Phó TGĐ PV Power Nguyễn Duy Giang: Tổng công ty ước tính vượt 18% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận năm 2022

Chi Tú | 14:46 12/01/2023

Theo chia sẻ, PV Power đang trong quá trình thực hiện xúc tiến các công tác để đưa PV Power DHC lên sàn giao dịch trong thời gian sớm nhất.

Phó TGĐ PV Power Nguyễn Duy Giang: Tổng công ty ước tính vượt 18% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận năm 2022
Ông Nguyễn Duy Giang – Phó Tổng Giám đốc PV Power (POW)
  1. Trong năm 2022, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng nhưng đồng thời cũng xuất hiện các biến động lớn về giá nhiên liệu, lạm phát, biến động tỷ giá... gây khó khăn cho doanh nghiệp. PV Power đã hoàn thành kế hoạch sản lượng điện và vượt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận. Xin ông cho biết các giải pháp mà Tổng công ty đã thực hiện trong năm qua để đạt được kết quả như vậy?

Năm 2022, mặc dù nền kinh tế phục hồi và kéo theo sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn quốc nhưng PV Power lại đối mặt với những khó khăn về giá các nhiên liệu đầu vào tăng cao, sản lượng hợp đồng Qc được giao thấp dẫn đến điện thương phẩm có mức tăng trưởng thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch SXKD 2022 của Tổng công ty. Thêm vào đó, việc đầu tư xây dựng các công trình điện gặp nhiều khó khăn do việc giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao…

Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn nhưng nhờ sự quyết tâm, nỗ lực và đoàn kết cao của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên, Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch sản lượng điện, ước tính vượt 18% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

PV Power đã phải nỗ lực phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp để đảm bảo nguồn than và khí cho các nhà máy điện. Đối với công tác vận hành, PV Power đã bám sát thị trường và điều phối, vận hành vào các thời điểm giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi để đảm bảo sản lượng điện được giao.

Nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi, các nhà máy thủy điện của Tổng công ty chào giá vận hành tối đa sản lượng để đạt tối đa doanh thu, lợi nhuận. Cũng trong năm 2022, công tác sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện được thực hiện tốt đảm bảo các nhà máy luôn khả dụng cao.

  1. Đầu năm 2022, PV Power cũng đã chính thức ký kết hợp đồng EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 và đây là dự án nhiệt điện khí LNG đầu tiên ở Việt Nam. Theo ông, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh năng lượng Việt Nam và xin ông có thể chia sẻ thêm về tiến độ dự án này sau khi đã ký HĐ EPC và có mandate thu xếp vốn?

Dự án Nhơn Trạch 3&4 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII và trong dự thảo quy hoạch điện VIII được Chính phủ giao cho PV Power làm chủ đầu tư với quy mô công suất 1.500 MW với tổng mức đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD.

Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu có công suất lớn đầu tiên ở Việt Nam; góp phần thực hiện “Cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và mang trọng trách vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước, đặc biệt là tại khu vực miền Nam.

Xác định rõ tầm quan trọng của dự án này, PV Power đã đặt ra mục tiêu xây dựng nhà máy với tiến độ nhanh nhất, công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo an toàn để sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Trong đó, việc ký kết giữa PV Power và Liên danh nhà thầu Samsung C&T - LILAMA được xem là hợp đồng quan trọng nhất, quyết định cơ bản sự thành công và hiệu quả của Dự án.

PV Power tin rằng dự án Nhơn Trạch 3&4 sẽ mở ra một chương mới trong việc hình thành phát triển chuỗi các dự án LNG tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam, tăng nguồn thu thuế hàng ngàn tỷ mỗi năm cho địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động trong thời gian xây dựng cũng như giai đoạn vận hành.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng và đáp ứng được tiến độ đề ra. Đơn cử, công tác đền bù dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đã hoàn thành toàn bộ và PV Power đã phối hợp với các sở, ngành liên quan để hoàn thành các thủ tục về bàn giao đất và cho thuê đất Dự án.

Nhà thầu EPC đang xử lý nền, hoàn tất thiết kế để triển khai các bước tiếp theo. PV Power cũng đang phối hợp với Tổ hợp tư vấn Ngân hàng Citibank (Mỹ) và ING (Hà Lan) để thu xếp vốn cho Dự án trong bối cảnh không có bảo lãnh của Chính phủ. Để ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn, Tổng công ty cũng đang tích cực đàm phán và sẽ tiến tới ký kết hợp đồng Hợp đồng mua bán điện (PPA) và Hợp đồng mua bán khí (GSA).

  1. Hoạt động tiếp xúc với những định chế tài chính lớn và huy động vốn của PV Power rất tích cực với những dấu ấn cá nhân của riêng ông. Xin ông cho biết những thách thức mà ông gặp phải khi đàm phán với các đối tác và những bài học sau những thành công đó?

Thách thức lớn nhất mà PV Power gặp phải là việc tự đứng ra thu xếp vốn, không có bảo lãnh của Chính phủ cho dự án Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4 và khoản vay cho dự án Thủy điện Đakđrinh.

Để nhận được các khoản vay ECA, dự án Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4 và trước đó là khoản vay trị giá 95 triệu USD tái cấu trúc Nhà máy điện Đakđrinh, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo môi trường và xã hội do các đối tác đề ra.

Ngoài ra, để chuẩn bị vốn thuận lợi, tiếp cận thị trường vốn quốc tế, cần có xếp hạng tín nhiệm của Fitch Ratings, chúng tôi đã phải xây dựng một đội ngũ chuyên trả lời các câu hỏi đánh giá của Fitch Ratings với khoảng 800 câu hỏi cho cả 2 lần.

Có thể nói rằng, quá trình thực hiện thu xếp vốn cho các dự án đã phản ánh toàn diện những tình hình hoạt động của doanh nghiệp từ kỹ thuật, bảo vệ môi trường, đến tài chính, sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Đồng thời, cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng cũng như khẳng định vị thế doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng tại Việt Nam của PV Power.

Chúng ta có thể thấy được huy động vốn quốc tế tại Việt Nam, đặc biệt là không có sự bảo lãnh từ Chính phủ là một việc mang tính thử thách rất lớn mà không có quá nhiều doanh nghiệp có thể thực hiện được. Chính những yếu tố này đã mang đến cho tôi cùng đội ngũ PV Power một niềm cảm xúc khó tả khi chúng tôi chính thức ký kết thành công hợp đồng huy động vốn quốc tế. Đây cũng chính là sự kiện ghi dấu cho sự phát triển tuổi 15 của PV Power trong năm 2022 và trên chặng hành trình sắp tới.

Được biết đây là năm thứ 2 liên tiếp mà PV Power được Fitch xếp hạng BB+ triển vọng tích cực. Theo ông, việc này mang lại lợi thế cho PV Power trong công tác huy động vốn năm 2023 ra sao?

Việc 2 lần được xếp thứ hạng “BB” với triển vọng tích cực bởi một tổ chức xếp hạng uy tín của thế giới như Fitch cho thấy tính minh bạch trong những hoạt động của PV Power theo chuẩn mực quốc tế, tình hình tài chính mà cụ thể là dòng tiền, các chỉ tiêu tài chính của PV Power rất tốt. Đây chính là một lợi thế quan trọng để PV Power tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ hạn chế bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn quốc tế.

PV Power cũng nằm trong Top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn có Báo cáo thường niên tốt nhất và trong Top Doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngoài ra hoạt động quan hệ nhà đầu tư của PV Power cũng rất tích cực và được đánh giá cao. Ông có định hướng gì cho hoạt động quan hệ nhà đầu tư và xây dựng thương hiệu của PV Power trong thời gian tới?

Việc đạt được 2 giải thưởng cao quý này đã khẳng định tính đúng đắn trong quản trị và hiệu quả vượt trội trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của Tổng công ty.

Là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là một trong những đơn vị phân phối và truyền tải điện hàng đầu Việt Nam, PV Power luôn xác định IR là hoạt động nắm giữ vai trò then chốt với sự phát triển doanh nghiệp và nỗ lực đảm bảo công tác quản trị minh bạch, đáp ứng chuẩn mực quốc tế.

Đặc biệt trong thời gian tới, Tổng công ty dự kiến có nhiều hạng mục đầu tư cần tiếp cận thị trường vốn quốc tế, PV Power sẽ ngày càng nâng cao công tác quản trị theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch trong các hoạt động của Tổng công ty để tiếp tục giành được thiện cảm và đánh giá cao từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sau khi tái cấu trúc tài chính và ký kết hợp đồng tín dụng 95 triệu USD, thủy điện Đakđrinh đã có những chuyển mình thế nào? Xin ông chia sẻ thêm về kế hoạch niêm yết/đăng ký giao dịch của cổ phiếu này?

Hợp đồng tín dụng tái cấu trúc ký kết với ngân hàng AIIB và Natixis có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng công ty nói chung và PV Power DHC nói riêng, khoản vay này đã cân bằng trả nợ cho Đakđrinh và giảm bớt nợ công cho nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản tín dụng này còn giúp giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp nguồn vốn bổ sung giúp PV Power đầu tư, nâng cấp cải thiện các hệ thống, trang thiết bị hiện tại của nhà máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Có thể nói, đây sẽ là nền tảng để PV Power tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững với các dự án tiếp theo trong tương lai. Trong năm 2022, PV Power DHC đã đạt sản lượng điện là 527,01 triệu kWh, hoàn thành kế hoạch được giao là 527 triệu kWh và về đích trước 87 ngày, hoàn thành tất cả chỉ tiêu SXKD so với kế hoạch cả năm được giao.

PV Power có kế hoạch đưa PV Power DHC niêm yết trên sàn UpCom, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại thì chúng tôi vẫn đang trong quá trình thực hiện xúc tiến các công tác để đưa PV Power DHC lên sàn giao dịch trong thời gian sớm nhất.

Năm 2023, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Với vai trò là doanh nghiệp phát triển điện khí hàng đầu, xin ông cho biết PV Power có kế hoạch thế nào?

Trong bối cảnh thủy điện không còn dư địa tăng trưởng, năng lượng tái tạo chưa ổn định và sản lượng điện tiêu thụ sẽ vẫn tiếp tục tăng trong năm 2023 - theo dự báo của các chuyên gia, thì nhiệt điện khí sẽ có cơ hội được huy động nhiều hơn. Với vai trò là nhà phát triển nhiệt điện khí hàng đầu tại Việt Nam, Tổng công ty khá lạc quan về kế hoạch hoạt động trong năm giai đoạn sắp tới.

Trong dài hạn, mục tiêu đến năm 2025, PV Power sẽ phấn đấu đạt tổng công suất lắp đặt từ 5.760 – 7.260 MW và sản lượng điện sản xuất đạt 22 – 24 tỷ kWh/năm. PV Power sẽ tập trung phát triển nguồn điện khí sử dụng LNG, với bước đầu là hoàn thành đầu tư dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4. Đây chính là dự án điện sử dụng nhiên liệu LNG đầu tiên của Việt Nam và theo tiến độ phê duyệt thì dự án sẽ hoàn thành vào 2024-2025.

Bên cạnh đó, PV Power tiếp tục xúc tiến đầu tư các dự án điện sử dụng LNG khác như Cà Mau 3, Nhà máy điện khí Quảng Ninh, tiếp tục tìm kiếm, nghiên cứu và góp vốn đầu tư các dự án điện NLTT có tính khả thi cao, phấn đấu đưa các dự án điện khí LNG vào vận hành trong giai đoạn trong giai đoạn 2026 – 2035.

Năm 2022 cũng kỷ niệm 15 năm thành lập Tổng công ty. Chỉ trong 15 năm PV Power đã vươn mình thành doanh nghiệp hàng đầu ngành điện. Theo ông, thời gian tới PV Power cần làm tốt điều gì để duy trì vị thế cũng như tiếp tục khẳng định là một doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam?

 Trải qua 15 năm xây dựng, PV Power hiện đã trở thành nhà sản xuất điện năng lớn thứ 2 tại Việt Nam, đứng đầu trong lĩnh vực điện khí với 7 nhà máy có tổng công suất 4.208 MW, vốn điều lệ hơn 23.000 tỷ đồng, hàng năm đóng góp vào lưới điện quốc gia khoảng 21 tỷ kWh điện và được tổ chức quốc tế xếp hạng “BB” với triển vọng tích cực, ngang với hạng quốc gia và nhiều tập đoàn kinh tế lớn của đất nước.

Trong thời gian tới, PV Power sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Tuy nhiên, với định hướng chiến lược phát triển, ngoài việc thực hiện tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh và tập trung vào công tác quản trị doanh nghiệp, công tác đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, PV Power cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực quản trị tài chính cũng như nâng cao tính hiệu quả của hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) để tối ưu hóa các chỉ số, nâng cao hiệu quả hoạt động để xây dựng PV Power trở thành một Tổng công ty Công nghiệp – Thương mại mạnh, phát triển bền vững, tiếp tục giữ vững thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Phó TGĐ PV Power Nguyễn Duy Giang: Tổng công ty ước tính vượt 18% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO