Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh

PV | 20:55 11/05/2023

Đề án cơ cấu lại EVN đặt mục tiêu phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác…

Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh
Đề án cơ cấu lại EVN đặt mục tiêu phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh. (Ảnh: VGP)

Ngày 11/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh và xây dựng đề án tái cơ cấu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn 2021-2025.

Tại cuộc họp, đại diện EVN báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn trong năm 2021, 2022 và những tháng đầu năm 2023, đồng thời nêu một số kiến nghị liên quan đến giá bán điện, dòng tiền,… để doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo báo cáo của EVN, thực hiện Chiến lược phát triển, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ; rà soát, sửa đổi ngành nghề kinh doanh. EVN đề ra các chỉ tiêu nâng cao năng lực quản trị.

Bên cạnh đó, EVN xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân bằng tài chính giai đoạn 2021-2025 gồm: Hoàn thiện quản trị tài chính; tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu trong sản xuất và cung ứng điện; sửa đổi, bổ các loại định mức chi phí để tiết kiệm chi phí sản xuất trong từng khâu sản xuất kinh doanh; giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật có tác động tới chi phí giá thành trong sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện.

EVN đề xuất, đối với công ty mẹ EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Đối với các đơn vị thành viên, EVN đề xuất giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ EVN đối với một số chi nhánh.

Đồng thời đề xuất danh mục các doanh nghiệp do EVN giữ 100% vốn điều lệ, 50% vốn điều lệ, dưới 50% vốn điều lệ, và triển khai thực hiện thoái vốn…

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương… đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm hoàn thiện và ban hành đề án tái cơ cấu EVN. Việc ban hành đề án là có cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền.

Đại diện các bộ, ngành góp ý thêm một số nội dung liên quan tới: Mục tiêu đề án; nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động; sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy; ngành, nghề kinh doanh chính; thành lập doanh nghiệp thành viên; triển khai thoái vốn, cổ phần hóa một số doanh nghiệp trực thuộc; giải pháp khai thác kinh doanh đối với hệ thống điện gió, điện mặt trời…

Phát biểu tai cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao nỗ lực xây dựng Đề án của EVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, EVN là một trong những tập đoàn lớn, sản phẩm có tính chất đặc biệt đối với đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, do đó, việc xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn tới phải đánh giá rất sát thực tiễn, đặt mục tiêu phù hợp và có các giải pháp thực hiện khả thi, hiệu quả.

"Chúng ta nỗ lực làm mà đánh giá không sát thực tiễn, đặt mục tiêu nội dung quá lớn, ngoài khả năng thì không thực hiện được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh điện là mặt hàng đặc biệt thiết yếu đối với đời sống của nhân dân và hoạt động của nền kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị đại diện các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng kết quả tái cơ cấu EVN trong giai đoạn 2016-2020, phân tích làm rõ nguyên nhân, bài học về những kết quả đã đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, trên cơ sở đó đề xuất xây dựng đề án cơ cấu lại EVN trong giai đoạn tới đảm bảo triển khai khả thi, hiệu quả.

Đồngthời, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN căn cứ Quyết định 360/QĐ-TTg, các nghị quyết của Chính phủ để xây dựng mục tiêu, nội dung của đề án.

“Mục tiêu là phải đưa EVN trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng, đáp ứng nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế và nhu cầu của người dân, hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Tập đoàn phải kinh doanh hiệu quả, bền vững, bảo toàn và phát triển nguồn vốn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại cuộc họp, hoàn chỉnh dự thảo đề án. Trên cơ sở mục tiêu và thực tế hoạt động, yêu cầu đặt ra, căn cứ quy định pháp luật hiện nay để thiết kế mô hình EVN cho phù hợp với mô hình của một doanh nghiệp lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO