NXB Giáo dục Việt Nam: Lợi nhuận tăng vọt, lãi bình quân 2,2 tỷ đồng/ngày trong 6T2024, cựu chủ tịch vừa bị truy tố

Trọng Hiếu | 11:28 25/09/2024

Sau năm 2023 đạt doanh thu cao nhất lịch sử thì sang 6 tháng đầu năm 2024, NXB Giáo dục đạt mức lãi thậm chí vượt qua mức lãi của nhiều năm trước đó.

NXB Giáo dục Việt Nam: Lợi nhuận tăng vọt, lãi bình quân 2,2 tỷ đồng/ngày trong 6T2024, cựu chủ tịch vừa bị truy tố

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra vụ án “Đưa, nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu” xảy ra tại NXB Giáo dục Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Theo đó, CQĐT đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục về tội nhận hối lộ cùng với Tô Mỹ Ngọc (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng) và Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) về tội “Đưa hối lộ”. Ngoài ra, còn 5 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố.

Tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kí quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam do vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới.

Những sai phạm của Ông Nguyễn Đức Thái diễn ra chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019. Ông Nguyễn Đức Thái đã nghỉ công tác từ tháng 12/2022.

CỰU CHỦ TỊCH NHẬN 25 TỶ ĐỒNG TỪ 2 CÔNG TY

Kết luận điều tra cho thấy, việc mua giấy để in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB. Trước năm 2017, NXB áp dụng hình thức chào giá để mua giấy.

Tuy nhiên, khi ông Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV vào năm 2017, ông Thái đã chỉ đạo nhân viên thực hiện một số hành vi sai phạm: lựa chọn phương thức chào hàng cạnh tranh không đúng quy định, tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ dự thầu, và hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để ưu ái hai công ty.

Nhờ những hành động này, từ 2018 đến 2021, các công ty của bà Ngọc đã trúng 13 gói thầu với tổng trị giá 2.101 tỷ đồng , còn Công ty Minh Cường Phát của Nguyễn Trí Minh trúng 5 gói thầu trị giá 209 tỷ đồng . Tổng thiệt hại từ vụ án được xác định là 10 tỷ đồng.

Ông Thái đã nhận tổng cộng gần 25 tỷ đồng từ các công ty này, trong đó năm 2017 ông nhận 3,2 tỷ đồng từ bà Ngọc và 2,9 tỷ đồng từ ông Minh. Trong các năm tiếp theo, ông nhận thêm 16,8 tỷ đồng từ bà Ngọc và 2 tỷ đồng từ ông Minh.

NXB Giáo dục Việt Nam lãi kỷ lục sau khi cựu Chủ tịch nghỉ việc, vừa bị bắt vì tội nhận hối lộ- Ảnh 1.

Ảnh: Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục, Nguyễn Đức Thái (ngoài cùng bên trái).

NXB GIÁO DỤC: LÃI KỶ LỤC SAU KHI ÔNG THÁI NGHỈ CÔNG TÁC

Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (tiền thân là Nhà xuất bản Giáo dục) trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, được thành lập ngày 1/6/1957.

Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các ấn phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trên toàn quốc.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hai bộ sách giáo khoa (SGK): Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Còn CTCP Đầu tư và Xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC) có bộ sách Cánh diều.

Đây là 3 bộ sách được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt sau khi thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023-2024.

Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam hiện có vốn điều lệ 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hàng năm, công ty thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cũng như hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.

Theo báo cáo gửi đến Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào Tạo, trong 6 tháng đầu năm 2024, NXB Giáo dục Việt Nam ghi nhận 2.224 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp ở mức 24,5%.

Lãi trước thuế đạt 393,3 tỷ đồng và lãi sau thuế 354,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,9% và 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy bình quân mỗi ngày trong nửa đầu năm nay, NXB Giáo dục lãi trước thuế gần 2,2 tỷ đồng.

Chỉ trong 6 tháng, NXB Giáo dục ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục của đơn vị này, thậm chí vượt qua mức lãi của nhiều năm trước đó. Do đặc thù kinh doanh, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của NXB Giáo dục VN được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.

Năm 2023 - sau khi ông Nguyễn Đức Thái nghỉ công tác, NXB này cũng báo doanh thu cao nhất lịch sử.

NXB Giáo dục Việt Nam lãi kỷ lục sau khi cựu Chủ tịch nghỉ việc, vừa bị bắt vì tội nhận hối lộ- Ảnh 2.

 

NXB Giáo dục Việt Nam lãi kỷ lục sau khi cựu Chủ tịch nghỉ việc, vừa bị bắt vì tội nhận hối lộ- Ảnh 3.

Doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có xu hướng tăng theo giá sách. Lãnh đạo nhà xuất bản từng giải thích rằng giá cao bởi chi phí tăng ở 4 yếu tố là số lượng cuốn trong một bộ sách, chi phí cho bản thảo, vật tư và tiếp thị.

Hồi hồi tháng 8/2024, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói rằng: Trên thực tế, lợi nhuận từ SGK hầu như không có hoặc có rất ít. NXB Giáo dục Việt Nam có lợi nhuận là từ các sách khác như: Sách bổ trợ, sách tham khảo…

"Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng (bao gồm giấy và công in), trong khi chi phí sản xuất hiện nay của NXB hoàn toàn dựa vào vốn vay ngân hàng. Chi phí cho khâu lưu thông, phát hành cũng rất lớn" - Đại diện này trả lời trên Vietnamnet.

THANH TRA CHÍNH PHỦ TỪNG KẾT LUẬN RA SAO?

Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong giai đoạn 2014-2018. Trong đó có quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, in và phát hành...

Thanh tra đã phát hiện NXB Giáo dục Việt Nam chưa thực hiện rà soát cơ cấu chi phí và giá thành; định mức, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Sách phát hành qua nhiều bước trung gian nên chưa tiết kiệm được chi phí. Tỷ lệ chiết khấu sách giáo khoa 25% còn cao so với một số mặt hàng độc quyền.

Nhà xuất bản bị cho rằng đã "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền" - hành vi bị cấm theo Luật Cạnh tranh. Đơn vị xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn cấp có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định về đăng ký giá sách giáo khoa.

NXB Giáo dục Việt Nam lãi kỷ lục sau khi cựu Chủ tịch nghỉ việc, vừa bị bắt vì tội nhận hối lộ- Ảnh 4.

Lúc đó, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện ra việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh có nhiều bất thường, chưa đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế.

Cụ thể, nhà xuất bản xác định nhu cầu sản xuất không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là giấy in). Từ đó làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Từ trước tháng 8/2017, nhà xuất bản chưa ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu in sách, cung cấp vật tư, giấy in,... Đơn vị cũng chưa bổ sung đăng ký kinh doanh nhập khẩu giấy in hoặc tổ chức thực hiện việc ủy thác nhập khẩu giấy in để giảm bớt chi phí trung gian, giảm giá thành sách. Nhà xuất bản còn sử dụng giấy in định lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo Tiêu chuẩn quốc gia.

Trong giai đoạn năm 2014 đến 2019, nhà xuất bản chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in và lặp lại trong nhiều năm. Trong đó, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83% số lượng giấy của Nhà xuất bản (tương đương gần 1.900 tỷ đồng).

Cơ quan thanh tra kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Công ty giấy Phùng Vĩnh Hưng cho thấy giá giấy in cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng).

Nhà xuất bản bán 3 loại giấy in có thuế giá trị gia tăng đầu vào 5% cho các đơn vị trúng thầu in sách. Nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng khi xây dựng giá trần của gói thầu in, nhà xuất bản lại tính cách khác, làm giá trần gói thầu tăng thêm 5%. Doanh nghiệp đưa tiền lãi vay vào giá trần các gói thầu in sách, thiếu sót khi phân bổ chi phí quản lý doanh nghiệp vào giá thành sách.

Theo tính toán của Thanh tra Chính phủ, vì những việc này, với số sách đã tiêu thụ, gia đình các học sinh phải mua sách giáo khoa cao hơn giá sách đăng ký đúng là khoảng 85 tỷ đồng.

Một sai phạm khác được chỉ ra là nhà xuất bản chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đã tăng giá sách giáo khoa từ năm học 2019-2020. Thời kỳ thanh tra năm 2014-2018, trong khi sách giáo khoa được nhà xuất bản đăng ký giá từ năm 2011. Do đó cơ quan thanh tra chưa xác định được cụ thể số tiền gia đình học sinh đã mua sách cao hơn giá đăng ký đúng giá từ 2011 đến nay.


(0) Bình luận
NXB Giáo dục Việt Nam: Lợi nhuận tăng vọt, lãi bình quân 2,2 tỷ đồng/ngày trong 6T2024, cựu chủ tịch vừa bị truy tố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO