Nội dung chính:
- Doanh thu và lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp xây dựng đều tăng trong năm 2022, bất chấp những khó khăn chung của thị trường.
- Nợ khó đòi tăng cao, dòng tiền kinh doanh thâm hụt là các chỉ báo xấu điển hình của ngành xây dựng.
Ngay trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng, kết quả kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu tương đối khả quan nếu nhìn từ doanh thu và lợi nhuận.
Dữ liệu tổng hợp kết quả kinh doanh của 155 doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng và vât liệu (chưa bao gồm Xây dựng Hòa Bình*) của FiinPro cho thấy tổng doanh thu của các công ty đạt được năm nay là 199.192 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ đạt 176.378 tỷ đồng. Doanh thu tăng kéo theo lợi nhuận tăng trưởng, đạt khoảng 13.459 tỷ đồng, cao hơn mức 11.588 tỷ đồng đạt được hồi 2021.
Tuy nhiên, một số chỉ số cho thấy tính hình kinh doanh của các doanh nghiệp hoàn toàn không khả quan như doanh thu và lợi nhuận, bao gồm dòng tiền kinh doanh thâm hụt, khoản phải thu (cho nợ) và nợ khó đòi có xu hướng tăng.
Cho nợ ngày một nhiều
8 trên tổng số 10 doanh nghiệp cho nợ lớn nhất tính đến quý hết năm 2022 đã tăng mức cho nợ so với hồi đầu năm.
Coteccons (HoSE: CTD) hiện là doanh nghiệp cho nợ nhiều nhất, với hơn 11.200 tỷ đồng. Hồi đầu năm, khoản cho nợ chỉ vào khoảng 8.327 tỷ đồng. Khoản cho nợ hiện tại thậm chí cao gần gấp đôi doanh thu mà công ty ghi nhận trong quý IV và tương đương 77% so với tổng doanh thu đạt được năm 2022.
Báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG) cũng chỉ ra rằng công ty này đang cho nợ ngày một nhiều hơn, từ hơn 4.100 tỷ đồng hồi đầu năm lên 6.675 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Khoản cho nợ chiếm tới 92,4% tổng tài sản. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 59%; các khoản phải thu dài hạn đạt 256 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực trong báo cáo tài chính của SCG là công ty không phải trích lập các khoản phải thu khó đòi.
Tại CTCP Đầu tư công nghiệp và Phát triển vận tải (Tracodi, Hose: TCD), doanh thu cả năm 2022 vào khoảng 2.945 tỷ đồng, trong khi đó khoản phải thu ngắn hạn đã vượt 5.438 tỷ đồng. Khoản phải thu vượt doanh thu không phổ biến, tuy nhiên đã từng xảy ra tại một số doanh nghiệp xây dựng khác như Fecon.
Cùng với khoản phải thu tăng cao là khoản nợ khó đòi - thể hiện qua giá trị trích lập dự phòng - cũng tăng tương ứng. Về nguyên tắc, sau khi trích lập dự phòng, nếu doanh nghiệp vẫn thu hồi được nợ, khoản nợ thu hồi sẽ được hạch toán như một khoản doanh thu của doanh nghiệp. Bởi vậy, việc thu hồi nợ vẫn được các doanh nghiệp triển khai ngay cả khi đã trích lập dự phòng đầy đủ.
Chẳng hạn, Coteccons đã phải tăng trích lập dự phòng nợ khó đòi đề phòng những khoản không thể thu hồi. Trong năm 2022, Coteccons đã dự phòng thêm gần 400 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng khoản trích lập dự phòng lên mức 1.049 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Đây là khoản chi đáng kể, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Coteccons bị bào mòn còn khoảng 21 tỷ đồng sau tròn năm kinh doanh.
Tại Tổng công ty Sông Đà (UpCOM: SJG), dù khoản phải thu ngắn hạn giảm nhưng công ty đã phải điều chỉnh dự phòng nợ khó đòi từ 331 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 2.100 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Doanh nghiệp không thông tin chi tiết khoản nợ khó đòi này, tuy nhiên, khoản nợ đã khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của Tổng công ty Sông Đà lên 2.280 tỷ đồng, cao gấp 7 lần năm 2021.
Dòng tiền kinh doanh thâm hụt, doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ
“Bán chịu” các dịch vụ và đối mặt với nợ xấu ngày càng lớn, quá nửa doanh nghiệp xây dựng có dòng tiền kinh doanh âm trong năm vừa qua, theo thống kê của FiinPro.
Hiện tại, Tracodi đang là đơn vị có dòng tiền kinh doanh thâm hụt nặng nhất, hơn 3.382 tỷ đồng. Việc thâm hụt dòng tiền kinh doanh khiến doanh nghiệp phải đẩy mạnh phát hành cổ phiếu, nhận thêm vốn góp từ chủ sở hữu (thêm gần 1.600 tỷ đồng trong năm 2022) và đi vay thêm hơn 2.200 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh của Vinaconex trong năm 2022 cũng đã chuyển từ trạng thái dương sang âm. Khoản lỗ 986 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư và giá trị hàng tồn kho tăng từ 1.242 tỷ đồng lên 2.065 tỷ đồng đã đẩy dòng tiền kinh doanh thâm hụt 1.678 tỷ đồng.
Tương tự Vinaconex, dòng tiền kinh doanh của Coteccons cũng thâm hụt nặng, hơn 1.626 tỷ đồng trong khi cùng kỳ thặng dư hơn 420 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công ty tăng mạnh các khoản phải thu và hàng tồn kho. Để bù đắp dòng tiền, Coteccons tăng vay nợ khiến lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính dương 1.072 tỷ đồng.
Khi rơi vào trạng thái thâm hụt dòng tiền kinh doanh, các công ty xây dựng buộc phải vay nợ. Trong trường hợp này, một mặt công ty phải chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác chịu thêm rủi ro về tài chính nếu không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn.
*CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính quý IV/2022, chậm nhất đến ngày 10/2/2023.