Gần đây, cảnh sát thành phố Nội Giang (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã triệt phá thành công một đường dây "cày thuê" quy mô lớn. Băng nhóm này đã hoạt động trong hơn 2 năm, "hô biến" đánh giá cho hơn 1.000 gian hàng trên các nền tảng như Xiaohongshu và Taobao, với tổng giá trị giao dịch lên tới 100 triệu NDT (tương đương 14 triệu USD).
Vào tháng 3 năm nay, trong quá trình điều tra, cảnh sát Nội Giang phát hiện một chương trình mini trên WeChat có tên "Đội hình Ngôi sao", sử dụng chiêu bài "kiếm tiền nhàn rỗi" để lôi kéo người dùng trên khắp Trung Quốc tham gia vào đường dây "cày thuê".
Nghi phạm họ Tiền (tên đã được thay đổi) khai nhận: "Chúng tôi có 3 loại nhiệm vụ chính. Loại thứ nhất là "treo nick", chỉ cần vào phòng livestream và treo máy, không cần làm gì cả, mục đích là tăng số lượng người xem. Loại thứ hai là "tương tác", ngoài việc treo máy, người dùng còn phải nhắn tin. Người bán sẽ đưa ra yêu cầu cụ thể về nội dung cần nhắn, đôi khi họ cũng để chúng tôi tự do phát huy. Loại thứ ba là "từ quảng trường", người dùng sẽ truy cập phòng livestream từ trang quảng trường. Ba loại này là chủ yếu. Mức phí của chúng tôi là: "treo nick" 3 tệ/người, "tương tác" 4 tệ/người và "từ quảng trường" 5 tệ/người".
Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra rằng, ngoài việc đóng vai trò người dùng ảo, băng nhóm này còn thực hiện hành vi mua bán hàng giả.
Ông Dương Hải Bân - Đại úy đội An ninh mạng, Công an quận Thị Trung, thành phố Nội Giang cho biết: "Để tăng cường số liệu bán hàng, chủ gian hàng sẽ yêu cầu người dùng ảo mua các sản phẩm được chỉ định. Sau khi mua hàng, họ sẽ gửi mã số đơn hàng cho chủ gian hàng. Chủ gian hàng sẽ gửi hộp rỗng để tạo đơn hàng giả. Sau khi nhận được hộp rỗng, người dùng ảo sẽ đánh giá 5 sao và để lại bình luận tích cực theo yêu cầu của người bán. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ nhận được hoa hồng dựa trên giá trị sản phẩm".
Mạng lưới 100.000 người và bài toán nan giải cho cơ quan chức năng
Cảnh sát Nội Giang (tỉnh Tứ Xuyên) ngay lập tức thành lập tổ chuyên án. Qua điều tra, tổ chuyên án phát hiện ra rằng, tổ chức có tên "Đội hình Ngôi sao" này đã có quy mô lên tới hơn 100.000 người, phủ sóng khắp Trung Quốc và con số này vẫn tiếp tục tăng lên nhờ vào các quảng cáo tuyển dụng.
Tổ chuyên án cũng phát hiện, các đối tượng trong đường dây này không chỉ có dấu hiệu phạm tội về kinh tế mà còn có dấu hiệu phạm tội hình sự liên quan đến tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo điều tra, khi tham gia vào tổ chức, thành viên mới sẽ phải đóng phí từ 199 tệ đến 2.999 tệ, tùy theo mức phí mà sẽ được phong các cấp bậc khác nhau như "Người sáng lập", "Giám đốc", "Học viên"... và được phân công các nhiệm vụ như "Nhân viên kinh doanh", "Người cày thuê", "Nhân viên chăm sóc khách hàng"...
Ông Hùng Quân - Cảnh sát đội An ninh mạng, Công an quận Thị Trung, thành phố Nội Giang nói: "Tổ chức này được chia thành 6 cấp bậc. Cấp thấp nhất là thành viên phổ thông với mức phí 199 tệ, tiếp đến là "Quan chức dự bị" với mức phí 399 tệ, "Quan chức chính thức" với mức phí 2.999 tệ. Nếu trực tiếp phát triển được 20 "Quan chức chính thức" sẽ được lên cấp "Nhà đồng sáng lập", và nếu trực tiếp phát triển được 20 "Nhà đồng sáng lập" sẽ được lên cấp "Giám đốc".
Ba cấp bậc thấp nhất sẽ kiếm tiền hoa hồng bằng cách làm nhiệm vụ "cày thuê". Ba cấp bậc cao nhất sẽ kiếm tiền từ việc phát triển mạng lưới thành viên cấp dưới". Mô hình hoạt động và cách thức chia hoa hồng theo cấp bậc này có dấu hiệu của tội phạm kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Với quy mô hơn 100.000 thành viên, mỗi tài khoản đều do người thật đứng sau thao tác, địa chỉ IP cũng khác nhau, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phân biệt đâu là người dùng ảo, đâu là người dùng thật.
Ông Hà Chiêu - Phó trưởng Công an phường Vĩnh An, quận Thị Trung, thành phố Nội Giang cho hay: "Sau khi nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra rằng, các tài khoản ảo có những đặc điểm đăng ký và hoạt động rất khác so với người dùng thật. Các tài khoản này có thể hoạt động rất tích cực ngay sau khi đăng ký hoặc trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, còn những lúc khác thì hoạt động rất ít hoặc không hoạt động. Ngoài ra, các tài khoản ảo thường có cấp độ người dùng và điểm uy tín thấp hơn rất nhiều so với người dùng thật".
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ và xác định được các tụ điểm của băng nhóm này, từ tháng 4 đến tháng 8/2024, tổ chuyên án đã tiến hành triển khai lực lượng, bắt giữ 23 đối tượng tại 13 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc như Cát Lâm, Quảng Tây, Giang Tây..., thu giữ hơn 3 triệu NDT tiền mặt, nhiều điện thoại di động, máy tính, thẻ ngân hàng... là tang vật của vụ án.
Qua điều tra, từ tháng 3/2022 đến nay, bằng cách thức đặt đơn ảo, đánh giá tích cực ảo..., băng nhóm này đã "hô biến" đánh giá cho hơn 1.000 gian hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, băng nhóm này còn thu lợi bất chính bằng cách phát triển thành viên mới, thu phí tham gia... với tổng giá trị giao dịch lên tới 100 triệu NDT. Hiện tại, các đối tượng chủ chốt đã bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
"Bình luận ảo" - hủy hoại sự minh bạch trên không gian mạng
Mạng internet không phải là nơi nằm ngoài vòng pháp luật. Tháng 9/2024, Bộ Công an Trung Quốc đã công bố 10 vụ án điển hình về an ninh mạng, trong đó có vụ án người dùng ảo cố ý đánh giá tiêu cực. Dù là đánh giá tích cực hay tiêu cực, thì bản chất của người dùng ảo là phá hoại môi trường Internet công bằng và lành mạnh.
Từ đầu năm 2024, thực hiện chiến dịch "Mạng Internet trong sạch 2024" do Bộ Công an Trung Quốc phát động, lực lượng công an Trung Quốc đã và đang triển khai chiến dịch truy quét tội phạm bạo lực mạng, tấn công mạnh vào các hành vi lợi dụng Internet để lăng mạ, bôi nhọ, xâm phạm đời tư, tổ chức người dùng ảo.. và đã đạt được những kết quả bước đầu.
6 tháng đầu năm 2024, lực lượng công an Trung Quốc đã điều tra hơn 3.500 vụ án bạo lực mạng, bắt giữ hơn 800 đối tượng, xử phạt hành chính hơn 3.400 đối tượng.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân nên ghi nhớ "bốn không": không tung tin đồn, không dẫn dắt dư luận, không kiểm soát bình luận, không nghe theo những thông tin chưa được kiểm chứng.
Những đánh giá tốt đẹp được tạo ra một cách giả tạo là không đáng tin. Người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến cần sáng suốt lựa chọn, so sánh nhiều nơi để tránh "sập bẫy". Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần kinh doanh bằng chữ tín, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thì mới có thể giành được sự tin tưởng và uy tín của người tiêu dùng.
Nguồn: CCTV News