Phó chủ tịch VNREA: Thị trường bất động sản chưa khủng hoảng

Lê Sáng | 07:50 14/12/2022

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định thị trường bất động sản hiện nay khác với giai đoạn 2007-2013 và chưa có dấu hiệu của khủng hoảng.

Phó chủ tịch VNREA: Thị trường bất động sản chưa khủng hoảng
TS. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA)

Chưa có dấu hiệu khủng hoảng

Theo đó, chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản về áp dụng công nghệ thông tin vào ngành (proptech) vừa diễn ra tại Hà Nội. TS. Nguyễn Văn Đính đánh giá giai đoạn khó khăn hiện tại của thị trường bất động sản có nhiều điểm giống với giai đoạn 2007-2013 nhưng chưa khủng hoảng.

Cụ thể, theo ông Đính, thời kỳ khủng hoảng 2007-2013 và giai đoạn hiện nay đều có điểm chung là thị trường đều phát triển nóng, dòng vốn chảy vào bất động sản mạnh, hoạt động đầu tư không kiểm soát được, xuất hiện hiện tượng đầu cơ... Kết quả là, giá cả leo thang, tạo các cơn sốt, bong bóng giá. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý, khó tiêu thụ. Cơ quan quản lý phải sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để điều chỉnh và ổn định nền kinh tế. Các doanh nghiệp khó huy động vốn.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Đính cũng chỉ ra điểm khác biệt đáng chú ý là ở giai đoạn trước, kinh tế có dấu hiệu suy thoái, sức khoẻ nguồn lực quốc gia yếu với quy mô nền kinh tế, vốn đầu tư, dự trữ ngoại hối thấp khiến thị trường bị khủng hoảng là bởi nguồn cung thừa trong khi cầu thấp bất chấp giá cả lúc này được đánh giá là phù hợp. Còn hiện nay, kinh tế Việt Nam ổn định, nguồn lực quốc gia tốt.

"Thị trường bất động sản hiện không có dấu hiệu khủng hoảng bởi lực cầu rất mạnh và lượng cung yếu tạm thời bởi cung ít, nhưng chưa phù hợp nhu cầu hiện tại. Nguồn cung trong tương lai là rất nhiều, nhưng đang phải đợi được chính sách điều chỉnh mới có thể cung cấp vào thị trường", TS. Nguyễn Văn Đính phân tích.

Chuyên gia tin tưởng vào triển vọng tích cực

Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản 2022 có đợt "sóng" vào những tháng đầu năm nhưng sau đó đã gặp phải những khó khăn dồn dập. Điều này khiến nhiều người lo lắng về những khó khăn của thị trường liệu có "nối dài" sang năm 2023. Tuy nhiên, nhìn chung các chuyên gia vẫn tương đối lạc quan về triển vọng của thị trường khi cánh cửa 2022 đang dần khép lại để chào đón năm mới 2023.

Ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá Việt Nam đang ghi nhận thặng dư thương mại tích cực, đồng tiền tương đối mạnh và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát tương đối trong tầm kiểm soát so với tình hình chung trên toàn cầu. Từ một số nền tảng cơ bản đó, kết hợp cùng quá trình đô thị hóa ở Việt Nam với tỷ lệ 36% dân số sống ở đô thị, ông Neil MacGregor cho rằng, trong vài năm tới, thị trường bất động sản vẫn "giàu" tiềm năng.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thị trường bất động sản sẽ có khả năng hồi phục từng bước từ khoảng giai đoạn quý III, IV của năm 2023 do trong những quý đầu của năm 2023, ngân hàng trung ương của các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất.

TS. Cấn Văn Lực dự đoán đà tăng lãi suất sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I, do đó áp lực của lãi suất, tỷ giá lên thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung sẽ còn kéo dài đến hết khoảng thời gian này trước khi hạ nhiệt để có thể “giải tỏa” cho thị trường bất động sản.

Theo ông Neil MacGregor, những biến động trong chuỗi sản xuất thế giới sẽ còn tiếp diễn với lượng đơn đặt hàng sụt giảm. Mặc dù vậy, vấn đề này sẽ được khắc phục và sản xuất hoạt động tích cực trở lại vào nửa cuối năm 2023. Bất động sản công nghiệp chính là phân khúc nhận được sự quan tâm rất lớn trong năm 2022.

Theo đó, ông Neil MacGregor dẫn chứng về sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang diễn ra mạnh mẽ khi Foxconn đang đã cam kết nhiều hơn về việc đầu tư vào Việt Nam và Samsung cũng tái khẳng định sẽ tăng cường cam kết đầu tư tại Việt Nam.

Cũng theo vị chuyên gia đến từ Savills, hiện giá thuê tại Tp. Hồ Chí Minh hiện đã chạm mức khoảng 300 USD/m2/chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối. Tại vùng lân cận như Long An và Bình Dương, giá thuê đã lên đến gần 180 USD/m2/chu kỳ thuê và nguồn cung có sẵn không quá nhiều và nằm xa trung tâm.

Bên cạnh đó, ở phân khúc văn phòng, nguồn cung khu vực Tp. Hồ Chí Minh đến nay chỉ đạt hơn 2,5 triệu m2, rất thấp so với tiêu chuẩn của các thị trường trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và Manila (Phillipines) với 6 triệu m2. Do đó, chuyên gia của Savills Việt Nam khẳng định dư địa tăng trưởng văn phòng còn rất lớn.

"Với bối cảnh khan hiếm nguồn cung hiện tại, khách thuê văn phòng diện tích lớn có thể khó tìm được mặt bằng chất lượng. Ở góc độ chủ nhà, họ đang đứng tại một trong những thị trường văn phòng hoạt động tốt nhất trên thế giới vào lúc này với tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường đạt 93%, riêng phân khúc văn phòng hạng A là 97%. Trong tương lai, sẽ có nhiều tòa nhà văn phòng hạng A mới gia nhập thị trường trong nửa đầu năm tới với hai dự án ở Thủ Thiêm và một dự án tại quận 1” - ông Neil MacGregor phân tích.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Phó chủ tịch VNREA: Thị trường bất động sản chưa khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO