Nữ chủ tịch 20kg xây dựng doanh nghiệp xã hội với 5.000 USD, tạo việc làm cho 60% người khuyết tật: “Đừng chỉ cho cá, hãy cho cần câu”

Ánh Lê - Thiết kế: Hải An | 10:47 07/10/2023

“Hồi nhỏ, tôi thấy mình bất hạnh vô cùng, tự hỏi tại sao giữa biết bao nhiêu người, ông trời lại ban cho tôi căn bệnh quái ác này? Lớn lên rồi tôi mới hiểu, đời người ai cũng có một sứ mệnh riêng, có giá trị riêng, kể cả những người khốn cùng nhất. Sứ mệnh của tôi là được trải nghiệm cuộc sống của một phụ nữ khuyết tật, đã vậy thì… tận hưởng thôi, lo gì!”, chị Vân chia sẻ.

Nữ chủ tịch 20kg xây dựng doanh nghiệp xã hội với 5.000 USD, tạo việc làm cho 60% người khuyết tật: “Đừng chỉ cho cá, hãy cho cần câu”

Năm 12 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Vân cùng anh trai là Nguyễn Công Hùng từ Nghệ An ra Hà Nội để nhận phần quà là 1 chiếc xe lăn đến từ 1 nhà từ thiện Nhật Bản. Lạ lẫm khi thấy nhà từ thiện cũng ngồi xe lăn nhưng được đón tiếp sang trọng, được phóng viên vây quanh chụp hình, chị Vân khi ấy ao ước một ngày nào đó, bản thân cũng sẽ giúp đỡ được nhiều người và được cộng đồng công nhận như vậy.

Mơ ước ấy cứ âm ỉ cháy trong con người chị, để rồi 17 năm sau đó, cô bé Nguyễn Thị Vân ngày nào đã trở thành Chủ tịch của Imagtor - một agency chuyên cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh với đội ngũ hơn 60% là người khuyết tật. Không chỉ giúp được vô số người cùng cảnh tái hòa nhập với cộng đồng, mô hình công ty mà chị đồng sáng lập còn giúp họ có sinh kế bền vững và phát triển hơn nữa trong tương lai.

Trước khi thành lập Imagtor, chị Vân cùng anh trai là Hiệp sĩ công nghệ thông tin Công Hùng từng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống cho người khuyết tật.

Cuối năm 2012, sau sự ra đi đột ngột của anh trai, chị Vân thay anh điều hành hoạt động Trung tâm Nghị lực sống. Đến năm 2016, nhận thấy những khó khăn trong vấn đề tài chính và rào cản đối với người khuyết tật trong xã hội, chị ấp ủ kế hoạch xây dựng một doanh nghiệp để kinh doanh, kiếm thêm thu nhập. Đây vừa là nơi những người cùng cảnh có thể phát huy được giá trị của mình.

“Tôi muốn giúp mọi người nhưng lại không có tiền. Khi đó, tôi tự nhiên nảy ra suy nghĩ hay là mình kinh doanh hoặc làm một cái gì đó để có thu nhập, có tiền thì có thể giúp được nhiều người hơn. Vậy là tôi dùng toàn bộ số tiền tích góp được cho lúc đau ốm và cùng bạn bè bỏ vốn để xây dựng công ty. 

Ngày đó tôi vô tư khởi nghiệp mà không nghĩ sẽ có rủi ro hay gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là bây giờ mình cần khởi nghiệp để có tiền giúp đỡ mọi người và theo đuổi cái mục tiêu của mình thôi”, chị Vân chia sẻ.

Và thế là với số vốn 5.000 USD, Imagtor ra đời với 60% lao động là người khuyết tật. Chị Vân cho biết vào thời điểm đó, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi bước chân ra xã hội. Có những trường hợp dù họ làm rất giỏi nhưng vẫn bị các công ty từ chối vì không phù hợp với môi trường công sở. Cũng vì những định kiến trong xã hội quá lớn, bản thân những người khuyết tật cũng tự hoài nghi về khả năng của chính mình.

Với đích đến là làm thế nào để người cùng cảnh có cơ hội được tiếp cận giáo dục công bằng, được sống có ích cho đời và thay đổi định kiến của xã hội, chị Vân cho rằng “giúp họ thì đừng chỉ cho cá mà hãy cho cần câu và dạy họ cách câu”. Có như vậy, họ mới có thể tự tin bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và chứng minh cho mọi người thấy họ không có sự khác biệt nào trong xã hội.

Sau 7 tháng đi vào hoạt động với nhiều thiếu thốn về tài chính, kỹ thuật, Imagtor cũng có đơn hàng đầu tiên trị giá 100 USD. Chị Vân cho biết khoảng thời gian đó đến khi công ty đi vào hoạt động ổn định là 4-5 tháng. Đặc biệt, sau khi chị đạt được những giải thưởng về khởi nghiệp thì Imagtor cũng được biết đến nhiều hơn, phát triển nhanh hơn và tạo được uy tín trên thị trường. 

Sau 2 năm thành lập, đến năm 2018, Imagtor đã được một tổ chức tại Singapore định giá 2,4 triệu USD, gấp 480 lần giá trị ban đầu. Năm 2022, Imagtor đã lớn mạnh hơn, tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng đào tạo, giúp hàng trăm nhân viên có công việc ổn định, có thể tự lo được cho bản thân và gia đình.

Thời điểm hiện tại, số lượng lao động người khuyết tật tại Imagtor là 40%. Đây cũng là mức mà doanh nghiệp sẽ luôn cố gắng duy trì.

Với nghị lực phi thường cùng những đóng góp to lớn cho cộng đồng người khuyết tật, chị Nguyễn Thị Vân được bình chọn là một trong 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019, giải thưởng "Her Abilities Award 2019" Global do Tổ chức Light For The World trao tặng, Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, giải thưởng Tầm Nhìn Phụ Nữ, giải thưởng Sao Đỏ cao quý…

Chia sẻ về những thành tựu đạt được, người phụ nữ chỉ nặng 20kg này khiêm tốn nói rằng: “Thực ra bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Có lẽ điều giúp tôi có thể tạo ra những giá trị như hiện tại là do bên trong tôi luôn có một khao khát là muốn giúp đỡ mọi người. 

Hơn nữa với tôi, hai từ trách nghiệm đã gắn chặt với tôi từ lúc nào. Tôi luôn cảm thấy rằng bản thân là một người khuyết tật may mắn trong cộng đồng khuyết tật, vậy nên tôi lại càng phải có trách nghiệm chia sẻ may mắn đó tới những người khác, đó là trách nghiệm mà tôi luôn mang trong mình.”

Chưa dừng lại ở đó, nữ chủ tịch Imagtor và các cộng sự còn nghiên cứu và mở rộng thêm mô hình doanh nghiệp xã hội để tiếp tục phát triển sứ mệnh “thắp sáng” ước mơ cho những người yếu thế của mình. Gần đây nhất, chị Vân đã cùng các thành viên trong CLB Doanh nhân Sao Đỏ thành lập một doanh nghiệp xã hội mới lớn hơn với tên gọi Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống - Doanh nghiệp xã hội. Đây vừa là trung tâm đào tạo, vừa sản xuất kinh doanh và vừa trở thành nhà đầu tư, lấy lợi nhuận kinh doanh để tái đầu tư tiếp vào các trung tâm dạy nghề. 

Bên cạnh đó, sau một thời gian dài ấp ủ, chị Vân cùng những cộng sự tiếp tục cho ra đời đứa con tinh thần “Bền - Spa đồ hiệu” - một cửa hàng chuyên vệ sinh phục hồi đồ hiệu với nhân sự đều là những người khuyết tật. Nữ chủ tịch 20kg chia sẻ: “Bền ở đây là sự bền vững, bền bỉ và bao dung”. Với slogan “Bền từ tâm”, chị và đội ngũ cộng sự là người khuyết tật vẫn đang miệt mài tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Kể từ khi những giọt nước mắt chuyển hóa thành nghị lực, những hoài bão lớn lao của người phụ nữ bé nhỏ này đang từng ngày được hiện thực hóa. Không chỉ muốn mở rộng quy mô ra toàn quốc, chị Vân còn muốn vươn ra quốc tế để lan tỏa sứ mệnh của Nghị Lực Sống đến được nhiều người nhất. 

“Hy vọng rằng doanh nghiệp mới sẽ giúp người khuyết tật có thêm cơ hội được thể hiện bản thân, có thêm thu nhập và thay đổi định kiến của xã hội rằng người khuyết tật yếu đuối chỉ sống được nhờ tiền từ thiện. Nghĩ đến viễn cảnh sau này đi đến đâu cũng thấy Nghị Lực Sống, trong lòng tôi có một niềm hạnh phúc và sung sướng khôn tả”, chị Vân chia sẻ.

(Tổng hợp)

“Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/Human...


(0) Bình luận
Nữ chủ tịch 20kg xây dựng doanh nghiệp xã hội với 5.000 USD, tạo việc làm cho 60% người khuyết tật: “Đừng chỉ cho cá, hãy cho cần câu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO