Ông trùm bất động sản Phùng Luân, nhà sáng lập Tập đoàn bất động sản Vantone là huyền thoại trong giới kinh doanh Trung Quốc. Ở tuổi 32, ông rời bỏ vị trí công chức ổn định, cùng 5 người bạn từ 30.000 NDT thành công kiếm được 18 triệu NDT, lãi ròng 3 triệu NDT. Ở đỉnh cao, tổng tài sản của Vantone lên đến 7 tỷ NDT.
Phong cách làm việc và những bài phát biểu sắc bén của ông đã thu hút rất nhiều người trẻ. Thậm chí có một số doanh nhân đã bay đến Bắc Kinh để nghe ông diễn thuyết với hy vọng được Phùng Luân cho lời khuyên trong kinh doanh.
Trải qua không ít thăng trầm suốt 30 năm, thành công hay thất bại đều đã từng nếm trải, Phùng Luân đã chia sẻ lại những kinh nghiệm đắt giá trong cuốn sách “Sự cứng rắn là kỹ năng”. Cuốn sách này cũng nhắc đến chi tiết trước khi một người trở nên giàu có, họ phải rất nghiêm khắc ở 2 điều sau:
1. Nghiêm khắc với chính mình
Chúng ta vẫn luôn muốn lười biếng mỗi ngày với câu thần chú: “Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ làm việc chăm chỉ”. Sự yếu đuối là bản tính mà con người ai cũng có. Không biết nghiêm khắc kiềm chế sự yếu đuối đó, kiểm soát bản thân mình, bạn sẽ dễ hài lòng với thực tại mà khó lòng vươn lên, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Phùng Luân khi mới kinh doanh thường làm việc hơn 10 tiếng/ ngày. Nếu là người bình thường làm việc 8 tiếng đã cảm thấy mệt mỏi, thì Phùng Luân chưa từng than mệt với bất kỳ ai, vì ông biết mình đang đánh đổi thời gian nghỉ ngơi để đạt được mục đích.
Để có thể nghiêm khắc với bản thân, Phùng Luân khuyên bạn hãy đặt mục tiêu cho mọi thứ. Nhiều người sở dĩ không thể cố gắng đến cùng là do từ đầu họ không có mục tiêu, hoặc mục tiêu không rõ ràng.
Ví dụ bạn đang làm một công việc mà bạn thậm chí không biết mục tiêu là gì, bạn sẽ dễ dàng bị phân tâm và chán nản khi gặp phải khó khăn. Ngược lại, khi bạn biết mình đang hướng đến điều gì đó, bạn có thể hoàn thành 10 báo cáo một ngày mà không hề kêu ca.
Mục tiêu càng chi tiết, càng giúp chúng ta suy nghĩ rõ ràng hơn và dễ dàng thực hiện chúng. Hãy cân nhắc những việc cần làm vì nghiêm khắc với chính mình không đồng nghĩa với việc bạn phải hành hạ bản thân, lao động không điểm dừng.
2. Tiền bạc không phải ưu tiên số 1
Khi một người quá coi trọng tiền bạc, trong đầu họ sẽ chỉ có tiền và cách để kiếm ra nhiều tiền. Điều này làm cho họ dễ bỏ qua những công việc thời gian đầu có thể lương chưa cao vì thiếu kinh nghiệm và kỹ năng mà chọn những công việc làm ra tiền ngay lập tức.
Ví dụ, có 2 công ty, một bên trả cho bạn mức lương hàng tháng là 3.000 NDT, và mức lương này không thay đổi trong một thời gian dài. Công ty còn lại trả cho bạn lương 1.000 NDT trong thời gian đầu nhưng khi làm được việc mức lương này sẽ tăng lên 6.000 NDT.
Nếu chỉ chú tâm đến tiền bạc, nhiều người sẽ không ngần ngại chọn công ty đầu tiên. Kết quả là sau 10 năm họ chỉ nhận 360.000 NDT. Nhưng nếu chọn công ty thứ 2 và không ngừng trau dồi năng lực, lương tháng sẽ lên mức 6.000 NDT và hơn thế nữa. Sau 10 năm tại công ty này, thu nhập của bạn chắc chắn vượt xa con số 360.000 NDT.
Cho dù đó là Phùng Luân, Jack Ma hay Inamori Kazuo, những công ty họ thành lập ngay từ đầu không phải để kiếm tiền mà muốn tạo dựng một nền tảng vững chắc, tích lũy kinh nghiệm và làm những điều tốt trong công việc kinh doanh. Sau một thời gian dài, họ mới thực sự kiếm được lợi nhuận.
Phùng Luân viết: “Từ ngày bạn bắt đầu kinh doanh, bạn phải nghĩ về điều đó: bạn muốn thay đổi cách sống chứ không phải kiếm tiền. Nếu bạn muốn chọn một cuộc sống đặc biệt, thì hãy chọn khởi nghiệp".
Nhưng sức hút của đồng tiền quá lớn, làm sao có thể “tàn nhẫn” với nó? Ông trùm bất động sản đề cập đến phương pháp tư duy kết quả cuối cùng. Đây thực chất là một kiểu suy nghĩ dài hạn, thay vì nghĩ về tác động của vấn đề này đến hiện tại, bạn hãy suy nghĩ về ảnh hưởng của nó đến tương lai.
3. Nghiêm khắc với mong muốn “giàu nhanh”
Mọi người đều muốn thành công nhanh chóng: Đi làm hôm nay, thăng chức vào ngày mai, kiếm 3.000 NDT tháng này, kiếm 30.000 NDT tháng sau, độc thân năm nay, cưới người chất lượng vào năm sau.
Đây là bản chất của con người, giống như Buffett từng nói: “Không ai muốn giàu từ từ cả”. Nhưng nếu bạn không thể kiểm soát nó, để bản thân cuốn vào mong muốn thành công tức khắc, bạn càng rời xa con đường để trở nên giàu có.
Vì giàu nhanh vốn dĩ là không thể, muốn làm tốt việc gì thì phải liên tục tích lũy, tích luỹ dù nhanh đến đâu cũng phải mất thời gian dài. Nhìn vào việc “thành công chỉ sau một đêm” giống như bạn đang chăm chăm vào thứ không có thật.
Càng cố gắng vì nó càng không thu lại được điều gì và không có bất cứ đột phá nào. Lúc này, bạn lại thấy bản thân mình “chậm trễ” và dễ dàng từ bỏ hơn những người đã xác định được “Muốn thành công phải đi đường dài”.
Phùng Luân không bao giờ nghĩ đến thành công nhanh. Ông tuân thủ việc giải quyết vấn đề từng bước một cách kiên nhẫn. Phùng Luân cũng giải thích, người thích thành công nhanh là bởi họ mong nhận được kết quả sớm. Vậy nên nếu chia quá trình làm việc thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn đểu có mục tiêu và phần thưởng, bạn sẽ có động lực liên tục để cố gắng trong thời gian dài.
Theo Toutiao