Ngày buồn nhất trong 2 năm qua của hội “chứng sĩ”, tài sản bốc hơi nước mắt tuôn rơi: Đừng suy, đây mới là việc cần làm nhất lúc này!

Ngọc Linh | 19:59 15/04/2024

Chuyên gia chứng khoán nói gì về phiên giảm điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) trong ngày 15/4?

Ngày buồn nhất trong 2 năm qua của hội “chứng sĩ”, tài sản bốc hơi nước mắt tuôn rơi: Đừng suy, đây mới là việc cần làm nhất lúc này!

Sau phiên sáng giằng co giảm nhẹ, mở cửa phiên chiều 15/4, TTCK bất ngờ “đổ đèo”. Đến 14 giờ 30 phút, VN-Index rơi thẳng đứng, giảm từ 11 điểm xuống hơn 57 điểm trong sự “ngỡ ngàng” của các nhà đầu tư (NĐT). Đà giảm duy trì đến kết phiên và VN-Index đã đánh mất gần 60 điểm.

photo-2-1713172510355265506712-17131769436291709867847.png
Sắc đỏ “ám ảnh” các NĐT

Hầu hết các mã cổ phiếu giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 15/4 đều nằm trong top cổ phiếu bluechips. Số lượng cổ phiếu giao dịch chỉ ở mức hơn 1.695 triệu đơn vị nhưng thanh khoản thị trường đã lên đến gần 38.219 tỷ đồng. 

Chúng tôi đã liên hệ với hai Chuyên gia chứng khoán - Chị Kim Liên và anh Gerard Do, để trao đổi nhanh về diễn biến TTCK trong ngày 15/4, cũng như tìm ra lời khuyên “ổn định tâm lý” cho các NĐT đang trong trạng thái ngồi trên đống lửa.

cgck-info.jpg

Diễn biến của TTCK ngày hôm nay (15/4) không phải điều bất ngờ!

Là những người có kinh nghiệm đầu tư trên TTCK, chị Kim Liên và anh Gerard Do đều đồng tình rằng diễn biến của TTCK trong ngày hôm nay không có gì bất ngờ.

“Bối cảnh hiện nay cộng với dấu hiệu từ phiên giảm điểm vào ngày 18/3 cho thấy kịch bản xấu đang được xác nhận. Thực tế chỉ ra thị trường trong 1 tháng vừa qua, từ sau phiên giao dịch ngày 18/3, thanh khoản thị trường liên tục duy trì ở mức yếu so với giai đoạn trước, kể cả những phiên tăng điểm.

Các tin tức vĩ mô cũng liên tục phát đi những tín hiệu căng thẳng, không tích cực, đặc biệt là diễn biến mới về tình hình thế giới cuối tuần vừa qua, nên việc thị trường phản ứng mạnh cũng không quá bất ngờ” - Chị Kim Liên nhận định.

nguyen-kim-lien.jpg
Chuyên gia Nguyễn Kim Liên

“Xét về mặt kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang không có gì bất ổn. Diễn biến của TTCK ngày hôm nay bị tác động chủ yếu bởi các thông tin liên quan tới tình hình thế giới, không phải do biến động của nền kinh tế. 

Những đợt suy giảm của TTCK như ngày hôm nay, thực ra, không phải điều quá hiếm hay quá xa lạ với các NĐT Fn - những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trên TTCK. Ví dụ như trong đợt dịch Covid-19, có một phiên giao dịch mà thị trường giảm hơn 80 điểm trong 1 ngày, toàn bộ 30 công ty trong VN30 nằm sàn hết. 

Nói như vậy để thấy rằng trong quá khứ, việc thị trường rớt điểm thẳng đứng là đã có tiền lệ, không phải hiếm” - Anh Gerard Do chia sẻ.

Lời khuyên dành cho NĐT F0 khi thị trường ngập trong sắc đỏ?

Với những NĐT có nhiều kiến thức và kinh nghiệm dự đoán biến động thị trường như anh Gerard Do hay chị Kim Liên, việc giữ sự bình tĩnh và tỉnh táo khi thị trường đi xuống là hiển nhiên, không quá khó khăn. Nói cách khác, họ chính là những NĐT Fn với “cái đầu lạnh” - Một thái cực hoàn toàn khác với thế hệ F0 non nớt đang ngồi trên đống lửa suốt cả ngày hôm nay.

Câu hỏi đặt ra: F0 nên làm gì lúc này, hay nói rộng hơn là nên làm gì khi thị trường biến động mạnh và đột ngột theo hướng không mấy tích cực?

Với thắc mắc ấy của chúng tôi, anh Gerard Do và chị Kim Liên đã có những lời khuyên như sau.

1 - Phải bình tĩnh để tự mình đưa ra nhận định về thị trường

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, những người đang có tiền nhàn rỗi và chưa bước chân vào thị trường, tôi nghĩ rằng lúc này họ nên giữ tiền.

gerard-do.jpg
Chuyên gia Gerard Do

Còn những người đã mua chứng khoán và đang bị “kẹt hàng”, tôi sẽ phân tích hoàn cảnh này theo 2 hướng sau.

Trường hợp 1: Họ mua chứng khoán bằng tiền nhàn rỗi, không phải tiền đi vay, tôi nghĩ không nên bán tháo.

Trường hợp 2: Họ mua chứng khoán bằng tiền đi vay, khả năng cao là họ đã bị margin call rồi, vì cũng không còn lựa chọn nào khác”.

Anh Gerard Do phân tích, đồng thời nhấn mạnh rằng những gì anh chia sẻ là nhận định cá nhân, vẫn có khả năng sai số.

“TTCK có thể sẽ có những đợt biến động lớn trong ngắn hạn, tùy biến động của tình hình thế giới. Có nhiều yếu tố chưa chắc chắn và không ai có thể khẳng định chắc chắn về một viễn cảnh nào đó sẽ xảy ra. Các NĐT nên tự nhìn nhận, đánh giá mức độ rủi ro của từng hoàn cảnh để đưa ra quyết định hợp lý” - Anh Gerard Do chia sẻ.

2 - Cần chuẩn bị cả tâm lý phòng thủ khi “ra trận”

Chị Kim Liên cho rằng việc giữ tư duy “chỉ tấn công” mà không “phòng thủ” là một trong những sai lầm khiến F0 khó vững tâm lý trong giai đoạn đầu, khi mới bước chân vào TTCK.

“Khi "ra trận", đừng chỉ nghĩ đến các phương án tấn công. Đây là thời điểm cần kế hoạch phòng thủ hơn bao giờ hết. 

Điểm khác biệt của những NĐT chuyên nghiệp là tuân thủ được kỷ luật, từ đó giữ được hiệu quả đầu tư và tạo nên lợi thế lớn khi bước sang chu kỳ tiếp theo. Trong khi đó các NĐT nghiệp dư thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc chán nản, chỉ cần "buông bỏ" 1-2 phiên quan trọng như thế này, do không biết làm gì, dẫn đến hậu quả thiệt hại lớn về sau. 

Còn cảm giác hoang mang, chao đảo chứng tỏ bạn chưa có kế hoạch đầu tư kĩ lưỡng. Lời khuyên của tôi là nên đứng ngoài thị trường quan sát 1 thời gian và học hỏi thêm, nếu vẫn đang cầm hàng thì nên canh bán. Bởi vấn đề không hẳn là thị trường tốt hay xấu, vấn đề là bạn chưa sẵn sàng ra trận” - Chị Kim Liên khẳng định.

3 - Không nên tách rời TTCK Việt Nam với tình hình thế giới

“TTCK Việt Nam không phải một hòn đảo giữa đại đương, mà là một trong nhiều nút thắt trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bởi vậy, nếu tình hình thế giới có biến động, chắc chắn điều đó sẽ tác động tới TTCK Việt Nam.

Tác động này là ngắn hạn hay dài hạn còn phụ thuộc vào biến động của tình hình thế giới. Vì thế, các NĐT F0 không nên nhìn nhận TTCK Việt Nam như một thị trường độc lập, không chịu ảnh hưởng từ các sự kiện trên thế giới” - Anh Gerard đưa ra lời khuyên với các NĐT non trẻ.


(0) Bình luận
Ngày buồn nhất trong 2 năm qua của hội “chứng sĩ”, tài sản bốc hơi nước mắt tuôn rơi: Đừng suy, đây mới là việc cần làm nhất lúc này!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO