Ngành Thanh tra sẽ tổ chức theo 2 cấp Trung ương và địa phương

An Diệp | 16:55 08/05/2025

Luật Thanh tra (sửa đổi) đề xuất phương án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo 02 cấp ở Trung ương và địa phương.

Ngành Thanh tra sẽ tổ chức theo 2 cấp  Trung ương và địa phương
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày trước Quốc hội Tờ trình tóm tắt dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Theo thông tin vừa được Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết khi trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 09 chương và 64 điều (giảm 54 điều, bằng 45% so với Luật Thanh tra năm 2022). Dự thảo Luật lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; lược bỏ nội dung ở Luật để phân quyền cho Chính phủ quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Dự thảo Luật sửa đổi, hoàn thiện quy định về các cơ quan thanh tra, gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hành Nhà nước Việt Nam, bao gồm Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện kết luận thanh tra; sửa đổi, hoàn thiện quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán nhà nước. Giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành và giám sát, do có sự khác nhau về mục đích, nội dung, phạm vi, thời hạn, trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành nên khi có sự chồng chéo về đối tượng thì các cơ quan sẽ thực hiện trao đổi, thống nhất để xử lý trong tường trường hợp cụ thể. Dự thảo Luật sửa đổi, hoàn thiện quy định về thanh tra nội bộ; hoàn thiện một số quy định như: căn cứ ban hành quyết định thanh tra, thời gian công bố quyết định thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, ban hành kết luận thanh tra…

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra; bổ sung quy định về chuyển thông tin cho cơ quan điều tra trong hoạt động thanh tra: “Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa xác định được hậu quả, thiệt hại xảy ra thì chuyển thông tin về vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật” (khoản 2 điều 29), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay về chuyển thông tin cho cơ quan điều tra. Dư thảo Luật bổ úng quy định bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến thanh tra không còn phù hợp. Đồng thời bổ sung phương án xử lý các trường hợp phát sinh sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy tại quy định chuyển tiếp (Điều 64) để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không để khoảng trống pháp luật khi sắp xếp hộ thống các cơ quan thanh tra.

Về cắt giảm thủ tục hành chính, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ: “Qua việc lược bỏ 54 điều của Luật Thanh tra năm 2022, sửa đổi, hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, đã cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra”. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định một số nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính chủ động, chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, trong đó, phân cấp cho Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh chủ động trong việc thanh tra công tác công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp cho ý kiến về chủ trương.

Thẩm tra về dự thảo dự án luật nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần quy định chuyển tiếp để bảo đảm đầy đủ, tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện, không để khoảng trống pháp lý hoặc phát sinh khó khăn, vướng mắc, ví dụ bổ sung quy định chuyển tiếp về việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với các kết luận thanh tra và đối tượng thanh tra thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra kết thúc hoạt động sau sắp xếp.


(0) Bình luận
Ngành Thanh tra sẽ tổ chức theo 2 cấp Trung ương và địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO