PVN nhận Ô Môn 3 và Ô Môn 4 từ EVN, chuỗi Dự án điện khí 17 tỷ USD được mở nút thắt, DN nào được hưởng lợi?

Huyền Trang | 14:53 30/06/2023

Theo quy hoạch điện VIII, chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ là nguồn điện quan trọng, cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam giai đoạn 2026 - 2030.

PVN nhận Ô Môn 3 và Ô Môn 4 từ EVN, chuỗi Dự án điện khí 17 tỷ USD được mở nút thắt, DN nào được hưởng lợi?

Ngày 29/6 đã diễn ra Lễ ký biên bản bàn giao hồ sơ Dự án Nhà máy điện (NMĐ) Ô Môn 3 và Ô Môn 4 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Dự án NMĐ Ô Môn 3 và Ô Môn 4 với công suất 1.050 MW/nhà máy, đặt tại trung tâm điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Hai dự án này là dự án thành phần trong chuỗi dự án khí – điện Lô B, bao gồm các dự án thượng nguồn (mỏ khí), trung nguồn (dự án đường ống dẫn khí) và hạ nguồn (nhà máy điện). Dự án dự kiến sẽ cung cấp tổng cộng 3,95 nghìn tỷ bộ khối, tương đương khoảng 102 tỷ m3, và 12,65 triệu thùng condensate, trong vòng đời 23 năm.

Tổng giá trị đầu tư cho hợp phần thượng nguồn (bao gồm Chi phí đầu tư cơ bản, Chi phí vận hành và Chi phí hủy mỏ) ước tính khoảng 17 tỷ USD.

Chuỗi dự án đang có cơ hội để triển khai trong năm 2023 nhằm đáp ứng tiến độ có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026. Theo quy hoạch điện VIII, chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ là nguồn điện quan trọng, cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam giai đoạn 2026 - 2030. 

Dự án NMĐ Ô Môn 3 và Ô Môn 4 được Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm Chủ đầu tư vào năm 2016 nhưng chậm triển khai kéo dài nhiều năm qua do gặp nhiều khó khăn về thủ tục và tài chính. 

EVN cho biết Tập đoàn đang gặp khó khăn rất lớn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho dự án Ô Môn 3; khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho dự án Ô Môn 4, khiến các dự án này có thể bị chậm so với tiến độ triển khai tổng thể của chuỗi dự án. Bên cạnh đó là cơ chế huy động điện lên lưới để bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng khí cung cấp trong khi giá thành sản xuất điện khí đang cao hơn giá bán điện của EVN.

Nhằm bảo đảm tiến độ triển khai 2 dự án này, tại văn bản số 77/TTg-CN ngày 24/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4 từ EVN sang Petrovietnam. Sự kiện chuyển giao chính thức này được đánh giá là góp phần tháo gỡ một trong những nút thắt cơ bản của chuỗi khí điện lô B – Ô Môn trước khi bước vào các giai đoạn tiếp theo. 

Trong báo cáo mới đây, CTCK Vietcap kỳ vọng PVN sẽ tài trợ tốt hơn cho các nhà máy điện này nhờ khả năng tài chính mạnh. Ngoài ra, việc bàn giao này sẽ thúc đẩy tiến độ của dự án Lô B.

Chuyên gia Vietcap kỳ vọng dự án Lô B sẽ nhận được quyết định đầu tư cuối cùng vào năm 2024 và có dòng khí đầu tiên vào năm 2028, trễ hơn so với kế hoạch của Bộ Công Thương (MoIT) là lần lượt vào giữa năm 2023 và năm 2026.

Theo Vietcap, PVS, PVD và GAS có thể được hưởng lợi từ dự án Lô B. PVS sẽ là công ty hưởng lợi sớm nhất vì Vietcap kỳ vọng rằng công ty sẽ giành được các hợp đồng cơ khí & xây dựng trị giá 1 tỷ USD bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2026, PVD có thể sẽ giành được các hợp đồng dịch vụ khoan và dịch vụ liên quan đến giếng khoan cho dự án này.

GAS là công ty hưởng lợi nhiều nhất do nắm giữ 51% cổ phần trong đường ống dẫn khí (vốn đầu tư 1,3 tỷ USD). Theo Vietcap, bắt đầu từ năm 2028 GAS có thể sẽ được hưởng lợi từ việc vận chuyển khí cho dự án Lô B.

Cùng quan điểm với Vietcap, trong một báo cáo từ năm 2022 của Vndirect cũng cho rằng chuỗi dự án phát triển khí Lô B - Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng mới cho ngành dầu khí Việt Nam trong những năm sắp tới. Và các công ty hàng đầu trong ngành có nhiều cơ hội hơn để tham gia và hưởng lợi từ dự án này, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn như PVS và PVD, và GAS ở phân khúc trung nguồn (cung cấp khí).

Bài liên quan

(0) Bình luận
PVN nhận Ô Môn 3 và Ô Môn 4 từ EVN, chuỗi Dự án điện khí 17 tỷ USD được mở nút thắt, DN nào được hưởng lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO