Nội dung chính:
- - “Nộp đơn phá sản” là thuật ngữ dấy lên nhiều e ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi tự nguyện nộp đơn phá sản, doanh nghiệp được bảo hộ có cơ hội tái cơ cấu, duy trì hoạt động và vực dậy từ khó khăn.
- - American Airlines, Apple hay GM là những trường hợp tiêu biểu cho việc doanh nghiệp đã hoặc suýt nộp đơn phá sản nhưng vẫn có thể phục hồi và kinh doanh trở lại.
- - Việt Nam tuy không có khái niệm “bảo hộ phá sản”, nhưng Luật phá sản 2014 cũng có các điều khoản giúp doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi kinh doanh và đảm bảo thanh toán nợ dưới sự giám sát của tòa án và các chủ nợ.
Thông tin “một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản” do ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết trong một cuộc họp ngày 10/7 vừa qua khiến thị trường hoài nghi về một “vụ phá sản” có thể diễn ra trong thời gian tới.
Mỗi khi nhắc đến việc một doanh nghiệp nộp đơn phá sản, vẫn có người cho rằng doanh nghiệp đó chắc chắn phá sản và lo sợ bị mất đi số tiền đã cho vay hoặc đầu tư vào doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc nộp đơn phá sản lên tòa án lại là một công cụ pháp lý hữu hiệu, nhiều doanh nghiệp nhờ vậy đã vực dậy được tình hình.
Nộp đơn phá sản để không bị phá sản
Hàng không là một trong những ngành kinh doanh không xa lạ gì với nguy cơ phá sản. American Airlines, United hay Delta (những hãng bay lớn của Mỹ) đều có thời điểm nộp đơn xin phá sản.
Năm 2011, AMR Corp, công ty mẹ của hãng American Airlines nộp đơn bảo hộ phá sản trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao và nhu cầu bay sụt giảm, trong khi không thể thương lượng giảm tiền lương với phi công.
American Airlines được cho là hãng bay lâu đời Mỹ cuối cùng, sau United và Delta, tận dụng Chương 11 của đạo luật phá sản của Mỹ để cơ cấu lại doanh nghiệp.
Theo luật pháp Mỹ, bảo hộ phá sản (bankruptcy protection) cho phép doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong quá trình lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động kinh doanh.
Các doanh nghiệp xin phá sản theo Chương 11 được bảo vệ khỏi chủ nợ trong thời gian nhất định và tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có thể phải bán bớt tài sản hoặc giải thể các bộ phận không sinh lời, dẫn đến việc cho người lao động nghỉ việc.
Tháng 2/2012, American Airlines cắt giảm 13 nghìn lao động (18% nhân viên) nhằm mục đích giảm 20% chi phí hoạt động.
Tiếp đó, hãng bay tìm kiếm cơ hội sáp nhập với nhiều hãng bay khác, trong đó có US Airways, nhằm tăng doanh thu và giảm chi phí. Đầu năm 2014, sau nhiều thỏa thuận tài chính, AMR và US Airways hoàn thành phi vụ sáp nhập thành hãng hàng không lớn nhất thế giới: American Airlines Group.
Mặc dù doanh nghiệp mới phải tiêu tốn khoản chi phí giải quyết thủ tục phá sản khổng lồ, nhưng 2014 là năm đầu tiên American Airlines báo cáo có lợi nhuận kể từ 2007. Hãng bay thậm chí vẫn có được một khoản lợi nhuận nhỏ trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19.
Hãng táo khuyết cũng từng suýt nộp đơn phá sản
Điều khá khó tin là Apple, một trong những công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới cũng từng đứng trên bờ vực phá sản.
Dù chưa thực sự nộp đơn, nhưng năm 1997, lãnh đạo Apple đã cân nhắc phương án pháp lý này. May mắn là vào phút cuối cùng, đối thủ Microsoft đã kịp thời cứu nguy bằng cách đầu tư 150 triệu USD vào công ty.
Apple cũng từng suýt nộp đơn phá sản vào năm 1997 nhưng được Microsoft cứu nguy. Ảnh: hai nhà sáng lập Apple và Microsoft. Nguồn: Yugatech
Có nhiều phỏng đoán rằng hành động của Microsoft đơn giản là vì hãng máy tính do Bill Gates sáng lập lo sợ các nhà làm luật sẽ coi Microsoft nắm độc quyền nếu không có cạnh tranh của Apple trên thị trường.
Hãng ô tô GM được chính phủ cứu trợ
Sau những hậu quả của khủng hoảng tài chính 2008, General Motors (GM) - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã nộp đơn bảo hộ phá sản theo Chương 11 vào giữa năm 2009.
Theo đơn phá sản lúc bấy giờ, GM có tài sản hơn 82 tỷ USD và nợ 172,8 tỷ USD. Cuối cùng, doanh nghiệp được cứu nhờ khoản cứu trợ tài chính lên đến 51 tỷ USD của chính phủ.
Tháng 12/2013, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ thoát vốn hoàn toàn khỏi GM, thu lại được 39,7 tỷ USD.
Bảo hộ phá sản ở Việt Nam
Theo luật pháp Việt Nam, không có khái niệm “bảo hộ phá sản” cho các doanh nghiệp như ở Mỹ. Tuy nhiên, luật phá sản hiện hành cũng có các định nghĩa và quy định bảo vệ cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong hoàn cảnh “mất khả năng thanh toán”.
Khoản 1, Điều 4 của Luật Phá sản 2014 nêu rõ việc doanh nghiệp “mất khả năng thanh toán” là khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn, chứ không phải thời điểm bất kỳ do chủ nợ đưa ra.
Đặc biệt, Chương 7 của Luật Phá sản có nhiều điểm tương đồng với quy định bảo hộ của phá sản của Mỹ, bao gồm việc xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh dưới sự giám sát của Hội nghị chủ nợ và tòa án (thẩm phán, quản tài viên).
Trong điều kiện và thời hạn của phương án phục hồi kinh doanh, doanh nghiệp có thể tiến hành các biện pháp như huy động vốn, giảm nợ, hoãn nợ, tổ chức lại bộ máy, bán, cho thuê tài sản và bất kỳ các biện pháp nào không trái quy định của pháp luật.
Dưới sự giám sát của tòa án, doanh nghiệp tránh được áp lực trước các chủ nợ, bảo toàn tài sản để kinh doanh và có thêm thời gian để điều chỉnh hoạt động theo hướng tích cực.
Như vậy, nộp đơn thực hiện thủ tục phá sản không có nghĩa là phá sản. Doanh nghiệp nộp đơn phá sản có thêm một cơ hội để xoay chuyển tình thế và vực dậy từ khó khăn.