[Podcast] Tài chính tuần qua: Bắt đầu tín hiệu giảm lãi suất cho vay

Quỳnh Anh | 08:08 18/02/2023

Tuần qua, Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 1 cao hơn dự báo. Trong nước, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay và một loạt tin tức nổi bật của các doanh nghiệp.

[Podcast] Tài chính tuần qua: Bắt đầu tín hiệu giảm lãi suất cho vay
Ảnh: Nhật Thịnh

Lạm phát tháng 1 của Mỹ cao hơn dự báo

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ đã tăng 0,5% so với tháng 12/2022 và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn áp lực tăng giá đến từ mặt hàng năng lượng. Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm trong tháng 1 đã tăng 0,4% so với tháng trước và 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số kinh tế của Mỹ đã tăng cao hơn dự báo trước đó của giới đầu tư. 

Thông tin này như “một gáo nước lạnh” đối với kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ sớm hạ nhiệt và có thể thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiến hành động thái tăng lãi suất cứng rắn hơn trong cuộc họp vào tháng 3 tới.

Nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay

Đến nay, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều triển khai chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Theo đó, từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023, Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Cùng thời gian trên, BIDV cũng triển khai gói vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh với quy mô 30.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.

Mới đây, Agribank vừa công bố giảm tối đa 3% lãi suất cho khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm ngày 31/1/2023. Ở nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất như MBBank, Sacombank, SeABank,...

Động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng diễn ra sau khi lãi suất huy động có xu hướng "hạ nhiệt" trong 1 tháng trở lại đây. Lãi suất huy động tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, có nhà băng giảm gần 1 điểm %. Hiện, lãi suất huy động niêm yết cao nhất khoảng 9,45%/năm.

Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh vào giữa năm

Theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong năm 2023 sẽ có hơn 285.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn. Chứng khoán VNDirect dự báo áp lực đáo hạn đang hạ nhiệt nhưng sẽ tăng trở lại trong hai quý giữa năm. 

VNDirect ước tính giá trị đáo hạn TPDN riêng lẻ năm nay gần 273.000 tỷ đồng, tập trung nhiều vào quý II và III. Trong đó, tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành Bất động sản và Tài chính – Ngân hàng chiếm phần lớn, lần lượt là 38% và 37%. 

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ.

Theo đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép doanh nghiệp đàm phán thay đổi, kéo dài kỳ hạn của trái phiếu không quá 2 năm so với phương án công bố ban đầu. Đồng thời, đề xuất cho phép tổ chức phát hành và nhà đầu tư thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác. 

Giá xăng tăng, giá dầu giảm

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng 620 đồng, lên mức 23.760 đồng một lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng, đạt mức 22.860 đồng một lít.

Trong khi đó, các mặt hàng dầu đều giảm. Dầu hoả giảm mạnh nhất 980 đồng, về mức 21.590 đồng một lít. Giá dầu diesel giảm 960 đồng, còn 21.560 đồng một lít. Còn dầu mazut có giá 13.630 đồng, tức giảm 300 đồng một kg.

Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp

Novaland thông báo hoãn thanh toán lãi suất cho khách hàng

Novaland, NovaReal, NovaHome (hai công ty dịch vụ của Novaland) đã gửi thư tới khách hàng, cho biết thanh khoản và dòng tiền của công ty đều đang gặp khó khăn, ngoài tầm kiểm soát. Do đó, công ty tạm hoãn thanh toán các khoản theo thỏa thuận ban đầu với khách.

Thông báo trên được gửi đến toàn bộ khách hàng đến hạn thanh toán lãi suất (khách hàng vay đã vốn ngân hàng để mua bất động sản của công ty và được công ty áp dụng các chương trình ưu đãi lãi suất), không riêng khách hàng thuộc dự án hay đối tượng cụ thể nào. Doanh nghiệp đưa ra 2 trường hợp để khách hàng đăng ký lựa chọn: 

Trường hợp 1: Khách hàng tự thanh toán lãi vay Ngân hàng các đợt còn lại trong thời gian hỗ trợ lãi suất. Sau đó, Công ty sẽ thanh toán lại toàn bộ số tiền lãi vay mà khách hàng đã thanh toán và chi trả thêm tiền lãi theo lãi suất 12%/năm với tổng số tiền lãi mà khách hàng tự thanh toán của từng đợt.

Trường hợp 2: Khách hàng tự tất toán khoản vay với Ngân hàng. Công ty sẽ hỗ trợ phí tất toán khoản vay và chi trả thêm tiền lãi 12%/năm trên khoản tiền khách hàng đã tất toán với Ngân hàng.

Số tiền này sẽ được công ty cấn trừ vào đợt ký Hợp đồng mua bán hoặc đợt nhận bàn giao hoặc đợt nhận giấy chứng nhận, tùy theo tình huống cụ thể của khách hàng. 

Ông Nguyễn Công Phú xin rút khỏi HĐQT Tập đoàn Hòa Bình

Cuộc “nội chiến” tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đi đến hồi kết khi Ông Nguyễn Công Phú chính thức từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị công ty. Việc từ nhiệm của ông Phú sẽ được xem xét thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới. 

Sau khi gửi đơn từ nhiệm, ông Phú ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Cổ phiếu FLC chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa ra quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC (mã: FLC), kể từ ngày 20/2/2023. Do FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. 

Trong công văn, FLC cho biết việc chưa có báo cáo kiểm toán năm 2021 là sự việc bất khả kháng khi một số cựu lãnh đạo công ty bị tạm giam để điều tra cuối tháng 3/2022. Tuy nhiên, ngày 17/2, Tổng giám đốc FLC đã có thư gửi cổ đông, cho biết sẽ công bố ngày cổ phiếu FLC chuyển giao dịch sang sàn UPCoM. 

Bất thường room ngoại cổ phiếu Sacombank

Ngày 14/2, Sacombank có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và HoSE đề nghị các cơ quan trên thực hiện kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đúng thông báo ngày 19/09/2016 ở mức 23,63%.

Nhà băng này cho rằng sau khi phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu trên do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank, VSD đã thông báo kể từ ngày 19/9/2016 tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là hơn 23,63% trên tổng số cổ phiếu niêm yết sau khi sáp nhập (gần 1,9 tỷ cổ phiếu).

"Từ ngày có thông báo nêu trên, Sacombank chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông" - văn bản Sacombank ghi rõ.

Nhưng theo thông tin VSD cung cấp vào ngày 10/2, khối lượng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank đạt 565 triệu cổ phiếu STB, tương ứng với tỷ lệ sát mức 30%.

Ngày 16/2, VSD đã có công văn khẳng định tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại, dựa trên 2 công văn mà Sacombank đã gửi VSD từ năm 2014 và công văn phản hồi từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau đó ít ngày.

VSD cho biết kể từ thời điểm đó đến nay, Sacombank chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB.

2 doanh nghiệp bất động sản mua lại trái phiếu trước hạn

Trong lúc loạt doanh nghiệp bất động sản như Lâu Đài Trắng, Đầu tư và Xây dựng Vina2, Lavida Invest, Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star... liên tục thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với lý do chưa sắp xếp kịp nguồn thanh toán, Đầu tư Hải Phát và Hưng Thịnh Land trở thành 2 cái tên hiếm hoi mua lại 1 phần trái phiếu trước hạn.

Theo đó, Đầu tư Hải Phát tiến hành mua lại 62,5 tỷ đồng trong số 385 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu phát hành vào ngày 5/5/2021, thời hạn 36 tháng. Lô trái phiếu này có tổng mệnh giá 650 tỷ đồng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, tài sản đảm bảo phần lớn là bất động sản.

Tương tự, Hưng Thịnh Land đã tiến hành mua lại 94,5 tỷ đồng trong số 500 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu phát hành ngày 18/8/2021 và đáo hạn vào ngày 18/8/2023. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản.

Ngoài ra, Seedcom - chủ sở hữu chuỗi The Coffee House cũng vừa thông báo mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành khi mới trải qua một nửa kỳ hạn trái phiếu. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Tài chính tuần qua: Bắt đầu tín hiệu giảm lãi suất cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO