Quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để phát triển ESG

Hà Giang | 18:00 30/10/2024

Sáng 30/10, tại Hà Nội, Báo Dân trí tổ chức hội thảo “Nhân lực bền vững - Trọng tâm chữ “S” trong ESG. Hội thảo là một phần của Diễn đàn ESG Việt Nam, một sáng kiến của báo Dân trí nhằm thúc đẩy thực hành các chuẩn mực ESG tại Việt Nam.

 Quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để phát triển ESG

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 khách mời, gồm đại diện cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế về lao động, học giả, chuyên gia hàng đầu về quản trị nguồn nhân lực; nhà quản lý có tầm ảnh hưởng ở lĩnh vực ESG trong nước và thế giới; lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đã, đang và hướng đến lộ trình phát triển bền vững. 

hoi-thao-esg-dan-tri-15.jpg
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà tại hội thảo (Ảnh: Báo Dân trí)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh COP26, Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.

“Nhân lực bền vững không chỉ thu hút và giữ chân người tài, mà còn là xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, công bằng, tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện”, bà Nguyễn Thị Hà nói về chữ "S" trong ESG.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội. 

Ưu tiên vào sự phát triển của con người sẽ tạo ra vòng lặp phản hồi tích cực

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam đưa ra nguyên lý, khi các tổ chức ưu tiên sức khỏe và sự phát triển của con người sẽ tạo ra một vòng lặp phản hồi tích cực.

Bà Ngọc trích dẫn số liệu khảo sát, 64% người lao động cho biết họ sẽ bị thu hút và có xu hướng ở lại với tổ chức tạo ra giá trị không chỉ cho cổ đông mà còn cho người lao động và xã hội rộng lớn hơn. 84% người lao động tại các tổ chức có hiệu suất cao cho biết họ được đào tạo cần thiết để hoàn thành tốt công việc.

76% người tiêu dùng cho biết họ có nhiều khả năng mua hàng từ các tổ chức có trách nhiệm với xã hội. Các công ty có sự đa dạng lớn hơn có khả năng vượt trội về mặt tài chính cao hơn 2,4 lần so với các đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, khảo sát của Deloitte cũng chỉ ra: Có 75% người tham gia khảo sát hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển con người bền vững, nhưng chỉ có 46% người được khảo sát có một số hành động và 10% người tham gia khảo sát thực sự nỗ lực để phát triển con người bền vững.

7919edaa-dba6-4339-8d05-5ce1c06db6fd.png
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Tuấn Anh tặng hoa chúc mừng các diễn giả, chuyên gia (Ảnh: Báo Dân trí)

Theo TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá, việc thực hành chữ “S” hay hỗ trợ phát triển người tài cần gắn với lợi ích sát sườn của doanh nghiệp. Nếu không giữ chân lao động tốt, họ sẽ nghỉ việc.

Ông cho biết, 2 năm trở lại đây, việc phát triển bền vững có sự thay đổi cấp độ vĩ mô. Còn ở cấp vi mô, doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng, khi các yếu tố về mặt xã hội, nhân lực ít được đề cập hơn yếu tố về môi trường, quản trị.

TS. Bùi Thanh Minh cũng đánh giá, việc chuyển động ở địa phương chưa theo kịp chuyển động vĩ mô hay sự cần thiết cấp độ vi mô. Chính sách về môi trường, lao động mới, nhiều địa phương cũng chưa nắm được. Ông cho rằng, tại các địa phương cần có những hỗ trợ về vốn giúp thúc đẩy phát triển nhân lực bền vững.

Quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để phát triển ESG

Về phía thực tiễn doanh nghiệp, các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề hướng đến phát triển bền vững đã có nhiều chia sẻ về chữ “S” trong quá trình vận hành.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM nhấn mạnh, việc quản lý rủi ro và cam kết theo bộ tiêu chuẩn ESG đang trở thành “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Ông cho biết, việc thiết lập và thực hiện các cam kết bền vững về ESG không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh, thương hiệu, duy trì năng lực cạnh tranh mà còn thu hút và giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ESG dễ dàng do những thách thức không chỉ ở vốn đầu tư mà còn ở nguồn nhân lực.

“Chúng tôi hiểu rằng quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy ESG”, Lãnh đạo Công ty TNHH Việt Thắng Jeans phát biểu. Trong lĩnh vực có lực lượng đông đảo và đa thế hệ như dệt may, mức lương không còn là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân tài. Người lao động ngày càng quan tâm đến các giá trị như sự công bằng, minh bạch và tính linh hoạt trong công việc.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Chaturon Thipphiansak, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam nhấn mạnh, ESG ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực hành ESG sẽ không thể thành công nếu không tạo dựng được môi trường làm việc hạnh phúc, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp và khuyến khích ý thức an toàn cho nhân viên.

Ông Chaturon đưa ra thông điệp, việc xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là của tổ chức và doanh nghiệp. Tại SCG Việt Nam, công ty có các ban chuyên môn hỗ trợ thúc đẩy môi trường làm việc hạnh phúc và việc làm bền vững. “Với hơn 100 năm kinh nghiệm, chúng tôi đã phát triển một hệ thống tiêu chuẩn ESG với trọng tâm là tôn trọng nhân tài", ông chia sẻ. 


(0) Bình luận
Quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để phát triển ESG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO