Phó TGĐ Viettel Solutions: Để trở thành Digital Hub của khu vực, dữ liệu không thể chỉ đến và dừng lại ở Việt Nam

Thu Hà | 17:55 02/10/2023

Câu chuyện của dữ liệu là làm thế nào để dữ liệu sinh ra nhiều hơn và đồng thời, nó phải được trung chuyển giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực, ông Lê Thành Công nói.

Phó TGĐ Viettel Solutions: Để trở thành Digital Hub của khu vực, dữ liệu không thể chỉ đến và dừng lại ở Việt Nam

Dự thảo Quy hoạch hạ tầng ngành Thông tin và Truyền thông có một nội dung quan trọng, là hình thành các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng (TTDL quy mô vùng), phục vụ hoạt động kinh tế xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo dự thảo này, các TTDL vùng sẽ đặt tại vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng Sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên bải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Dự thảo cũng nêu mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một Digital Hub của khu vực. Nếu thực hiện được, Việt Nam sẽ có sự đột phá về tăng trưởng kinh tế cũng như vị thế trên thị trường công nghệ thế giới.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chứng kiến một “cuộc đua” xây dựng TTDL của mình với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng hiện đại. Nhưng TTDL vùng ở tầm quốc gia và con đường trở thành Digital Hub của Việt Nam sẽ đòi hỏi những gì?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Công – Phó TGĐ Viettel Solutions về chủ đề này.

1(2).png

Thưa ông, vì sao Việt Nam cần xây dựng các trung tâm dữ liệu vùng?

Lý do thứ nhất xuất phát từ bất cập trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số hiện nay, khi mà việc xây dựng và khai thác các hệ thống công nghệ thông tin để lưu trữ, tính toán, xử lý dữ liệu gặp vấn đề là chưa có tính đồng bộ và tổng thể của cả quốc gia.

Bất cập đó là khả năng tái sử dụng thấp với các thành phần lưu trữ dữ liệu hiện tại, dữ liệu không thống nhất, nguy cơ sai sót, thất thoát dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu bí mật nhà nước. Bên cạnh đó, các hệ thống công nghệ thông tin đã đầu tư từ lâu. Công tác bảo đảm an toàn thông tin và nguồn nhân lực cho việc vận hành khai thác, cũng như các tiêu chuẩn của một trung tâm dữ liệu tại địa phương là không đảm bảo. Và mỗi địa phương chỉ có một số lượng nhân sự nhỏ để vận hành dữ liệu cục bộ của mình.

2(1).png

Lý do thứ hai là hiệu quả của TTDL vùng. Các TTDL vùng sẽ có tính tập trung về dữ liệu, giúp cho việc quản lý tốt hơn, khai thác hiệu quả hơn, tăng khả năng chịu tải và tăng tính ổn định. Đồng thời, khi tập trung như vậy, rủi ro về an ninh cũng giảm đi, chúng ta có thể tăng cường bảo mật và kiểm soát truy cập, kiểm soát con người, kiểm soát hệ thống dễ hơn. Cùng lúc, tài nguyên được tối ưu hơn.

Một khía cạnh khác, việc xây dựng TTDL vùng sẽ hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế bởi vì nó cũng thu hút các doanh nghiệp CNTT, các dịch vụ số về một điểm, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực. Bên cạnh kinh tế, nó cũng thúc đẩy sự kết nối và và hội nhập khi tạo ra các cái điểm kết nối giao thương giữa nước ngoài và đơn vị trong nước. Sau đó là kéo theo sự đầu tư và phát triển về y tế, giáo dục tại khu vực.

Việc lựa chọn khu vực để xây dựng trung tâm dữ liệu vùng dựa trên các yếu tố nào?

Thông thường sẽ có 4 yếu tố.

Thứ nhất, vị trí chiến lược, đảm bảo sự thuận lợi về giao thông, logistics. Thứ hai, đảm bảo về an toàn tự nhiên và an ninh lãnh thổ nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu.

Thứ ba, hạ tầng điện. Một TTDL tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, đòi hỏi hạ tầng điện phải ổn định, nguồn cung cấp đáng tin cậy và có hệ thống dự phòng.

Thứ tư, nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế của khu vực. Sẽ rất khó để vận hành TTDL trong tương lai và gây phát sinh chi phí nếu không sử dụng được nguồn nhân lực tại địa phương.

3.png

Vậy những thuận lợi và thách thức với Việt Nam khi xây dựng TTDL vùng là gì?

Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các TTDL vùng. Trước hết, đó là một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, gần các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, nằm trên trục chính của hành lang kinh tế Đông Tây. Vị trí này được đánh giá là thuận lợi về mặt kết nối cung như đầu tư xây dựng thêm các tuyến cáp quang.

