Trong buổi họp báo "Hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cao tốc" do Đại sứ quán Pháp tổ chức vào chiều 17/1, ông Hervé Conan - Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam đã đề cập đến sự hợp tác giữa hai nước. Trong đó, ông nhấn mạnh Pháp cam kết triển khai hỗ trợ đội ngũ tư vấn kỹ thuật với các dự án liên quan tại Việt Nam.
Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam phát biểu: “Ngành đường sắt Việt Nam hiện đầu tư các tuyến với tổng mức vốn gần 100 tỷ đồng, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư dự kiến gần 70 tỷ USD, cũng như các tuyến đường sắt liên tỉnh khác như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt đô thị".
Buổi họp báo còn có sự góp mặt của ông Diego Diaz - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF). Ông đánh giá, mục tiêu hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao của Việt Nam vào năm 2035 là rất lớn, nhưng không thể không thực hiện được. Ông khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ, hợp tác về kinh nghiệm phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Có thể nói đây là tín hiệu đáng mừng. Lý do là vì SNCF là công ty lâu đời, sở hữu những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực đường sắt. Cụ thể, đây là một doanh nghiệp có tuổi đời hơn 80 năm, hiện đang vận hành một hệ thống với 14.000 chuyến tàu mỗi ngày cùng đội ngũ nhân viên lên tới 275.000 người. Đáng nói, SNCF còn là đơn vị điều hành hệ thống TGV (Train à Grande Vitesse) nổi tiếng trên toàn thế giới. Vậy, hệ thống TGV có gì đặc biệt?
Kỳ quan kỹ thuật
TGV là một loại tàu cao tốc phổ biến ở Pháp, đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển người ở cả trong nước và các quốc gia Châu Âu kế cận. Năm 1981 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong ngành Đường sắt của Pháp nói riêng và giao thông nước này nói chung, khi SNCF khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên khởi hành từ Paris tới Lyon.
TGV trở thành một điểm nhấn nổi bật trong giao thông vận tải và lịch sử đường sắt thế giới khi trở thành hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở châu Âu. Nó còn trở thành “kỳ phùng địch thủ” với hệ thống tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản khi xác lập kỷ lục “Tàu chạy trên ray nhanh nhất thế giới” vào năm 1990, đạt tốc độ 515,3km/h. Dù kỷ lục này đã bị Shinkansen phá vỡ vào năm 2003 nhưng TGV vẫn luôn được người ta nhắc đến là một trong những hệ thống tàu cao tốc nhanh nhất thế giới.
Công nghệ tín hiệu TVM (Transmission Voie-Machine) là một phần quan trọng giúp đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc vận hành các đoàn tàu TGV tốc độ cao của Pháp. TVM sử dụng một hệ thống truyền tải dữ liệu từ đường ray đến cabin của tàu thông qua các tín hiệu điện tử. Các tín hiệu này cung cấp cho người lái tàu thông tin về tốc độ tối đa cho phép, khoảng cách an toàn với các đoàn tàu khác và các điều kiện vận hành khác.
Công nghệ TVM đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của TGV, bảo đảm sự an toàn và hiệu quả khi tàu vận hành ở tốc độ cao.
Liên tục cập nhật các công nghệ mới
Không dừng lại ở đó, tháng 5/2024, SNCF chính thức ra mắt “TGV của tương lai” (TGV - M). Theo The French Tech Journal, các quan chức đã ca ngợi đây là bước tiến đáng kể về mặt kinh tế, sinh thái và tác động xã hội. Họ đã đặt hàng 115 đoàn tàu vào năm 2018 với giá 3,5 tỷ Euro, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023, nhưng phải lùi xuống năm 2025 vì gặp phải nhiều thách thức kỹ thuật hơn dự kiến.
SNCF tuyên bố TGV M sẽ giảm 32% lượng khí thải CO2 của hành khách, 20% lượng điện tiêu thụ nhờ động cơ cải tiến và thiết kế hợp lý, đồng thời giảm 30% chi phí bảo dưỡng. Mặc dù tàu sẽ chạy với tốc độ tương tự như TGV cổ điển, nhưng cách bố trí theo mô-đun cho phép tăng 20% sức chứa hành khách, nhiều chỗ hơn cho xe đạp và cải thiện khả năng tiếp cận cho hành khách khuyết tật.
Tàu cao tốc trong tương lai của SNCF còn sử dụng hệ thống tương tự như Autopilot (tự lái) trên máy bay, dù vẫn cần đến sự giám sát của con người trong những tình huống phức tạp hay khẩn cấp, nhưng chủ yếu hoạt động một cách tự động.
SNCF kỳ vọng rằng, khả năng tự động này sẽ tăng 25% số chuyến tàu trên tuyến Paris - Lyon và giảm thời gian giữa các chuyến từ 180 giây xuống còn 108 giây. Nếu thành công, SNCF sẽ trở thành hãng đường sắt đầu tiên trên thế giới hoạt động tự động hóa. Mặc dù TGV có khả năng đạt tốc độ thiết kế lên tới hơn 500km/h, tốc độ hoạt động thực tế của chúng là 320km/h.
Tổng hợp