“Theo một số tín hiệu được ghi nhận ở thị trường quốc tế cụ thể, lạm phát ở Mỹ đang giảm dần, chỉ số tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại, hàng tồn kho nội thất giảm, ngành xây dựng đang trải qua sự gia tăng về cầu... Song song đó theo số liệu từ hải quan Việt Nam, từ đầu quý 3/2023 tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đã đạt trên 1,1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm”, ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế Biến Gỗ Tp.HCM (HAWA) chia sẻ tại Triển lãm VietnamWood 2023 mới đây.
Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 trên thế giới với nhu cầu đáng kể về máy móc và linh kiện chế biến gỗ. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 240 triệu USD/máy móc chế biến gỗ. Dù vậy, do hàng tồn kho quá lớn và nhu cầu giảm của các khách hàng lớn như Mỹ khiến xuất khẩu gỗ thời gian gần đây giảm sút mạnh.
Ghi nhận, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng qua ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2%; lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam; trong đó: thị trường Hoa Kỳ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 39,8%; Nhật Bản 834,3 triệu USD, giảm 4,8%; Trung Quốc 701,1 triệu USD, giảm 26,3%; EU (cả Anh) 425,5 triệu USD, giảm 33,7%; Hàn Quốc 410,3 triệu USD, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Song, từ tháng 8/2023, tình hình bắt đầu khởi sắc trở lại. VietnamWood diễn ra đúng thời điểm khi ngành gỗ đang có dấu hiệu cho sự phục hồi trở lại, chuẩn bị bắt nhịp vào một chu kỳ mới sau thời gian dài thách thức trước biến động kinh tế. VietnamWood là triển lãm nổi bật trong ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam, không chỉ giới thiệu các công nghệ tiên tiến trên thế giới mà còn trình làng một cách toàn diện về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và những sản phẩm cần thiết của ngành chế biến. Thống kê cho thấy, triển lãm năm nay thu hút hơn 320 đơn vị từ 28 quốc gia tham gia.
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự lạc quan về thị trường thời gian tới, khi các nước xây dựng mạnh trở lại hậu suy thoái và Việt Nam còn đang hưởng lợi tốt từ CPTPP.
Cụ thể, trong bối cảnh hồi phục của nền kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm 2023, ngành xây dựng đang trải qua sự gia tăng về cầu và làm sống lại thị trường chế biến gỗ của Việt Nam. Sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường này thời gian qua theo người trong cuộc còn do vấn đề khủng hoảng kinh tế chung, nhưng đây vẫn là một thị trường rất tiềm năng. Tiêu thụ gỗ tại Mỹ rất lớn. Nếu qua được giai đoạn khó khăn này, thị trường đối với đồ gỗ nội thất tại Mỹ sẽ rất mở.
Các doanh nghiệp Việt Nam theo đó vẫn có nhiều cơ hội, bởi chúng ta nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhân công dễ xoay chuyển, khi thị trường Mỹ bình thường trở lại thị họ vẫn ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam, xuất xứ từ Việt Nam, các doanh nghiệp 100% vốn từ Việt Nam.
Đặc biệt, khác với các hiệp định FTA khác thường mang lại lợi thế chủ yếu cho xuất khẩu thì CPTPP mang lại cơ hội “kép” cho ngành gỗ Việt Nam với cả hai lợi thế thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng như gia tăng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ những nguồn cung gỗ trong khối với thuế quan ưu đãi. Với các nước CPTPP, Việt Nam hiện đang xuất siêu gỗ và các sản phẩm gỗ với tỷ trọng khoảng hơn 20% tổng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ra thế giới. Trong nhóm CPTPP, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Canada, Australia và Malaysia.