Năm 2024, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam chứng kiến sự phát triển vượt bậc, khẳng định vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company, thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam ghi nhận tổng giá trị giao dịch (GTV) ấn tượng, tăng từ 126 tỉ USD vào năm 2023 lên 149 tỉ USD vào năm 2024.
Cùng với tăng trưởng của thanh toán số, hành vi thanh toán của người dùng cũng thay đổi, không chỉ đơn giản là chuyển dịch từ tiền mặt sang không tiền mặt, mà ngay trong phạm vi không tiền mặt, những hình thức thanh toán mới đang lan tỏa rộng rãi trong khi thanh toán điện tử truyền thống dần thu hẹp.
Trong báo cáo thanh toán năm 2024, nền tảng thanh toán Payoo cũng ghi nhận những điểm thú vị về hoạt động thanh toán không tiền mặt, từ hình thức, phương thức thanh toán được ưa chuộng đến bức tranh tiêu dùng của người Việt trong năm qua.
Thanh toán QR và NFC: Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng năm 2024
Năm 2024 chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong hành vi thanh toán của người tiêu dùng. Vượt trên các phương thức thanh toán khác, thanh toán QR và thanh toán công nghệ NFC đã trở thành những "người dẫn đường" trong hành trình số hóa của nền kinh tế.
Thanh toán QR, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8% - 10% mỗi tháng, nay không chỉ phổ biến khi mua sắm tại cửa hàng tiện lợi hay thanh toán bữa ăn mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như điện máy, nội thất, trang sức và thậm chí cả đầu tư tài chính.
Thống kê từ Payoo cho thấy một dữ liệu đáng chú ý, giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR đã tăng 20% so với năm 2023. Điều này phản ánh một sự thay đổi lớn: QR không còn bị xem là giải pháp thanh toán cho những giao dịch giá trị nhỏ mà đã được công nhận như một phương thức đáng tin cậy và linh hoạt trong những giao dịch có giá trị cao.
Bên cạnh QR, năm 2024 còn là năm của thanh toán không tiếp xúc qua NFC. Trong khi thanh toán không chạm tăng trưởng khá ổn với mức tăng trung bình khoảng 6% mỗi tháng thì hình thức thanh toán truyền thống (quẹt/chèn chip) lại giảm 2% - 3% mỗi tháng.
Đóng góp không nhỏ vào sự quen thuộc của hình thức thanh toán không tiếp xúc nhờ các chương trình khuyến mại của các ngân hàng, tổ chức thẻ, trong đó có chương trình của Napas, Mastercard và Payoo phối hợp triển khai tại hơn 6.000 cửa hàng thuộc gần 40 thương hiệu trên toàn quốc.
Apple Pay tăng trưởng trên 15%/tháng
Một điều thú vị là trong thanh toán không tiếp xúc, phương thức thanh toán tích hợp thẻ vào thiết bị di động của hãng Apple (gọi là Apple Pay) đang trở thành một xu hướng dẫn đầu.
Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình trên 15% mỗi tháng, Apple Pay đang là một lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu thanh toán nhanh chóng, an toàn và tiện lợi ngày càng gia tăng.
Trước xu hướng này, các ngân hàng đang đẩy mạnh chiến lược khai thác Apple Pay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Payoo, với thế mạnh sở hữu nền tảng khuyến mại linh hoạt và mạng lưới đối tác rộng khắp, sẵn sàng hỗ trợ ngân hàng triển khai các chương trình khuyến mại ngay khi họ có nhu cầu giúp các ngân hàng tận dụng tối đa cơ hội giữ chân người dùng cũ và tiếp cận khách hàng mới từ xu hướng Apple Pay, đồng thời đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng trong thời đại số.
Bức tranh tiêu dùng 2024: Điện máy, điện thoại vào vùng trũng tăng trưởng
Nhìn lại bức tranh kinh tế 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà phục hồi, song tiêu dùng vẫn cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm hàng hóa và dịch vụ. Phân tích trên nền tảng Payoo, các ngành hàng được phân chia làm 03 nhóm chính: Nhóm tăng trưởng nổi bật, nhóm tăng trưởng tương đương, nhóm có xu hướng giảm nhẹ so với mức tăng chung của toàn hệ thống.
Nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, bao gồm nhóm mặt hàng thời trang, thiết bị sức khỏe, thể thao và giáo dục, tăng khoảng 25% so với mức bình quân chung các nhóm ngành khác. Trong một số thống kê trong vòng 2 năm nay của Payoo, xu hướng đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe không chỉ được duy trì mà ngày càng thể hiện rõ nét hơn.
Nhóm tăng tương đương so với bình quân chung của toàn hệ thống gồm có nhóm dịch vụ ăn uống, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, vui chơi giải trí,... Nhóm nữ trang, đồng hồ, hàng xa xỉ tuy vẫn duy trì được sự quan tâm của người dùng, nhưng có xu hướng giảm nhẹ tại một số thời điểm trong năm.
Điều này có thể phản ánh xu hướng người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hơn, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện diện.
Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành điện máy, điện thoại ghi nhận mức tăng thấp hơn khoảng 20% so với bình quân chung các ngành nghề khác. Mặt hàng công nghệ có vẻ đã trải qua hơn một năm trong tình trạng “vùng trũng tăng trưởng”, ngay trong những đợt bùng nổ ưu đãi như Black Friday, các sản phẩm công nghệ ở hầu hết trung tâm điện máy có mức giảm giá lớn nhưng sức tiêu thụ của người dân chỉ tăng 23% so với ngày thường – một mức tăng khá khiêm tốn so với các lĩnh vực khác.
Xu hướng này không chỉ phản ánh hành vi người tiêu dùng mà còn gợi mở về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thay đổi.
Một điều thú vị mà Payoo nhận thấy ở ngành dịch vụ ăn uống là dù thị trường F&B vẫn đang trải qua cuộc thanh lọc mạnh mẽ với nhiều cửa hàng phải đóng cửa, nhưng doanh thu từ mảng đặt hàng và thanh toán online lại ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn trên 10% mỗi tháng.
Điều này tưởng chừng mâu thuẫn nhưng thực tế lại chính là một phần của chiến lược cắt giảm chi phí đẩy mạnh bán hàng online và tiếp cận nhóm khách hàng trẻ - những người ưa thích sự tiện lợi từ các thương hiệu F&B.
Nhiều quy định pháp lý nhằm tăng cường bảo mật cho khách hàng
Năm 2024 là năm có khá nhiều thay đổi về các yêu cầu pháp lý liên quan đến hoạt động thanh toán không tiền mặt cũng như tăng cường bảo mật cho khách hàng. Các chính sách và quy định mới được ban hành không chỉ nhằm nâng cao tính bảo mật mà còn tạo sự thuận tiện tối đa cho người dân khi tham gia giao dịch tài chính. Những nỗ lực này là nền tảng quan trọng để thúc đẩy niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính số, đồng thời bảo vệ quyền lợi của họ trước những rủi ro ngày càng phức tạp từ tội phạm công nghệ.
Cụ thể, theo quy định của NHNN, từ ngày 1/7/2024, yêu cầu xác thực khuôn mặt với các giao dịch chuyển khoản vượt quá 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày. Quy định này không chỉ đảm bảo tính an toàn cho giao dịch mà còn giúp ngăn chặn các hành vi gian lận tài chính. Tiếp đó, Thông tư 50/2024/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 31/10/2024 quy định chi tiết về các cấp độ xác thực trong giao dịch trực tuyến. Với giao dịch có giá trị dưới 5 triệu đồng, người dùng chỉ cần xác thực mã PIN hoặc mã khóa bí mật. Tuy nhiên, với những giao dịch có tổng giá trị lớn hơn 5 triệu và không quá 100 triệu đồng, các phương thức xác thực mạnh hơn như OTP qua SMS, Soft OTP, hoặc xác thực hai kênh sẽ được áp dụng. Ngoài ra, Thông tư 40/2024/TT-NHNN yêu cầu các đơn vị trung gian thanh toán tuyên truyền khách hàng cập nhật thông tin Căn cước công dân và xác thực sinh trắc học trước 01/01/2025. Quy định này hướng đến việc đảm bảo tính chính chủ của tài khoản ngân hàng và ví điện tử, đồng thời nâng cao khả năng phòng chống gian lận, bảo vệ tài sản của người dân.
Payoo ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc không ngừng đổi mới và nhanh chóng đưa ra các chính sách phù hợp với bối cảnh thực tế. Sự nhạy bén này không chỉ giúp bảo vệ tài khoản ngân hàng và ví điện tử của người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính an toàn, minh bạch và bền vững. Điều này cũng tạo tiền đề cho các tổ chức trung gian như Payoo tiếp tục đồng hành, mang đến những dịch vụ thanh toán tiện lợi và an toàn hơn.
Nhiều địa phương tăng tốc thanh toán điện tử
Năm 2024, có sự chuyển dịch đáng kể về tỷ trọng thanh toán trên tổng các ngành nghề, địa phương, từ 60% trực tuyến – 40% thanh toán tại điểm (năm 2023) đến 65% trực tuyến – 35 % thanh toán tại điểm trong năm nay.
Với phương thức thanh toán tại điểm, bên cạnh Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương dẫn đầu về tăng trưởng thanh toán không tiền mặt, thì năm 2024 đã chứng kiến sự bứt phá đáng chú ý từ các tỉnh thành khác.
Khi phân tách dữ liệu theo đơn vị hành chính, Payoo nhận thấy nhiều địa phương đã ghi nhận mức tăng trưởng giao dịch thanh toán điện tử trên 7% mỗi tháng, chẳng hạn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc,…
Sự phát triển này cho thấy hiệu quả của các chương trình chuyển đổi số thanh toán từ khối dịch vụ công đến khối tư nhân đang được các bộ ban ngành, chính quyền địa phương và các ngân hàng, trung gian thanh toán nỗ lực triển khai suốt thời gian qua.