Nhiều DN quá lãng phí khi chưa hiểu nhưng chạy theo công nghệ: 80% DN đầu tư giải pháp nhưng chỉ dùng 20% module thật sự cần thiết

Bảo An | 13:17 02/03/2023

“Nhiều DN có tham vọng đầu tư toàn bộ các giải pháp tiếp thị, bán hàng (All-in-One). Thực tế, có khoảng 80% DN đầu tư giải pháp phần mềm nhưng chỉ sử dụng khoảng 20% module thật sự cần thiết, gây nhiều lãng phí”, chia sẻ của ông Alfred Choy, Trưởng bộ phận quan hệ đối tác mParticle khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Nhiều DN quá lãng phí khi chưa hiểu nhưng chạy theo công nghệ: 80% DN đầu tư giải pháp nhưng chỉ dùng 20% module thật sự cần thiết

Kết quả khảo sát nhu cầu của hơn 9.000 người tiêu dùng trên 26 quốc gia (bao gồm Việt Nam) của PwC vào tháng 12/2021 ghi nhận, có tới 41% người tiêu dùng toàn cầu đã tăng cường mua sắm trực tuyến qua thiết bị điện tử thay vì trực tiếp tại cửa hàng, tỷ lệ này là 69% tại Việt Nam. Và trong tương lai, họ tiết lộ mong muốn mua sắm trực tuyến nhiều hơn (tỷ lệ lên đến 50%).

Trong năm 2022, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Trong đó, có 73% cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử, và 59% cho biết họ đã từng đặt hàng hoặc mua sắm trên các website.

Một báo cáo khác của Google, Temasek và Bain, kinh tế Internet của Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, đây là mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) hành động để có chiến lược thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mình trong thời đại mới.

Thực tế, các thương hiệu theo thống kê cũng liên tục tìm kiếm những công cụ và giải pháp về công nghệ tiếp thị (Marketing Technology) thời gian qua.

Điều này là cần thiết để có thể theo dõi, giải mã dữ liệu khách hàng, phân tích khuynh hướng hành vi online, hành trình mua sắm của họ… từ đó tiếp cận khách hàng tại những điểm chạm chủ chốt để tạo ra trải nghiệm mua hàng tốt nhất.

Tuy  nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy!

Nhiều DN đã quá lãng phí khi không hiểu giải pháp mà cứ chạy theo công nghệ

“Nhiều DN có tham vọng đầu tư toàn bộ các giải pháp tiếp thị, bán hàng (All-in-One). Thực tế, có khoảng 80% DN đầu tư giải pháp phần mềm nhưng chỉ sử dụng khoảng 20% module thật sự cần thiết, gây nhiều lãng phí”, chia sẻ gây chú ý của ông Alfred Choy, Trưởng bộ phận quan hệ đối tác mParticle khu vực châu Á Thái Bình Dương nói tại hội thảo “MarTech 2023: Data Solution Summit” mới đây.

Theo vị này, hiện có hai nhóm DN chính: (i) Một là chưa hiểu gì về giải pháp, chạy đua đầu tư công nghệ; (ii) hai là nhóm có thể thu thập loạt các yêu cầu từ các công ty cung cấp giải pháp, tư vấn nào đó và cũng muốn tìm kiếm giải pháp vượt trội hơn có đầy đủ tất cả.

Hai nhóm này gần như chưa hiểu rõ yêu cầu của mình, chưa có đội ngũ tư vấn có tâm và đủ tầm.

Bổ sung, ông Nguyễn Hà Đức Minh, Sáng lập viên kiêm CEO Lava Digital Group nhấn mạnh: “Nhiều DN đã quá lãng phí khi không hiểu giải pháp mà cứ chạy theo công nghệ. Họ đưa ra rất nhiều các yêu cầu nhưng không biết cái nào quan trọng, cái nào nên làm trước, cái nào làm sau và cả việc kết nối các hệ thống module khác trong tương lai”.

Vấn đề đặt ra lúc này, đầu tư công nghệ tiếp thị (Martech) như thế nào để phù hợp và tối ưu?

Trả lời, ông Nguyễn Minh Long - CEO của AKA Digital (thành viên của Lava Digital Group) – khẳng định cần thiết phải thiết lập một hệ sinh thái cung cấp giải pháp dữ liệu khách hàng toàn diện đầu tiên ở Việt Nam. Thông qua đó, có thể giúp DN có được lựa chọn tối ưu cho bài toán đầu tư công nghệ tiếp thị (cụ thể là nền tảng dữ liệu khách hàng) hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Những lợi ích của hệ sinh thái theo các chuyên gia, chi tiết gồm:

Thứ nhất, nhu cầu của nhiều DN là luôn tìm kiếm một giải pháp trọn gói, nên thay vì hoạt động riêng lẻ như là một nền tảng độc lập khiến DN phải thực hiện quá trình làm việc one-by-one (với từng bên một). Thì việc cộng tác trong một hệ sinh thái giúp DN tiếp cận được cùng một lúc nhiều giải pháp về dữ liệu khách hàng, và chọn ra cho mình một hoặc những giải pháp phù hợp nhất (best-of-breed).

Thứ hai, kết hợp với kinh nghiệm và chuyên môn tư vấn giải pháp về dữ liệu cùng sự thấu hiểu rõ về thị trường, giúp đưa ra một hướng đi chính xác.

Cuối cùng, khi chuyển đổi số đang dần là xu hướng nhưng hiểu biết về quá trình thực hiện chuyển đổi số và làm sao để áp dụng nó một cách hiệu quả của một số DN tại Việt Nam còn hạn chế, thì hệ sinh thái có thể hỗ trợ giáo dục (educate) thị trường, giúp thay đổi nhận thức về dữ liệu.

Không phải cứ ứng dụng công nghệ là sẽ đem lại hiệu quả thành công tức thì

Tất nhiên, không phải cứ ứng dụng công nghệ vào quy trình tiếp thị bán hàng là sẽ đem lại hiệu quả thành công tức thì, đặc biệt với nhóm SMEs (các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Khi mà ngân sách và hiểu biết còn hạn chế thì đầu tư không hiệu quả và lãng phí là rất dễ xảy ra.

Với nhóm này, chuyên gia kiến nghị các SMEs cần hiểu rõ được tại sao mình cần phải dấn thân vào thế giới của dữ liệu khách hàng, hình dung rõ bức tranh của DN trong 5 năm tới, và vấn đề quan trọng nhất đang cần phải giải quyết là gì?

Lời khuyên lúc này SMEs cần hiểu cái nào nên làm trước, cái nào nên làm sau, tiếp cận bước đầu đơn giản, đi từ nền tảng, thử nghiệm và triển khai những module cơ bản trước. Sau đó ghép nối chúng lại với nhau thành một bức tranh tổng thể, và việc lựa chọn phát triển giải pháp tiếp theo sẽ rõ ràng hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhiều DN quá lãng phí khi chưa hiểu nhưng chạy theo công nghệ: 80% DN đầu tư giải pháp nhưng chỉ dùng 20% module thật sự cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO