Nhà sản xuất thứ 2 thế giới ‘nhường sân’, dầu Nga lên ngôi tại châu Á: Xuất khẩu tăng nóng trong nửa đầu năm, bán cao hơn cả giá trần

Như Quỳnh | 10:54 08/07/2024

Nga và UAE hiện là 2 quốc gia hưởng lợi nhất trên thị trường xuất khẩu dầu.

Nhà sản xuất thứ 2 thế giới ‘nhường sân’, dầu Nga lên ngôi tại châu Á: Xuất khẩu tăng nóng trong nửa đầu năm, bán cao hơn cả giá trần
Ảnh minh họa

Theo phân tích của Oilprice, quyết định hạn chế sản xuất dầu thô của Saudi Arabia đã mang lại lợi ích to lớn cho Nga và UAE.

Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, làm giảm đi sức nóng của dầu thô quốc gia này từ đợt tăng giá năng lượng gần đây. Saudi đã xuất khẩu khoảng 5,6 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 6, chỉ nhiều hơn 250.000 thùng/ngày so với mức thấp kỷ lục trong giai đoạn dịch Covid-19 khi nhu cầu đi lại và giá dầu đều ảm đạm.

Saudi Arabia là nhân tố chính thúc đẩy liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga, được gọi là OPEC+ nhằm cắt giảm sản lượng dầu. Nhờ đó Nga và UAE đã được hưởng lợi từ sự cắt giảm sản lượng của quốc gia Trung Đông.

Tại cuộc họp của OPEC+ vào tháng 5, UAE đã được cấp một ngoại lệ đặc biệt để tăng sản lượng lên thêm 300.000 thùng/ngày vào năm 2025. Trong khi đó sau khi nhận các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga đã thâm nhập vào các thị trường dầu mỏ truyền thống của Saudi tại khu vực châu Á.

Bộ Tài chính Nga ngày 3/7 cho biết trong nửa đầu năm, số tiền ngân sách có được từ bán dầu khí của quốc gia này tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5.698 tỷ ruble (65,1 tỷ USD). Nguyên nhân chủ yếu là giá dầu tăng và đồng ruble yếu đi.

Nửa đầu năm, giá dầu Urals của Nga đạt trung bình 69,1 USD/thùng, cao hơn mức trần xuất khẩu 60 USD/thùng do phương Tây áp đặt và tăng so với mức 52,5 USD/thùng của cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 4, Trung Quốc đã mua 48% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga, tiếp theo là Ấn Độ với 35%.

Saudi Arabia là nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới và có năng lực công nghiệp để tăng sản lượng nhanh chóng, bất kỳ động thái nào cũng có thể gây chấn động thị trường. Điều an ủi duy nhất đối với Vương quốc là giá dầu thô Brent tăng hơn 10% trong tháng 6 và được giao dịch ở mức 87,84 USD/thùng vào phiên giao dịch ngày 5/7. Tuy nhiên, IMF ước tính rằng Saudi Arabia cần dầu ở mức 96,20 USD để cân bằng ngân sách năm 2024.

Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi đang giám sát các cải cách kinh tế và xã hội nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của vương quốc. Để thực hiện được kế hoạch này, vương quốc sẽ cần đến doanh thu từ dầu mỏ để thực hiện các khoản đầu tư. Với sự chậm trễ của đầu tư nước ngoài, vương quốc này đã phải thu hẹp quy mô Neom, một dự án siêu đô thị trị giá 1,5 nghìn tỷ USD mà các nhà tổ chức tuyên bố cuối cùng sẽ có quy mô gấp 33 lần Thành phố New York và bao gồm một thành phố có đường thẳng dài 170km.

Thay vì 1,5 triệu người sống ở thành phố vào năm 2030, các quan chức Saudi hiện dự đoán sẽ có ít hơn 300.000 cư dân. Trong khi đó, chỉ có 2,4 km trong tổng số 170 km của thành phố được hoàn thành vào năm 2030.

Theo Oilprice


(0) Bình luận
Nhà sản xuất thứ 2 thế giới ‘nhường sân’, dầu Nga lên ngôi tại châu Á: Xuất khẩu tăng nóng trong nửa đầu năm, bán cao hơn cả giá trần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO