Chính quyền Trung Quốc đang triển khai một chiến dịch nhằm khuyến khích người dân đổi nhà cũ lấy nhà mới.
Ngay sau khi ra mắt, chiến dịch này đã thu hút quan tâm rất lớn. Mục tiêu là giúp các thành phố trên khắp Trung Quốc giảm bớt số lượng căn hộ mới và cung cấp dòng tiền cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn. Chương trình hoán đổi này là giải pháp mới nhất trong chuỗi các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản Trung Quốc kể từ năm 2022.
Theo một cuộc khảo sát của China Index Academy, tính đến ngày 6/5, hơn 50 thành phố đã triển khai chương trình “đổi cũ lấy mới” theo các cách khác nhau.
Hầu hết các thành phố tham gia chương trình này đều yêu cầu người mua nhà đặt cọc tiền để nhận một căn hộ mới. Còn bên trung gian hoặc công ty bất động sản sẽ nỗ lực để bán nhà của khách đang ở. Nếu nhà được bán trong thời gian mà chủ nhà và bên trung gian đã thống nhất, hợp đồng sẽ có hiệu lực. Nếu không, tiền cọc sẽ được hoàn lại. Các thành phố đưa ra mức thuế/phí thấp hơn cho các giao dịch nêu hoàn thành.
Tuy vậy, vấn đề nan giải lớn nhất hiện nay là: Những người tham gia chương trình gặp khó trong việc bán căn nhà hiện tại của họ. Các nhà phân tích, đại lý bất động sản và chủ đầu tư cho rằng nhu cầu mua nhà cũ rất thấp.
Qin Yi, một môi giới bất động sản ở Thượng Hải cho biết: “Một số người đã hỏi về chương trình. Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa ghi nhận giao dịch nào thành công nào cả. Vấn đề lớn nhất là bán nhà cũ”.
Nhu cầu đối với cả nhà mới và cũ ở Trung Quốc đang giảm, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ hơn, do khách hàng lo ngại giá có thể giảm thêm và một số chủ đầu tư sẽ không thể hoàn thành dự án. Trong khi đó, lượng rao bán cả hai loại này ngày càng tăng.
Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy có 395 triệu mét vuông nhà ở mới được bán trong quý 1/2024, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh số bán nhà mới ở đạt 189,42 triệu m2 trong giai đoạn này, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thứ cấp, số lượng bất động sản rao bán cao gấp 20 lần số lượng giao dịch trong tháng 4, theo khảo sát tại 14 thành phố của Trung tâm nghiên cứu dữ liệu bất động sản Zhuge. Tại Thượng Hải, con số này đã tăng 294% so với cùng kỳ, còn Thâm Quyến tăng 39%.
Ngoài ra, có đến hàng chục triệu căn hộ vẫn chưa được hoàn thiện ở Trung Quốc.
Ma Hong, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu GDDCE ở Thượng Hải, cho biết: “Doanh số bán nhà đã sụt giảm nghiêm trọng. Rất ít người dám mua nhà”. “Nếu không có những công cụ đột phát hơn, ví dụ như quỹ bình ổn nhà đất, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đi xuống”, ông nói.
Khoảng 96% hộ gia đình Trung Quốc hiện sở hữu ít nhất một ngôi nhà. Trước khi thị trường lao dốc, người Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã coi các căn hộ – đặc biệt là những căn hộ mới và hiện đại hơn, là kênh tiết kiệm tiền.
Một đại lý bất động sản ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, cho biết hơn chục người đã đặt cọc nhưng nhà của họ vẫn chưa bán được.
Tại Trùng Khánh, nơi đã thí điểm chương trình này từ tháng 2, một đại lý cho biết chương trình này “không có hiệu quả” khi xét về mặt nhu cầu.
Trịnh Châu, một thành phố với khoảng 13 triệu dân, đã yêu cầu các chủ đầu tư mua nhà cũ. Giám đốc của công ty bất động sản Trung Quốc yêu cầu giấu tên cho biết công ty của họ “không muốn tham gia” vào chương trình vì thị trường nhà cũ “rất xấu”. Giám đốc của một nhà phát triển khác cho rằng chương trình hoán đổi là “vô nghĩa”. “Không có ai mua thì làm sao bán để đổi?”, người này nói.
Khi các giải pháp kích cầu chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, Trung Quốc đang cân nhắc cho chính quyền địa phương trên toàn quốc mua hàng triệu căn nhà chưa bán được.
Theo Reuters