Việt Nam cũng sở hữu một lực lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin chất lượng với chi phí cạnh tranh trong khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội địa đang tích cực đầu tư mở rộng xây dựng các Trung tâm dữ liệu của chính mình. Những thuận lợi này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông ban hành các chính sách và chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi xây dựng TTDL vùng trước hết là mức đầu tư lớn. Nó không chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, mà còn bao gồm chi phí phía sau, khi phải tiếp tục đầu tư về thể chế, chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp, chi phí vận hành…

4.png

Thứ 2 là vấn đề quản lý và tuân thủ, thể hiện qua việc xây dựng hành lang pháp lý, nhằm đảm bảo trung tâm dữ liệu hoạt động một cách đáng tin cậy và an toàn.

Và mặc dù nhân sự được nhắc đến là một yếu tố thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là một thách thức khi việc xây dựng TTDL đòi hỏi phải tìm kiếm và duy trì được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại các khu vực xa trung tâm kinh tế.

Viettel Solutions có thể đóng góp gì vào việc xây dựng các trung tâm dữ liệu vùng?

Với năng lực của Viettel Solutions thì chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ, tư vấn và triển khai cho việc xây dựng một TTDL vùng dựa trên kinh nghiệm xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của Việt Nam.

Chúng tôi cũng có thể trực tiếp tham gia xây dựng hạ tầng cho TTDL và cung cấp các giải pháp nền tảng, ví dụ như Viettel Cloud. Bên cạnh đó, Viettel cũng là một đơn vị rất mạnh trong việc cung cấp các giải pháp bảo mật an ninh, an toàn, có thể cung cấp giải pháp cho TTDL vùng.

Một trong những khó khăn lớn nhất của TTDL là quản lý và vận hành, Viettel Solutions có thể hỗ trợ được việc này với các giải pháp giám sát hệ thống, xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân sự và sau này sẽ chuyển giao lại cho đội ngũ tại TTDL vùng đó.

Ngoài ra là các cái giải pháp chuyên sâu trong các lĩnh vực hoặc các ngành công nghiệp khác như y tế, giáo dục…

Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, sự thành công của một TTDL vùng thể hiện ở tính kết nối và hội nhập, tức là nó phải thu hút được thật nhiều đối tượng tham gia. Việc xây dựng TTDL vùng mới là hạ tầng thôi, để sau này việc vận hành đi vào hiệu quả, cần phải thu hút nhiều cộng đồng, từ những DN sáng tạo khởi nghiệp, DN CNTT cùng đổ về đây thì TTDL vùng mới phát huy được hết sức mạnh của nó.

5.png

Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đề cập đến mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một Digital Hub của khu vực. Một Digital Hub lớn trong khu vực được thể hiện ở các tiêu chí như thế nào, thưa ông?

Nói một cách ngắn gọn thì để trở thành một Digital Hub của khu vực, sẽ phải xét đến khoảng sáu yếu tố: vị trí địa lý, kết nối quốc tế, trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây, nhân lực và cuối cùng là hệ sinh thái dịch vụ số.

Đã gọi là “Hub” tức là phải có sự trung chuyển. Muốn trung chuyển được, phải có cả đường đi và đường đến, chính là các đường kết nối cáp quang quốc tế. Thực tế rằng mạng lưới cáp quang ở Việt Nam hiện nay cũng đã tương đối, nhưng chưa thực sự đủ mạnh. Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho cáp quang quốc tế.

6(1).png

Sau khi có “đường đi”, phải có “đồ” để vận chuyển. Đó chính là dữ liệu. Câu chuyện của dữ liệu là làm thế nào để dữ liệu sinh ra nhiều hơn và đồng thời, nó phải được trung chuyển. Trước đây chúng ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh là dữ liệu đang đến Việt Nam và dừng lại, chứ chưa trung chuyển sang các nước khác. Vì vậy, chúng ta sẽ phải thúc đẩy làm sao để sự trung chuyển dữ liệu được diễn ra.

Nhưng muốn trung chuyển được thì phải có chỗ để chứa dữ liệu. Đó chính là các trung tâm dữ liệu. Và cuối cùng là thúc đẩy các hệ sinh thái dịch vụ số để nó hoạt động được trên những yếu tố cơ bản đó.

Vậy mục tiêu về Digital Hub của Việt Nam còn đối mặt với những vấn đề gì?

Thứ nhất là hệ thống quản lý quy chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi các DN quốc tế sẽ vào Digital Hub Việt Nam nếu thấy nó hoạt động theo thông lệ quốc tế, quen thuộc và thuận lợi cho họ.

Thứ hai là hạ tầng kỹ thuật và điện toán đám mây. So với các Hub khác, số lượng TTDL của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ, cho nên cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư, đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bảo mật cũng là một thách thức lớn. Tại Việt Nam, luật An ninh mạng ra đời là một trong những văn bản pháp lý hỗ trợ giải quyết thách thức này. Ngoài ra, Việt Nam đã thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn, có thể hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ ở TTDL.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, Việt Nam phải tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm hạ tầng kết nối cáp quang quốc tế, đầu tư mở rộng các trung tâm dữ liệu, tăng cường đào tạo các cái nguồn nhân lực. Đồng thời, chúng ta cũng cần tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ, tạo cái môi trường thuận lợi để thu hút được cộng đồng cũng như các cái nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

7.png

Theo ông, với mục tiêu trở thành Digital Hub của Việt Nam, lợi ích của các doanh nghiệp công nghệ như Viettel Solutions là gì và đi kèm với đó, trách nhiệm của các doanh nghiệp này ra sao?

Tất nhiên khi Việt Nam trở thành một Digital Hub, nó sẽ tạo ra một môi trường cho các doanh nghiệp CNTT phát triển các hệ sinh thái số, các dịch vụ số, đồng thời tận dụng được các cơ chế thúc đẩy của Nhà nước và tiết kiệm được chi phí.

Ví dụ, nếu nhà nước xây dựng các TTDL thì chắc chắn sẽ có các ưu đãi về chi phí cho doanh nghiệp (DN) khai thác, sử dụng TTDL ấy. Khi đó, cộng đồng DN sẽ tham gia tích cực, tạo được môi trường tập trung sáng tạo ra các cái sản phẩm dịch vụ số, thúc đẩy kinh tế xã hội.

1(4).png

Giống như các công ty công nghệ nói chung, khi tham gia vào nền kinh tế số, Viettel Solutions tìm kiếm được doanh thu, lợi nhuận và khi mà nhà nước thúc đẩy chính sách về digital, đầu tư kết nối cáp quang biển, xây dựng trung tâm dữ liệu… Đó đều là các dự án lớn và mở ra cơ hội cho Viettel Solutions tham gia vào.

Viettel đã và đang xây dựng TTDL của mình và cho một số đơn vị, địa phương. Trách nhiệm của chúng tôi là dùng kinh nghiệm và công nghệ để tư vấn cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng TTDL trung tâm dữ liệu vùng.

Viettel Solutions cũng không ngừng sáng tạo, cung cấp các giải pháp công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đối tác. Sau này, khi đã hình thành TTDL vùng, Việt Nam trở thành Digital Hub thì trách nhiệm của những DN công nghệ như chúng tôi sẽ là tiếp tục đổi mới, phát triển cộng đồng.

Có bài học xây dựng Digital Hub của quốc gia nào có thể phù hợp với Việt Nam?

Ở châu Á có 3 Digital Hub là Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản. Singapore là quốc gia ở gần Việt Nam nhất và chúng ta có thể học được kinh nghiệm từ đó. Trước hết, họ tập trung vào việc đầu tư hạ tầng kết nối, hạ tầng các trung tâm dữ liệu, tập trung vào vấn đề bảo mật và quản lý dữ liệu. Đồng thời, đầu tư vào giáo dục, đào tạo.

Singapore đã hỗ trợ rất mạnh cho DN khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Khi xây dựng TTDL vùng, họ hướng ngay tới việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Ngay từ khi xây dựng, các TTDL của họ đã đạt tiêu chuẩn quốc tế rồi. Do đó, thu hút các DN quốc tế một cách dễ dàng.

Singapore có 23 tuyến cáp quang quốc tế còn Hồng Kông chỉ có khoảng 11 tuyến cáp quang biển, 11 tuyến vệ tinh và 42 cái trung tâm dữ liệu lớn, thậm chí còn có trung tâm phục hồi thảm họa nữa.

Việt Nam cũng có 27 trung tâm dữ liệu, 6 đường cáp quang biển nên có thể gọi là “có điều kiện” nhưng như tôi đã nói, để trở thành Digital Hub là cả một quá trình với sự sống động trong trung chuyển dữ liệu giữa Việt Nam và các quốc gia.

Khi trở thành Digital Hub, Việt Nam sẽ là điểm trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu trong khu vực. Điều này có thể tác động đến GDP như thế nào?

Tôi chưa nghiên cứu con số cụ thể, nhưng khi Việt Nam trở thành một Digital Hub thì chắc chắn sẽ tăng được hiệu suất lao động, làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó tạo cơ hội để các doanh nghiệp tiếp tục tái đầu tư vào sản xuất, thúc đẩy GDP tăng trưởng.

Nó cũng sẽ tạo ra các cái cơ hội kinh doanh mới. Khi chúng ta có sẵn hạ tầng, các cộng đồng được tạo điều kiện sử dụng hạ tầng đó để phát triển các cái dịch vụ mới. Các doanh nghiệp khác lại có thể tiếp tục mở rộng, tạo ra dịch vụ mới từ đó.

Trở thành Digital Hub cũng đồng nghĩa với việc thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cơ hội việc làm và nguồn thu cho Chính phủ. Tất cả những điều này đều sẽ tác động tích cực lên GDP.

Xin cảm ơn ông!


(0) Bình luận
Phó TGĐ Viettel Solutions: Để trở thành Digital Hub của khu vực, dữ liệu không thể chỉ đến và dừng lại ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO