Ngày càng khó tìm căn hộ giá rẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Lê Minh Tuấn | 23:43 08/12/2021

Từ năm 2019 đến nay, nguồn cung loại căn hộ tầm giá dưới 1,5 tỷ đồng bị thiếu hụt trên thị trường nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày càng khó tìm căn hộ giá rẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh
Cả Quý 3/2021, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án với 352 căn hộ được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Bước sang năm 2021, phân khúc căn hộ có mức giá khoảng 2 tỷ đồng cũng đang dần khó tìm trên thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước này.

Nhà giá rẻ bị "đẩy" ngày càng xa khu trung tâm

Cách đây một thập niên các chung cư bình dân khá phổ biến với loại căn hộ diện tích nhỏ gồm một phòng ngủ, một vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay mặt bằng giá căn hộ bị đẩy lên, các chủ đầu tư chuộng phân khúc trung - cao cấp nên tổng giá thành căn hộ một phòng ngủ, một vệ sinh ở các dự án mới cũng vượt ngưỡng giá 1,5 tỷ đồng.

Trong một báo cáo tổng hợp của Công ty CP Công nghệ River cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đang còn khoảng 80 chung cư có căn hộ giá dưới 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khách mua sẽ phải chấp nhận khá nhiều điều kiện bất lợi, đầu tiên là ở khá xa trung tâm, căn hộ diện tích nhỏ và đều ở các chung cư cũ, nhà ở xã hội.

Như tại các Quận 2, Quận 9, Thành phố Thủ Đức thuộc khu Đông Thành phố Hồ Chí Minh, với ngân sách dưới 1,5 tỷ đồng có thể tiếp cận được căn hộ ở 23 dự án. Trong đó có 13 dự án phổ biến là căn hộ 33 đến 50 m2 thiết kế một phòng ngủ, một phòng tắm kèm nhà vệ sinh và 10 dự án vẫn còn loại căn hộ 51 m2 trở lên bố trí 2 phòng ngủ một vệ sinh phù hợp với ngân sách dưới 1,5 tỷ đồng.

Tại khu Nam Thành phố, với túi tiền 1,5 tỷ đồng trở xuống có thể mua được căn hộ một phòng ngủ một một vệ sinh tại 4 dự án, trong đó có một dự án nhà ở xã hội, 2 dự án có căn hộ văn phòng diện tích 35 - 45m2, còn lại là chung cư thương mại cũ.

Trong khi đó, tại Quận Gò Vấp hầu như không thể mua được căn hộ 2 phòng vệ sinh với ngân sách này và cũng không còn sản phẩm dưới mức giá 1,5 tỷ đồng.

Theo ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị của thành phố, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động.

Như ở Quận 7 có gần 100.000 nhà trọ cho công nhân thuê, trong đó có phòng trọ chỉ rộng 20 - 30m2 nhưng đến 5 - 6 người ở. Công nhân thuê nhà ở rải rác trong các khu nhà trọ tự phát, không tập trung, dịch bệnh dễ lây nhiễm chéo từ khu dân cư ra công nhân và ngược lại. Khi các doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" để sản xuất trong dịch đã không làm được.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, người nghèo vẫn là đối tượng khó tiếp cận nhà ở nhất. Chính vì vậy, nhiều nước phải thành lập cơ quan nhà ở quốc gia. Việt Nam cũng nên quan tâm đến động lực cho nguồn cung và quan tâm đến nhà cho thuê chứ không chỉ bán. Hơn nữa, cần phải đưa chương trình phát triển nhà ở thương mại giá rẻ vào trong chiến lược phát triển dài hạn.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

“Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng các quỹ đất của thành phố để giãn người lao động ra khỏi các khu nhà ở trọ chưa đủ tiêu chuẩn…”, ông Lê Hoà Bình chia sẻ.

Nguồn cung thiếu kéo giá nhà tăng cao

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá bất động sản tại những khu vực có nhu cầu nhà ở lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận luôn theo chiều hướng lên.

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong thời điểm tháng 7/2021, khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, giao dịch nhà đất đình trệ nhưng giá bán căn hộ vẫn tiếp tục tăng hơn 2% so với tháng 6 trước đó và tăng gần 10% so với cùng kỳ 2020.

Thực tế từ thị trường cũng chỉ ra, giá sơ cấp nhiều dự án triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua luôn trong xu hướng giá bán căn sau cao hơn căn trước. Nguyên nhân là thời gian gần đây ít dự án mới ra hàng, nguồn cung trên thị trường không còn nhiều.

Nếu có căn hộ dự án cũ bán ra thì giá cũng cao ngất ngưởng với mức tăng so với đợt mở bán đầu tiên từ 30-50%, có những dự án tăng giá gấp đôi.

Trong Báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh gửi Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở và thị trường bất động sản Quý 3 năm 2021 cho thấy, nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế, hầu như không có.

Cả Quý 3/2021 chỉ có 1 dự án với 352 căn hộ đủ điều kiện huy động vốn, được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Lý giải về việc dù thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng giá nhà vẫn tăng, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ tăng cao hơn Hà Nội do nguồn cung khan hiếm. Nguồn cung hạn chế hơn giai đoạn trước do có nhiều dự án phải rà soát lại theo quy định của pháp luật, điều kiện pháp lý khiến tiến độ chậm.

Mặt khác, ảnh hưởng của đợt dịch Covid 19 lần thứ 4 nên hầu hết các dự án trên cả nước đều phải tạm dừng xây dựng vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị.

Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.

Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu đầu tư lại tăng cao khiến giá bất động sản không hề có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn tăng.

Nhiều lo ngại giá nhà sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo khiến ước mơ tìm được chỗ ở của nhiều người lao động càng trở nên khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngày càng khó tìm căn hộ giá rẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO