Bà Trần (Trung Quốc) năm nay 83 tuổi, đã sống một mình trong hơn 20 năm. Mặc dù bà có một người con trai nhưng anh ta gần như chẳng quan tâm và gặp gỡ bà bao giờ, kể cả khi ốm đau, nằm viện.
Tuổi đã cao nên sức khỏe của bà ngày càng sa sút, liên tục phải nằm viện. Nghĩ đến việc tuổi già không có ai chăm sóc, đi viện cũng chỉ có một mình, bà đã quyết định tìm cho mình một người bạn đời.
Vay tiền để chữa bệnh
Sau khi đăng thông báo trên mạng, một người đàn ông tên Nhậm (77 tuổi) đã chủ động liên lạc và hẹn hò với bà vài ngày sau đó. Ông khẳng định dù kém bà Trần vài tuổi, nhưng ông muốn sống chung với bà. Ông cảm nhận được sự hạnh phúc và ấm áp khi ở cạnh bà. Bằng cách này, cả hai đã gặp nhau và thân thiết trong một thời gian.
Trong thời gian quen nhau, mỗi ngày ông Nhậm đều đến nhà bà Trần ăn cơm. Bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc nên luôn sẵn lòng chăm sóc bạn đời tương lai của mình. Sau khi có được lòng tin, ông Nhậm đã hỏi vay bà 30.000 NDT(103 triệu đồng) với nhu cầu đi khám nha sĩ.
Thế nhưng bà Trần đã từ chối, bà cho rằng hai người không phải vợ chồng, nên không cho vay tiền, cho vay xong cũng không có gì đảm bảo. Ngay lập tức, ông Nhậm đã ngỏ lời cầu hôn.
Kết hôn giả để đánh lừa lòng tin
Sau khi bà Trần đồng ý, ông cũng ngay lập tức mượn chứng minh thư của bà để đăng ký kết hôn. Thế nhưng, ông lại đi một mình và trở lại ngay sau đó với một tờ giấy kết hôn có tên của hai người. Trông tờ giấy chứng nhận rất thật, hình ảnh của hai người đều ở trên đó, khiến bà Trần thoải mái và không còn lo ngại nhiều.
Sau khi đăng ký, ông Nhậm lại nhắc lại chuyện cũ, ông tiếp tục vay bà 30.000 NDT (103 triệu đồng). Thậm chí ông còn lấy ra một thẻ ngân hàng và nói trong đó có hơn 1 triệu tệ, nhưng đến vài ngày nữa mới rút ra được. Ông cũng hứa sẽ trả lại bà ngay khi rút được tiền.
Lấy tiền rồi bỏ chạy
Vì quá mù quáng, mặc dù được nhân viên ngân hàng can ngăn, bà Trần vẫn quyết định rút 30.000 NDT (103 triệu đồng) cho ông Nhậm. Một ngày sau khi nhận được tiền, ông ta đã biến mất không dấu vết. Bà Trần dù có gọi điện hay liên lạc như thế nào thì cũng không nhận được phản hồi.
Sau khi suy nghĩ, bà đã quyết định mang giấy đăng ký kết hôn của mình đi kiểm tra. Kết quả không ngoài dự đoán, đó là giấy chứng nhận giả. Bà đã lập tức gọi cảnh sát để báo cáo về sự việc của mình.
Bị bắt sau 4 tháng
Nhận được thông báo, đội cảnh sát thuộc Văn phòng Công an thành phố Côn Minh đã mở cuộc điều tra. Sau nhiều lần thu thập bằng chứng, cảnh sát đã phát hiện và bắt ông Nhậm tại một căn nhà thuê trong thành phố.
Sau khi điều tra, cảnh sát cho biết, ông Nhậm năm nay 77 tuổi, quê ở Trùng Khánh, đã sống ở Côn Minh với người vợ thứ 2 trong nhiều năm nay. Trước cáo buộc của bà Trần, ông khai nhận mình chỉ lừa 15.000 NDT (hơn 51 triệu đồng), thế nhưng sau khi vào cuộc điều tra, ông buộc phải khai toàn bộ số tiền mà mình đã lừa đảo.
Tại Đồn công an Liên Hoa, bà Trần khai với cảnh sát rằng mình đã 83 tuổi, vì nhập viện cần có chữ ký của người thân, nếu không bà đã không hẹn hò, tìm bạn đời khi tuổi đã cao, để rồi cuối cùng bị lừa.
Hiện tại ông Nhậm đã bị tạm giam hình sự vì nghi ngờ lừa đảo. Ông cũng trở thành nghi phạm lớn tuổi nhất bị Sở cảnh sát tại đây bắt giữ.
Sự việc cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang có ý định hẹn hò và quen biết qua mạng. Đồng thời, trước khi giao bất cứ tài sản có giá trị nào cho người ngoài, chúng ta cũng nên xác minh một cách kỹ càng và cẩn thận.
Theo The paper