Nghề siêu khó phục vụ giới tinh hoa: Lương khởi điểm trên 1 tỷ đồng nhưng khổ luyện như ‘đi tu’, biết mọi thứ từ nấu ăn cho đến an minh mạng

Thiên Di | 23:53 29/04/2023

Tại Anh, có cả một học viện hơn 100 năm đào tạo ra nhân lực phục vụ các gia đình quyền lực và giàu có. Nhưng đằng sau công việc này là cả một sự “hy sinh” lớn lao.

Nghề siêu khó phục vụ giới tinh hoa: Lương khởi điểm trên 1 tỷ đồng nhưng khổ luyện như ‘đi tu’, biết mọi thứ từ nấu ăn cho đến an minh mạng
Nguồn: Sophia Martineck

Học viện đào tạo bảo mẫu uy tín nhất thế giới

Tại hạt Berkshire của nước Anh, học viện Norland College được công nhận là cơ sở đào tạo bảo mẫu chất lượng và uy tín nhất thế giới. Đây là nơi lý tưởng để sinh viên tìm kiếm công việc tiếp xúc với giới quyền lực và siêu giàu. Ngoài ra, cũng có những người lao động mong muốn con cái của họ được chăm sóc cẩn thận để sau này trở thành người giàu có và quyền thế.

Bà María Teresa Turrión Borrallo đến học viện Norland vào năm 1989. Tại buổi lễ chào đón nhập trường, trên tay cầm ngọn nến, bà đã ký vào một bản quy tắc ứng xử chung trong học viện với yêu cầu không làm điều gì tổn hại đến danh dự của bản thân cũng như của tập thể. Từ đó, Borrallo trở thành một thành viên của Norland.

Hình minh hoạ đồng phục của học viện. Nguồn: Sophia Martineck

Chương trình giảng dạy tại học viện Norland hứa hẹn sẽ dạy cho các bảo mẫu tương lai từ cách ru trẻ ngủ, cách giúp người mẹ cai sữa cho đến cách may vá cùng nhiều vấn đề khác khi làm việc cho các gia đình giàu có hoặc quý tộc.

Tất nhiên, cuộc sống của bảo mẫu tại các gia đình này sẽ không dễ dàng và nhiều khi quyền tự do bị hạn chế. Các bảo mẫu ở Norland sẽ “sống chung” với chủ. Bạn trai của họ sẽ không được đến chơi khuya. Họ không được phép say xỉn, không được đi chơi tối. Một bảo mẫu từng ví công việc này không khác gì… đi tu. Ngoài ra, công việc bảo mẫu còn có nhiều áp lực về tâm lý, đặc biệt là mối quan hệ giữa bảo mẫu và đứa trẻ, vấn đề tiền lương, chế độ nô lệ…

Hình minh hoạ. Nguồn: Sophia Martineck.

Thành lập năm 1892, học viện Norland là đứa con tinh thần của nhà giáo dục Emily Ward. Bà đã nhìn thấy được nhu cầu cần người chăm sóc trẻ ở tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ. Vì thế, bà đã nghĩ đến ý tưởng thành lập học viện đào tạo những người giúp việc giỏi giang để có thể khiến các bậc phụ huynh yên tâm giao con cái cho họ.

Chuyển mình cùng thời thế

30 năm sau khi tốt nghiệp, giờ người ta có thể thấy bà Borrallo xuất hiện trong nhiều bức ảnh gia đình hoàng gia. Bà chính là người chăm sóc Hoàng tử George và anh chị của ông, Công chúa Charlotte, Hoàng tử Louis. Bà Borrallo còn làm việc cho Hoàng tử William và gia đình ông từ năm 2014. Bà được các sinh viên hiện tại của học viện gọi là “Bảo mẫu của Hoàng gia”.

Học viện Norland vốn có truyền thống đào tạo bảo mẫu cho tầng lớp quý tộc, đặc biệt là các gia đình hoàng gia từ Serbia, Tây Ban Nha cho đến Nga. Vào thời điểm bà Borrallo đến học viện, hầu như ai tốt nghiệp cũng có việc làm. Còn ngày nay, sinh viên tốt nghiệp tại Norland có mức lương khởi điểm khoảng 40.000 bảng Anh và có thể tăng nhanh chóng lên hơn 100.000 bảng Anh.

Hình minh hoạ. Nguồn: Sophia Martineck.

Tháng 9/2022, học viện Norland tuyển 102 học viên nữ và 2 học viên nam. Họ sẽ mặc đồng phục giống hệt Bảo mẫu Hoàng gia Borrallo (nam sinh có thể mặc quần tây). Nhưng chương trình đào tạo có thể khác so với những năm 1980 để phản ánh nhu cầu của những người giàu luôn thay đổi.

Trong trường, những cô gái trẻ mặc váy áo chỉnh tề, tóc búi gọn gàng. Chắc hẳn họ là những người rất đam mê với nghề nên mới sẵn sàng dành những năm tháng rực rỡ nhất của tuổi trẻ để ăn vận giống những người giúp việc. Việc mặc đồng phục cũng chính là bài kiểm tra đầu tiên.

Khi mặc đồng phục, sinh viên của trường Norland không được sử dụng tai nghe, không mua rượu hoặc gọi điện thoại di động nơi công cộng, trừ trường hợp khẩn cấp. Chỉ một hành động sai như băng qua đường khi đèn đỏ, đỗ xe không đúng quy định hoặc nói to nơi công cộng cũng sẽ bị khiển trách. Để vào được học viện, các sinh viên phải trải qua một đợt phỏng vấn. Học phí tại Norland là 15.000 bảng Anh, còn đối với sinh viên ngoại quốc là 18.000 bảng Anh.

Mỗi ngày, sinh viên của trường Norland sẽ có mặt tại trường trước 9h30. Bên cạnh các kiến thức nền tảng, giáo trình ngày nay còn dạy học viên nấu ăn trên bếp Aga cao cấp (loại bếp phổ biến tại Anh), học về an ninh mạng và tự vệ. Nhưng các sinh viên của trường cũng được dạy cách chấp nhận sự cô đơn như một phần công việc. Thường các bảo mẫu sẽ hy sinh chính cuộc sống riêng tư của mình, ví dụ như cơ hội lập gia đình và có đứa con của riêng mình.

Hình minh hoạ. Nguồn: Sophia Martineck

Trên hết, họ là những người được đào tạo để dành tâm huyết chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ. Người thuê bảo mẫu ngày nay là những người có địa vị hoặc được quyền thừa kế nhiều của cải. Nhưng ban giám hiệu của trường khẳng định có tiền thôi chưa đủ.

Trường sẽ không để học viên đi làm bảo mẫu cho “Hitler”. Khách hàng có thể là những tỷ phú công nghệ, ngôi sao truyền hình, nữ CEO… Đối tượng khách hàng này sẽ yêu cầu nhiều thứ phức tạp hơn, chẳng hạn như kiến thức cơ bản về các sự kiện trên toàn thế giới, cách dạy trẻ sử dụng mạng xã hội và hướng dẫn chúng vượt qua sự phức tạp của giới tính. Những bảo mẫu trường Norland vừa phải “hiện đại hoá” vừa giữ nét truyền thống cổ điển.

Đây là câu hỏi hóc búa đối với hiệu trưởng đương nhiệm Janet Rose. Bà nói rằng thế giới giờ đã khác. Bảo mẫu không còn chỉ phục vụ cho một đối tượng nhất định trong xã hội. “Chúng tôi cần những sinh viên tốt nghiệp phù hợp với mọi kiểu gia đình”, bà nói.

Tham khảo FT


(0) Bình luận
Nghề siêu khó phục vụ giới tinh hoa: Lương khởi điểm trên 1 tỷ đồng nhưng khổ luyện như ‘đi tu’, biết mọi thứ từ nấu ăn cho đến an minh mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO