Nỗi lo đằng sau việc tăng mạnh lãi suất, đặc biệt của nhóm Big4

Văn Tuệ | 23:10 29/09/2022

Chuyên gia cho rằng cùng lúc sử dụng room tín dụng và tăng lãi suất sẽ khiến việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khó hơn...

Nỗi lo đằng sau việc tăng mạnh lãi suất, đặc biệt của nhóm Big4

Ngày 23/09 vừa qua các quyết định tăng thêm 1% ở nhiều loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức có hiệu lực. Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động không chỉ ở kỳ hạn ngắn lên mức cao kịch trần 5% (thay vì mức 4% cũ) mà còn đẩy tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài, đến nay đã có nơi vượt 8%/năm. Đáng chú ý, cuộc đua tăng lãi suất lần này còn có sự tham gia của nhóm "Big4". 

Theo giới chuyên gia, việc tăng trần lãi suất huy động như "cởi trói" cho các ngân hàng, giúp các nhà băng chủ động hơn trong việc thu hút nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản hệ thống. Năm nay cũng là năm tương đối đặt biệt khi lần đầu tiên kể từ 2013, lượng vốn các ngân hàng cho vay ra tăng trưởng nhanh hơn so với số vốn các ngân hàng huy động được.

Báo cáo của công ty chứng khoán VCBS mới đây đánh giá, tín dụng toàn nền kinh tế đến 26/8 tăng 9,91% trong khi tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4% cho thấy nhiều nhà băng đang "khát" tiền gửi.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động sẽ gây một số áp lực nhất định lên lãi suất đầu ra. Đặc biệt, mức tăng lãi suất vừa qua của nhóm Big 4 lại được giới phân tích đánh giá là thuộc diện cao nhất trong đợt điều chỉnh vừa qua. Điều này sẽ gây sức ép không nhỏ lên lãi suất cho vay, bởi lẽ nhóm này đang chiếm tới gần một nửa tổng thị phần vốn huy động của hệ thống ngân hàng.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể nhích dần lên. Khi ngân hàng tăng lãi suất đầu vào, dẫn đến đầu ra cũng sẽ được nâng lên ở một mức độ nhất định, khó có khả năng ghi nhận được lãi suất giảm.

Về những tác động của việc tăng lãi suất lên doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Thế Anh cho biết, “Tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế. Bởi khi tăng lãi suất, các hộ gia đình có thể sẽ tiết kiệm nhiều hơn, giảm bớt chi tiêu. Về phía doanh nghiệp, chi phí tiếp cận vốn cũng sẽ tăng lên. Hiện nay, chúng ta vừa áp dụng room tín dụng, vừa tăng lãi suất. Do đó, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn hơn. Việc này cũng sẽ có một số tác động nhất định đến việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, NHNN đang ưu tiên bảo vệ đồng nội tệ nhằm bảo vệ nền kinh tế vĩ mô trong lâu dài, thay vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn”

Chủ tịch công ty tư vấn tài chính AzFin, ông Đặng Trần Phục cũng đánh giá, trong bối cảnh nhu cầu vốn đang rất lớn trong khi room tín dụng có hạn và để không ảnh hưởng đến lợi nhuận, chi phí tăng thêm từ việc tăng lãi suất huy động sẽ được ngân hàng chuyển cho khách hàng bằng việc nâng lãi suất cho vay ra. Tuy nhiên, nếu lãi suất tăng quá cao (tăng thêm trên 1,5% nữa), khi đó ngân hàng sẽ không thể chuyển hết chi phí này cho khách hàng.

Về những tác động của việc tăng lãi suất lên các ngân hàng, ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment cho biết, lãi suất tăng trước hết làm tăng chi phí vốn đầu vào, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Lãi suất tăng cũng làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và điều này sẽ có tác động đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Từ đó, nợ xấu của các nhà băng cũng có thể bị kéo lên cao hơn.

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, nhóm phân tích của công ty chứng khoán VNDirect nhận định, “Lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh sẽ gây áp lực lên chi phí vốn kể từ thời điểm này cho đến ít nhất là nửa đầu năm năm 2023. Do đó các ngân hàng đã tích cực mở rộng danh mục cho vay bán lẻ trong cơ cấu tín dụng kể từ Q2/22 để tối ưu lợi suất tài sản và duy trì NIM. Bên cạnh đó, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao và thanh khoản dồi dào sẽ có thể tối ưu hóa chi phí vốn để vượt qua rủi ro NIM thu hẹp trong thời gian tới”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nỗi lo đằng sau việc tăng mạnh lãi suất, đặc biệt của nhóm Big4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO