, đến năm 2030, tổng doanh thu của Rosatom dự kiến đạt hơn 56 tỷ USD và đà tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi các dự án ở nước ngoài. 

Dù phương Tây lo ngại về tầm ảnh hưởng của Nga đối với khu vực nam bán cầu, nhưng Rafael Mariano Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, lại có lập trường ôn hoà. Ông cho biết, Rosatom không chính trị hoá việc sản xuất năng lượng hạt nhân.

Trong khi cuộc tranh luận vẫn tiếp tục ở phía tây, Rosatom đã thảo luận về việc xây dựng nhà máy thứ hai ở Bangladesh. Mohammad Hossain, giám đốc Bộ năng lượng Bangladesh, cho rằng mối quan hệ này vẫn được duy trì và nói Nga là "đối tác không thể thiếu".

Tham khảo FT


(0) Bình luận
Quốc gia BRICS dẫn đầu 1 ngành khiến phương Tây lo sợ: Nắm giữ loại công nghệ Mỹ chưa có, hàng loạt quốc gia muốn khai thác, bị trừng phạt vẫn ‘hái ra tiền’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO