Tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 56.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay duy trì ở mức 57.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu không có biến động: tại Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu ở mức 58.000 đồng/kg; tại Vũng Tàu, giá tiêu mới nhất hôm nay dao động quanh mốc 59.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới niêm yết mức giá giảm với giá tiêu Indonesia và Brazil: tiêu đen Lampung giảm 24 USD/tấn xuống còn 3.653 USD/tấn; tiêu đen Brazil ASTA 570 giảm 125 USD/tấn xuống còn 2.475 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok của Indonesia ở mức 5.912USD/tấn, giảm 40 USD/tấn.
Tại các quốc gia còn lại, giá tiêu duy trì ổn định: tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.600 USD/tấn, tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA ở mức 5.100 USD/tấn, tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 10/2022 ước đạt 15 nghìn tấn, giá trị đạt 58 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 10 tháng năm 2022 đạt 190 nghìn tấn và 829 triệu USD, giảm 17,4% về khối lượng nhưng tăng 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2022 ước đạt 4.372 USD/tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 là Hoa Kỳ, Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất và Ấn Độ, với 41,7% thị phần. Thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất là Nhật Bản với mức tăng lên tới 98,8%.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu giảm mạnh nhất là Pakistan với mức giảm 55,6%.
Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu tiêu cho thấy sự khởi sắc, tuy nhiên chưa được như kỳ vọng. Ngoài ra, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn.
Các dự báo đều chỉ ra, nhu cầu hồ tiêu sẽ giảm mạnh vào quý đầu tiên của năm 2023 với mùa Đông đặc biệt khó khăn ở khu vực châu Âu, do cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra. Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam ra thị trường, do đó báo hiệu bức tranh không mấy sôi động.