Nỗi lo của nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Dân số giảm 3 năm liên tiếp, động lực chủ chốt được dự báo sẽ liên tục đi xuống

An Chi | 13:56 17/01/2025

Dân số Trung Quốc ghi nhận mức giảm trong 3 năm liên tiếp vào năm 2024, dù tỷ lệ sinh tăng nhẹ. Diễn biến này thể hiện rõ mối rủi ro dai dẳng trong dài hạn với nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Nỗi lo của nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Dân số giảm 3 năm liên tiếp, động lực chủ chốt được dự báo sẽ liên tục đi xuống

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng dân số Trung Quốc đã giảm hơn 1,39 triệu xuống còn 1,408 tỷ vào năm ngoái. Trong khi đó, khoảng 9,54 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, nhiều hơn 520.000 trẻ so với năm trước. 

Yếu tố thúc đẩy mức tăng có thể một phần đến từ quan điểm năm Thìn là năm may mắn để sinh con. Mặc dù vậy, đây là năm ghi nhận số ca sinh thấp thứ 2 của quốc gia tỷ dân từ năm 1949. 

Các nhà nhân khẩu học cho biết, tỷ lệ kết hôn tăng 12,4% vào năm 2023 do nhiều người trì hoãn sự kiện này vì đại dịch Covid-19. Điều này có nghĩa là tỷ lệ sinh sẽ tạm thời phục hồi vào năm 2024. Con số này dự kiến ​​sẽ giảm trở lại vào năm 2025.

He Yafu, nhà nhân khẩu học, cho biết: “Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc trì hoãn việc sinh con trong 3 năm đại dịch đã lựa chọn sinh con vào năm 2024. Đây là nhân tố chính dẫn đến mức tăng này. Tuy nhiên, tôi dự đoán số trẻ sơ sinh sẽ giảm vào năm 2025.” 

Dân số sụt giảm trong 3 năm liên tiếp cho thấy chính phủ Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn để ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm, tác động sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình, chi phí chăm sóc trẻ tăng cao và chuẩn mực xã hội thay đổi. Số lượng trẻ sơ sinh giảm với tốc độ ổn định kể từ những năm 1960, chỉ ghi nhận một đợt tăng nhẹ vào năm 2016 khi chính phủ nới lỏng chính sách một con. 

Dữ liệu mới công bố càng thể hiện mối lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gặp khó khăn khi số lượng người lao động và người tiêu dùng giảm. Chi phí chăm sóc người cao tuổi và phúc lợi hưu trí tăng cũng có khả năng tạo thêm gánh nặng cho các chính quyền địa phương vốn đã gặp khó khăn vì nợ nhiều.

Giống các nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc, một lượng lớn người Trung Quốc đã chuyển từ các trang trại nông thôn đến các khu vực thành phố, nơi việc sinh và nuôi dạy con tốn kém hơn. Chi phí chăm sóc trẻ em và giáo dục cao cũng như tình trạng không chắc chắn về công việc và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng khiến nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi không muốn kết hôn và lập gia đình. 

Các chuyên gia ước tính dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,36 tỷ vào năm 2035. Đây là mức chưa từng thấy kể từ năm 2012, dù con số này có thể sẽ thay đổi nếu các cặp vợ chồng quyết định sinh thêm con. Vào tháng 10, Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình có nhiều con, bao gồm hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khoẻ và việc làm. 

Số lượng phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh sản, được Liên hợp quốc định nghĩa là từ 15 đến 49 tuổi, ước tính sẽ giảm hơn 2/3 xuống còn dưới 100 triệu vào cuối thế kỷ. Trong khi đó, dân số trong độ tuổi nghỉ hưu, những người từ 60 tuổi trở lên, dự kiến ​​sẽ tăng lên hơn 400 triệu vào năm 2035 từ khoảng 280 triệu người hiện nay.

Những vấn đề nhân khẩu học có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế của Trung Quốc, khi lực lượng lao động giảm sẽ tạo áp lực đến đà tăng trưởng. Ngoài ra, dân số già sẽ là gánh nặng lớn hơn đối với hệ thống lương hưu.

Tham khảo Reuters


(0) Bình luận
Nỗi lo của nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Dân số giảm 3 năm liên tiếp, động lực chủ chốt được dự báo sẽ liên tục đi xuống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO