Về dự án đường vành đai 3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì phấn đấu trình Chính phủ dự án này vào tháng 2/2022.
Theo quy hoạch, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là đường vành đai liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...
Việc đầu tư khép kín đường vành đai 3 là điều kiện cần để đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, hình thành hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực. Đồng thời, kết nối các đô thị vệ tinh, tạo tiền đề kêu gọi đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh với Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam; phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 1 đầu tư khép kín đường vành đai 3 với quy mô 4 làn cao tốc hạn chế với chiều dài khoảng 76,36 km.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội) để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỷ đồng.
Trường hợp khó khăn về ngân sách Trung ương, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, khoảng 47.000 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Còn dự án đường vành đai 4 đi qua 12 huyện của 5 tỉnh, thành phố, dài 199 km, quy mô 8 làn xe.
Đến nay, Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21 km bằng ngân sách địa phương, hiện đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Bình Dương và Đồng Nai cũng đã hợp tác đầu tư cầu Thủ Biên qua sông Đồng Nai kết nối 2 tỉnh. Long An đã đầu tư và đang khai thác đoạn Hựu Thạnh-Bến Lức dài 17,25 km bằng hình thức hợp đồng BOT.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, dự án vành đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở ra không gian phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với các địa phương. Trung ương, các bộ, ngành rất quan tâm và Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có nhiều cố gắng chuẩn bị dự án. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Đối với dự án đường vành đai 3, phải xem kinh phí đền bù, chi phí xây dựng đã chính xác chưa, tất cả yếu tố đó cần tính toán kỹ. Trong tổng số 88 km thì đoạn nào sử dụng hình thức đầu tư PPP, đoạn nào phải dùng 100% ngân sách.
Thủ tướng lưu ý, khi dự án tổng thể được phê duyệt thì đoạn tuyến trên địa phương nào thì địa phương đó triển khai. Quan trọng nhất là vấn đề tiến độ và thực hiện, làm sao phấn đấu trình dự án lên Chính phủ vào tháng 2/2022.
Đối với đường vành đai 4, UBND các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đối với dự án trên địa bàn. Đây là tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương nên các địa phương cần chủ động thực hiện trên đoạn tuyến của mình, chủ động kêu gọi đầu tư.