Các nhà phân tích cho biết những lo ngại rằng quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc đang mất đà cũng gây áp lực lên đồng nhân dân tệ.
"Sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc cho đến nay yếu hơn dự kiến. Điều này có thể khiến dòng vốn đầu tư ngắn hạn chảy khỏi thị trường này", Wang Tao, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng UBS phụ trách mảng thị trường Trung Quốc cho biết.
Trên thị trường nội địa, đồng nhân dân tệ giao ngay phiên thứ Năm (8/6) có lúc chạm 7,1425 CNY/USD, mức yếu nhất kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2022. Kết thúc phiên, nhân dân tệ hồi phục nhẹ, nhưng vẫn giảm 52 pip so với phiên liền trước, chốt ở 7,1392 CNY.
Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ cũng chạm mức thấp nhất 6 tháng, là 7,1552 CNH/USD, trước khi kết thúc phiên ở mức 7,1514 CNH.
Đồng nhân dân tệ đã mất giá hơn 5% so với đồng đô la Mỹ so với hồi đầu năm.
Tỷ giá nhân dân tệ.Các nhà phân tích cho rằng đồng nhân dân tệ có thể sẽ còn tiếp tục suy yếu hơn nữa trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về sự phục hồi khó khăn sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chuyên gia kinh tế Wang Tao của UBS cho biết hiện bà dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ giao dịch trong khoảng 6,9-7,0 nhân dân tệ đổi một đô la vào cuối năm 2023, yếu hơn so với dự đoán trước đó của bà là 6,8 nhân dân tệ đổi một đô la.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc đáng thất vọng, chênh lệch lợi suất với Mỹ ngày càng lớn, các khoản thanh toán cổ tức của công ty sắp đến kỳ và dòng vốn tiếp tục chảy ra ngoài thông qua việc nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc đã cùng lúc kết hợp đẩy đồng nhân dân tệ nhiều lần chạm đáy 6 tháng trong những phiên gần đây.
Theo các nhà giao dịch, lợi tức trái phiếu kho bạc của Mỹ cao hơn so với Trung Quốc chắc chắn đã gây áp lực lên đồng nhân dân tệ, đồng thời lưu ý rằng những người tham gia thị trường sẽ cảnh giác với bất kỳ biện pháp chính thức nào từ phía Trung Quốc có thể tác động ngăn chặn sự suy yếu của đồng nhân dân tệ.
Đầu tuần này, một số nguồn đưa tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu các ngân hàng lớn hạ lãi suất tiền gửi bằng đồng USD, một động thái nhằm vực dậy đồng Nhân dân tệ đang suy yếu.
Đồng thời, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, giới chức Trung Quốc đã đề nghị các ngân hàng lớn nhất nước này giảm lãi suất huy động lần thứ hai trong chưa đầy một năm, để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, các ngân hàng quốc doanh lớn trong đó bao gồm Bank of China, ICBC… đã được yêu cầu điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ít nhất 0,05 điểm %, giảm lãi suất với tiền gửi kỳ hạn 3 - 5 năm ít nhất 0,1 điểm %. Việc giảm lãi suất tiền gửi, sẽ kéo theo việc hạ lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn, thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao về Châu Á Thái Bình Dương của Natixis, cho biết: “Đồng nhân dân tệ bị ảnh hưởng khi câu chuyện mở cửa trở lại của Trung Quốc kém hấp dẫn hơn trước và chưa thấy dấu hiệu kích thích nào nữa”. "Đồng nội tệ yếu vào thời điểm hiện tại có thể giúp tăng hiệu suất xuất khẩu, đặc biệt là khi thương mại toàn cầu đang bị thu hẹp trong năm nay."
Xuất khẩu là một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong vài năm qua nhưng các đơn đặt hàng mới đã giảm trong những tháng gần đây giữa bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm.
Thông tin từ Reuters cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây đã hỏi các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và ngân hàng nước này về chiến lược tiền tệ của họ và việc đồng nhân dân tệ suy yếu có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ như thế nào?
Để chắc chắn, ngân hàng trung ương có nhiều công cụ chính sách để ngăn chặn chuyển động tiền tệ dư thừa. PBOC tháng trước cho biết sẽ kiên quyết kiềm chế những biến động lớn của tỷ giá hối đoái và nghiên cứu tăng cường tự điều tiết tiền gửi bằng USD.
“Kỳ vọng của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và người dân về tỷ giá hối đoái nhìn chung ổn định là cơ sở vững chắc và đảm bảo mạnh mẽ cho sự vận hành thông suốt của thị trường ngoại hối”, PBOC cho biết trong một thông cáo.
Alvin Tan, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối châu Á của RBC Capital Markets, cho biết: “PBOC về cơ bản có vẻ hài lòng với việc để đồng đô la Mỹ tăng giá giúp tỷ giá USD/CNY tăng cao hơn, trong bối cảnh đà tăng trưởng của Trung Quốc đang mờ dần”.
“Các quan chức Trung Quốc sẽ không can thiệp trừ khi đồng nhân dân tệ giao ngay suy yếu nhanh chóng đến mức 7,2 CNY,” Serena Zhou, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc của Mizuho Securities, cho biết.
“Suy cho cùng, tiền tệ giảm giá là một hình thức nới lỏng tiền tệ,” ông Tan nói, đồng thời giữ nguyên dự báo của ông về đồng nhân dân tệ sẽ giao dịch ở mức 7,1 CNY vào cuối quý 3 trước khi kết thúc năm ở mức 7,05 CNY.
Tommy Wu, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc của Commerzbank, cũng cho biết ngân hàng trung ương Trung Quốc "dường như chấp nhận đồng nhân dân tệ yếu hơn", lưu ý rằng tỷ lệ hướng dẫn trung bình chính thức hàng ngày của đồng nhân dân tệ gần đây đều phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và nhà phân tích không cho rằng nhân dân tệ sẽ giảm quá mạnh. Kết quả thăm dò mới đây của Reuters cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đều cho biết họ không dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu qua ngưỡng 7,3 CNY trong năm nay - mức thấp nhất chạm tới vào năm 2022 do các biện pháp kiềm chế chống COVID-19 nghiêm ngặt đã tác động xấu đến nền kinh tế.
Lemon Zhang, chiến lược gia ngoại hối của Barclays cho biết: “Đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu khi họ chuyển đổi các khoản phải thu bằng đồng đô la sang nhân dân tệ. "Tuy nhiên, kỳ vọng về một đồng tiền yếu trong tương lai sẽ không giúp ích cho dòng vốn, vì các nhà đầu tư lo ngại về tổn thất ngoại hối khi họ xem xét các tài sản bằng đồng nhân dân tệ."
Một đồng nhân dân tệ yếu hơn cũng có thể làm giảm áp lực giảm phát ở các bộ phận của nền kinh tế do nhu cầu trong nước yếu.
Tham khảo: Reuters