Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại tiếp tục phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Bức tranh kinh doanh quý 1/2023 lộ diện nhiều gam màu ảm đạm, loạt doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ.
Trong buổi Market talk do Chứng khoán Rồng Việt tổ chức mới đây, các chuyên gia phân tích đã đưa ra một vài góc nhìn để "đón sóng" KQKD trong quý 1.
Lợi nhuận toàn thị trường ước giảm 7,1% trong quý 1
Theo ước tính của chuyên gia VDSC, tính đến thời điểm hiện tại, lợi nhuận toàn thị trường trong quý 1 ước tính giảm 7,1% so với cùng kỳ, cải thiện hơn so với mức giảm 32,5% trong quý 4/2022. Tuy nhiên, nếu loại trừ lợi nhuận của ngân hàng thì lợi nhuận toàn thị trường giảm 18,7% trong quý 1.
Ngành BĐS, xây dựng và KCN gây bất ngờ khi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý 1 cao nhất với 57,6% so với cùng kỳ. Nhóm này cũng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu lợi nhuận toàn thị trường khi chiếm 14,8%.
Kết quả tích cực của nhóm BĐS, Xây dựng và KCN giúp bức tranh lợi nhuận chung của toàn thị trường bớt xấu hơn. Tuy nhiên, mức tăng cao đột biến của nhóm này chủ yếu nhờ KQKD tích cực của VHM, nếu loại trừ VHM thì nhóm ngành này sẽ giảm khoảng 70% so với cùng kỳ.
Ngành ngân hàng đứng thứ hai về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1, ước tính duy trì mức tăng trưởng dương là 9,9%. Với mức tỷ trọng cao số 1, chiếm 56% tổng lợi nhuận toàn thị trường, chuyên gia VDSC cho rằng biến động lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ dẫn dắt đà tăng/giảm lợi nhuận trên toàn thị trường.
Tuy nhiên, LNST các ngân hàng trong quý 1 đã tăng trưởng chậm lại so với trước đó. Mức tăng trưởng dương chủ yếu nhờ nhiều ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng, NIM duy trì ổn định.
Các nhóm ngành còn lại đều cho thấy mức suy giảm của lợi nhuận. Đặc biệt, những nhóm ngành có mức nền cao trong Quý 1/2022 như thép, bán lẻ, chứng khoán, thuỷ sản, dệt may hầu hết đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm trong quý này.
Về lợi nhuận toàn thị trường năm 2023, chuyên gia VDSC dự phóng tăng 1,8% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngân hàng năm 2023 ước tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, chuyên gia VDSC đánh giá triển vọng ngành ngân hàng không quá hấp dẫn, song vẫn còn nhiều kỳ vọng tích cực. Hai động lực nhu cầu cho vay và khả năng cho vay đang kém tích cực, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Tuy nhiên, sau Thông tư 02 với việc giảm hệ số rủi ro với cho vay BĐS, giải quyết nhu cầu và khả năng cho vay của ngân hàng thì triển vọng đã có phần tích cực hơn.
Với nhóm BĐS, lãi suất neo cao tác động đến nhu cầu mua bất động sản, mặt khác doanh nghiệp BĐS đang chật vật để giải toả nút thắt pháp lý. Chuyên gia dự báo thị trường BĐS vẫn gặp khó khăn trong quý 2 và quý 3. Đà phục hồi có thể bắt đầu từ cuối quý 3/2023.
Định giá thị trường không còn quá hấp dẫn sau mùa báo cáo
Sau khi KQKQ công bố đầy đủ, chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ xảy ra một đợt tái định giá. Bởi khi lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng âm sẽ kéo theo P/E thị trường tăng lên. Định giá P/E của VN-Index đang loanh quanh mốc 11,8 lần (25/4) - tương đối thấp so với trung bình 10 năm qua, nhưng đã tăng lên đáng kể so với thời điểm tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, kịch bản cơ sở cho tăng trưởng lợi nhuận Q1/2023 của VDSC cho thấy định giá P/E của VN-Index có thể tăng nhẹ, song mức tăng này có thể cao hơn P/E trung bình từ năm 2010 đến nay khi mùa báo cáo tài chính kết thúc.
Do đó, chuyên gia nhận định mức định giá thị trường không quá hấp dẫn so với giai đoạn trước đó. Định giá thị trường thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào KQKD các nhóm ngành, đặc biệt là triển vọng của nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.
Về cơ hội đầu tư năm 2023, chuyên gia cho rằng để lựa chọn ngành đầu tư rất khó vì hầu hết các nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hoá giữa các doanh nghiệp trong từng nhóm ngành. Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có câu chuyện riêng, tăng trưởng lợi nhuận cao, mặt bằng giá hấp dẫn, doanh thu không phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu vì nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.