Người đàn ông âm thầm "gánh nợ" cho cả đội bóng, 13 năm sau bỗng nhận cái kết huy hoàng khi lần đầu dự khán: Hóa ra là trùm siêu kín tiếng ở xứ sở dầu mỏ

Phương Mộc | 11:04 13/06/2023

Không chỉ “rót tiền” một cách vô ích, vị tỷ phú sắc sảo này đã chứng minh, những đầu tư của mình là hoàn toàn xứng đáng khi Man City thành công thực hiện cú “ăn 3” lịch sử.

Người đàn ông âm thầm "gánh nợ" cho cả đội bóng, 13 năm sau bỗng nhận cái kết huy hoàng khi lần đầu dự khán: Hóa ra là trùm siêu kín tiếng ở xứ sở dầu mỏ

‏Mới đây, tại chung kết Champions League rạng sáng 11/6, Man City đánh bại Inter 1-0 để giành danh hiệu Champions League đầu tiên trong lịch sử CLB. ‏

‏Điều này cũng góp phần giúp nửa xanh thành Manchester tiến nhanh hơn để trở thành đội bóng vĩ đại trong lịch sử, sau khi thực hiện cú ăn 3 đầy ấn tượng: Lên ngôi tại Premier League, Champions League và cả FA Cup. Hiện tại, không quá khi nói Man City đã trở thành CLB hàng đầu nước Anh.‏

‏Man City lần đầu tiên vô địch cúp C1 châu Âu. Ảnh: The Sun‏

‏Để đạt được thành tích này, không thể không kể đến công lao to lớn của ông trùm tỷ phú Sheikh Mansour. ‏

‏Năm 2008, khi Mansour mua lại Man City với giá hơn 200 triệu USD, đội bóng này còn đang gánh khoản nợ không hề nhỏ. 15 năm sau đó, với túi tiền khổng lồ của vị doanh nhân UAE, Man City đã trở thành "gã nhà giàu nước Anh" và lột xác hoàn toàn. ‏

‏Chủ tịch Man City - Khaldoon - nói về Mansour như sau: "Hoàng thân Mansour là một doanh nhân sắc sảo. Ông ấy có thể tạo ra giá trị từ bóng đá theo cách chưa ai làm được". ‏

‏Kết quả cuối cùng cũng đến. Trong trận chung kết Champions League ngày 11/6, chủ sở hữu của Man City đã tận tay tận hưởng "trái ngọt" của mình. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu ông trực tiếp dự khán một trận đấu sau 13 năm. ‏

‏Ông Mansour có mặt trong thời khắc trọng đại nhất, chứng kiến Man City giành cú ăn ba lịch sử. Ảnh: UEFA‏

‏Trước đây, vị tỷ phú này thường xuyên xem Man City từ UAE nhưng chưa có lần nào dự khán một trận đấu của đội nhà ở Premier League. Chỉ duy nhất năm 2010, ông từng đến sân Etihad (lúc đó có tên là City of Manchester) để xem trận đấu giữa Man City và Liverpool. Kể từ đó, ông hiếm khi xuất hiện. ‏

‏Ông Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahayan từng góp mặt trong danh sách những tỷ phú giàu mới nổi của Forbes thời điểm rót vốn vào Manchester, tức năm 2008. Là nhà đầu tư chính của Man City, nhưng Sheikh Mansour rất ít khi lộ mặt. Vị này thậm chí không giữ chức vụ trong ban điều hành Man City‏

‏Thế giới biết đến dòng họ Al Nahayan là một trong những gia đình hoàng gia giàu có bậc nhất thế giới. Sheikh Mansour là người con thứ 5, có tên trong danh sách kế thừa khối tài sản lên tới nghìn tỷ USD của Hoàng gia Abu Dhabi - đế chế hùng mạnh thuộc Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). ‏

‏Giá trị tài sản ròng của gia đình hoàng gia này hiện vào khoảng 150 tỷ USD, nhưng Bloomberg cho rằng, đây chỉ là ước tính khối tài sản cá nhân, còn việc xác định tổng tài sản chính xác của gia đình Hoàng gia Al Nahyan gần như là không thể. Nguyên nhân là bên cạnh khối tài sản cá nhân trị giá 300 tỷ USD, Hoàng gia Abu Dhabi còn nắm quyền quản lý 1.200 tỷ USD tài sản quốc gia mà chưa tính đến trữ lượng dầu mỏ.‏

‏Mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào đầu năm nay, ông Sheikh Mansour đóng một vai trò không thể thiếu trong cả bộ máy. ‏

‏Ông Sheikh Mansour trở thành Phó Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ảnh: The Sun‏

‏Sheikh Mansour được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề của Tổng thống vào năm 2004. Năm 2006, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Phát triển cấp Bộ trưởng và Cơ quan Đầu tư Emirates vào năm 2007. Ông cũng là Chủ tịch của Quỹ Phát triển Abu Dhabi, thành viên của Hội đồng Dầu mỏ Tối cao Abu Dhabi và nằm trong hội đồng quản trị của nhiều tổ chức đầu tư.‏

‏Vào tháng 5 năm 2009, với việc thành lập Nội các mới, Sheikh Mansour bin Zayed được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, vị trí mà ông giữ hơn chục năm, trước khi trở thành Phó Tổng thống như hiện nay.‏

‏Cơ duyên đến với bóng đá nước Anh của Sheikh Mansour có lẽ xuất phát từ những năm tháng theo học Trung học Santa Barbara như một sinh viên bản địa vào năm 1989. Để rồi, tháng 9/2008, Sheikh Mansour gây sửng sốt cho làng túc cầu cũng như giới đầu tư, khi bỏ ra 200 triệu USD để mua đứt đội bóng hạng hai ở Premier League là Manchester City.‏

‏Sau khi mua lại Man City, Sheikh Mansour đã biến một câu lạc bộ đang gặp nhiều khó khăn tài chính trở thành "gã nhà giàu của nước Anh", khi chi tới hàng tỷ USD cho những phi vụ chuyển nhượng cầu thủ đắt đỏ nhất. Trước đó, để chiêu mộ "sao mai" Sterling từ Liverpool, đội bóng này sẵn sàng bỏ ra tới 49 triệu USD - một con số quá lớn trên thị trường chuyển nhượng thời điểm bấy giờ. ‏

‏Bên cạnh Man City, Hoàng tử cũng thành lập công ty City Football Group (CFG) vào năm 2013, thâu tóm hàng loạt các CLB bóng đá khác trên thế giới, gồm New York City (Mỹ), Mumbai City FC (Ấn Độ), Melbourne City FC (Úc) và Montevideo City Torque (Uruguay), theo Daily Star.‏

‏Ngoài bóng đá, tỷ phú Sheikh Mansour còn đầu tư vào ngành tài chính, ngân hàng, dầu khí và ô tô. Ông sở hữu 32% cổ phần tại Công ty Virgin Galactic, với giá trị ước tính 280 triệu USD, đồng thời nắm 15% cổ phần của Tập đoàn Daimler - công ty mẹ của hãng xe Mercedes - Benz danh tiếng.‏

‏Ông trùm cũng dành sự chú ý đến đua xe Công thức 1 (Formula One). Ông từng chi 128 triệu USD để mua 5% cổ phần Ferrari và giúp xây dựng chặng đua Abu Dhabi Grand Prix. Bản thân ông sở hữu rất nhiều siêu xe, có thể kể đến là 5 chiếc Bugatti Veyron, một chiếc Porsche 911 GT1, và các cái tên quen thuộc như Mercedes SLR-McLaren, Lamborghini Reventon và Ferrari Enzo.‏

‏Siêu du thuyền Topaz lớn thứ 5 thế giới cũng thuộc sở hữu của Sheikh Mansour. Tài sản xa xỉ này trị giá hơn 500 triệu USD, dài 146 mét, được thiết kế với 8 tầng, 2 bãi đáp trực thăng, 3 bể bơi, một phòng gym và thậm chí là cả phòng chiếu phim.‏

‏Siêu du thuyền Topaz. Ảnh: Luxury Launches‏

‏Sheikh Mansour cũng có rất nhiều bất động sản, khách sạn và cung điện tại đất nước Trung Đông. Năm 2016, hoàng tử chi 60 triệu USD để mua căn biệt thự rộng 8.000 hecta ở Tây Ban Nha. Ông cải tạo lại thành biệt thự với đầy đủ tiện nghi được đặt tên là Los Quintos de San Martin.‏

‏Hoàng thân cũng thường lui tới khách sạn 7 sao Emirates Palace thuộc sở hữu của hoàng gia. Khách sạn 7 sao này hoàn thành năm 2005, do ông bỏ vốn. Khách sạn có 394 phòng, 92 phòng suite và 22 phòng sang trọng bậc nhất, được trang trí bằng vàng và đá cẩm thạch.‏

‏Khách sạn 7 sao Emirates Palace. Ảnh: SPORTbible‏

‏*Nguồn: The Sun, Forbes, Khaleej Times… ‏


(0) Bình luận
Người đàn ông âm thầm "gánh nợ" cho cả đội bóng, 13 năm sau bỗng nhận cái kết huy hoàng khi lần đầu dự khán: Hóa ra là trùm siêu kín tiếng ở xứ sở dầu mỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO