"Nút thắt" thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản chưa thể sớm gỡ bỏ, nhà đầu tư nên chuyển hướng sang đâu?

Dương Ngọc | 08:31 27/11/2022

Dựa trên kinh nghiệm tư vấn và nghiên cứu sâu về tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam, chuyên gia bật mí 3 nhóm ngành cần được chú trọng thời gian tới.

"Nút thắt" thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản chưa thể sớm gỡ bỏ, nhà đầu tư nên chuyển hướng sang đâu?

"Khúc cua định mệnh" của doanh nghiệp bất động sản

Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền cũng như áp lực trái phiếu trước hạn. Họ đang nỗ lực bằng mọi cách để có thể xử lý được các điểm nghẽn hiện tại, và từ đó tiếp tục các dự án dang dở, đảm bảo tiến độ đưa hàng ra thị trường. Điển hình là các biện pháp về việc hoán đổi trái phiếu sang nhận căn hộ, sản phẩm bất động sản.

Câu chuyện “thanh khoản”, giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế, vừa đảm bảo chống lạm phát, ổn định tỷ giá và các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn đang là câu chuyện chính và còn nhiều yếu tố khó đoán định.

Tại Talkshow “Chọn danh mục” do Báo đầu tư tổ chức, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw, người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật tại các lĩnh vực như đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản, năng lượng,… chia sẻ: “Thời gian qua, doanh nghiệp BĐS huy động tiền nhiều từ trái phiếu và giờ đang chịu áp lực đáo hạn nợ. Do vậy, các doanh nghiệp này rất khó phát hành trái phiếu mới trong khi nhà đầu tư lại mong đáo hạn trái phiếu trước hạn để thu tiền về”.

Trong tình thế đó, một số DN bất động sản hiện nay đã phải trả trước tiền trái phiếu cho nhà đầu tư bằng cách hoán đổi căn hộ. Nhưng sau đó, họ nhận thấy động thái trả căn hộ cho trái chủ cũng làm dòng tiền mặt bị ảnh hưởng, kết quả là các doanh nghiệp này dừng động thái trên, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư mất niềm tin.

Sang năm 2023, ông Hà nhận định rằng các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục gặp khó khăn huy động vốn để thực hiện cả dự án cũ và mới. Trong bối cảnh tất cả ngân hàng đều tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay, việc tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp còn tiếp tục phải trả nợ trái phiếu với khối lượng không hề nhỏ.

Đây chính là những “khúc cua định mệnh” cực kỳ khó khăn mà doanh nghiệp BĐS phải đối diện thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự hấp dẫn?

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam, dù đã trở về mức định giá hấp dẫn trong dài hạn, vị luật sư cho hay thị trường còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố tin đồn, trong khi nhà đầu tư đa phần là những người mới gia nhập.

Tuy nhiên, ông Hà lưu ý rằng việc thay đổi chính sách quản lý thị trường, đặc biệt quan tâm xây dựng TTCK theo hướng minh bạch, làm sao trở thành kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng.

Đặc biệt, nhà đầu tư cần đặt niềm tin lại vào thị trường, cũng như nâng cao kiến thức để trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi đa số nhà đầu tư hành động theo tin đồn, ít quan tâm đến các chỉ số vĩ mô, chỉ số doanh nghiệp và nghe theo đội lái khá nhiều. Do vậy, ông Hà khuyến nghị các nhà đầu tư cần nghiên cứu yếu tố kỹ thuật nhiều hơn và đầu tư theo hướng bài bản hơn.

Thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao, đặc biệt thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là một trong những thị trường mới nổi ở châu Á. Kênh chứng khoán sẽ vẫn là một kênh đầu tư tốt trong tương lai cụ thể năm 2023 nếu kinh tế Việt nam tiếp tục phát triển cùng với sự ấm dần lên của kinh tế thế giới”, ông Hà nêu rõ.

3 nhóm ngành được đánh giá cao

Một chuyên gia khác tại buổi chia sẻ là ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam đánh giá: "Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài bởi tiềm năng tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp lớn được đầu tư tại Việt Nam đã ngày càng chuyên nghiệp hóa và phát triển lớn mạnh hơn. Tuy nhiên những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn khó khăn về nguốn vốn. Đây là chênh lệch của hai khu vực DN".

Thêm vào đó, vị chuyên gia từ PwC Việt Nam nhận định xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài luôn khắt khe hơn so với nhà đầu tư trong nước. Nếu như trước đây, NĐT nước ngoài chấp nhận đầu tư và phải sau một thời gian mới có lợi nhuận, ngày nay họ nhìn ra lợi ích mới quyết định đầu tư.

Dựa trên kinh nghiệm đầu tư, tư vấn và nghiên cứu sâu về tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam, chuyên gia bật mí 3 nhóm ngành cần được chú trọng thời gian tới:

Thứ nhất là ngành tiêu dùng. Dựa vào thu nhập của người dân, thu nhập ngày càng nâng cao, dân số trẻ hóa nên ngành này có tiềm năng lớn.

Thứ hai là ngân hàng. Phù hợp để đầu tư trung và dài hạn bởi giá trị sổ sách đang lớn hơn nhiều giá trị vốn hóa, trong khi các ngân hàng đang hiệu quả trong việc tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Thứ ba là cổ phiếu nhóm có giá trị vốn hóa thấp. Những cổ phiếu này thuộc nhóm DN đang kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, giáo dục.

Trong thời điểm tâm lý nhạy cảm như hiện nay, ông đặc biệt khuyến nghị nhà đầu tư cần đảm bảo nguồn vốn cần thiết và thận trọng. 

Mặt khác, ông Mohammad Mudasser đưa ra giải pháp và hành động gỡ nghẽn thanh khoản cho các doanh nghiệp hiện nay. Một trong những giải pháp trọng tâm là DN cần củng cố hoạt động quản lý ngân quỹ bởi quá trình này ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

"Doanh nghiệp cần làm tốt hoạt động quản lý ngân quỹ để đảm bảo khả năng thanh khoản, nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro liên quan đến lãi vay, và rủi ro quản lý ngân quỹ khác nhằm đảm bảo khả năng hoạt động ổn định của chính mình", vị chuyên gia quan điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Nút thắt" thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản chưa thể sớm gỡ bỏ, nhà đầu tư nên chuyển hướng sang đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO