Ngành livestreams 500 tỷ USD của Trung Quốc: ‘Cần câu cơm’ của hơn 1 triệu người, streamer đạt hàng trăm giờ phát sóng chỉ sau vài tháng

Vũ Anh | 10:16 21/08/2023

Ngày càng nhiều người coi livestream là một nghề nghiêm túc.

Ngành livestreams 500 tỷ USD của Trung Quốc: ‘Cần câu cơm’ của hơn 1 triệu người, streamer đạt hàng trăm giờ phát sóng chỉ sau vài tháng

Chỉ vài tháng sau khi trở thành người dẫn chương trình livestream trực tiếp, Zhang Jinyu, 28 tuổi, cựu người mẫu kiêm blogger có bằng thạc sĩ quản lý thời trang, đã đạt hàng trăm giờ phát sóng. Cô cũng có cơ hội làm việc với các thương hiệu nổi tiếng, trong đó có YSL Beauty.

Một ngày làm việc của Zhang thường bao gồm hơn 6 giờ đồng hồ nói chuyện không ngừng nghỉ trước máy quay. Cô gái này cũng phải dành thời gian làm tóc, trang điểm và tóm tắt nội dung sau khi trò chuyện với khán giả. 

Theo Reuters, Zhang là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc đang hy vọng dựa vào làn sóng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng như Tmall và Taobao của Alibaba hay Douyin của Bytedance để thoát khỏi tình cảnh thất nghiệp diện rộng. 

“Gia nhập ngành livestream rất dễ. Tôi chỉ cần đến một chiếc điện thoại là đã có thể phát trực tiếp rồi”, Zhang nói. “Tính cạnh tranh cao nhưng nếu kiên trì, bạn có thể dần tiến bộ và ngày càng nói tốt hơn”.

Zhang không phải là cô gái duy nhất quyết tâm coi đây là công việc toàn thời gian chính thức. Một cuộc khảo sát với hơn 10.000 thanh niên trên nền tảng mạng xã hội Sina Weibo vào tháng trước cho thấy hơn 60% trong số họ cho biết họ muốn trở thành KOLs hoặc người dẫn chương trình phát trực tiếp.

Chỉ trong vài năm, mua hàng giảm giá qua livestream đã trở thành một trong những hình thức mua sắm phổ biến ở Trung Quốc. Trên các nền tảng như Taobao Live và ứng dụng chị em Douyin, các streamer bán mọi thứ, từ nước thông cống đến son môi; trò chuyện gần gũi và thu hút hàng triệu người xem tò mò.

at-ponhu-beijing-technology-co-a-second-hand-luxury-goods-platform-in-beijing-china-on-wednesday-july-1-2020-chinese-shoppe.jpg
Ngày càng nhiều người coi livestream là một nghề nghiêm túc.

Theo iResearch, tính đến năm 2020, ngành công nghiệp phát trực tiếp đã thu hút 1,23 triệu người dẫn chương trình. Sự bùng nổ doanh số bán hàng trực tiếp trong thời kỳ đại dịch đã giúp ngành này tạo ra doanh thu 480 tỷ USD ở Trung Quốc vào năm ngoái.

“Livestream bán hàng là một mô hình kinh doanh mới, song đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng”, Hiệp hội Thương mại thành phố Thâm Quyến cho biết.

Để tận dụng cơ hội trong bối cảnh hình thức livestream đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp và cạnh tranh, các trung tâm chuyên đào tạo người dẫn chương trình cũng như kết nối họ với các thương hiệu mọc lên như “nấm sau mưa”. 

Zhang làm việc với đại lý Romomo có trụ sở tại Thượng Hải. Công ty chuyên hỗ trợ liên kết các công ty như Lancome và Under Armour với 150 người dẫn chương trình toàn thời gian.

“Ngày nay, livestream là một trong những phương thức giao tiếp quan trọng nhất đối với các thương hiệu quốc tế”, Phó chủ tịch Romomo Shining Li cho biết. “Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn hỗ trợ thương hiệu quảng bá giá trị cốt lõi và sản phẩm hiệu quả”. 

Hiện tại, các nhà hàng, thẩm mỹ viện, thậm chí đại lý ô tô và nhà phát triển bất động sản đều đang thu hút được khách hàng thông qua livestream. Nhiều thương hiệu toàn cầu từ Ikea đến Louis Vuitton cũng sẵn sàng trả tiền cho các KOLs Trung Quốc để truyền phát trực tiếp sản phẩm. Đặc biệt ở chỗ, ngành kinh doanh này không kén người tham gia - nông dân, công nhân nhà máy hay người đã về hưu đều có thể trở thành streamer.

Streamer rao bán mọi thứ, từ đồ trang điểm đến lò vi sóng, bằng một giọng nói tràn đầy năng lượng và lối tương tác hấp dẫn. Họ kể chuyện cười và trải nghiệm của bản thân để thu hút sự chú ý. Họ cũng gọi tên và trả lời các câu hỏi của từng người hâm mộ để lấy lòng tin, đồng thời hứa hẹn về những deal hời chỉ có duy nhất trên livestream ngày hôm đó.

1x-1-78-.jpg
Nông dân Trung Quốc livestream bán nông sản. 

Đối với người xem, sự hấp dẫn không chỉ đến từ sự tiện lợi mà còn là cảm giác được phục vụ. Họ có thể yêu cầu các streamer mặc thử quần áo hay test thử sản phẩm lên da để kiểm chứng chất lượng.

“Chúng tôi giống như những người bạn của người tiêu dùng. Điều này giúp chung tôi gây dựng được niềm tin”, Shi Jianing - nữ streamer 28 tuổi cho biết. 

Dẫu vậy, cùng với sự tăng trưởng chóng mặt, cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều streamer phải bỏ nghề. Suy thoái kinh tế rộng lớn cũng thúc đẩy làn sóng sa thải nhân viên tại các công ty đứng sau nhiều nền tảng phát trực tuyến. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc, lo lắng quá nhiều về sự bành trướng, còn đặt ra nhiều quy định đối với ngành công nghiệp truyền phát tỷ USD.

“Nếu nền tảng này thành công, chúng tôi sẽ phát tài trong 2-3 năm tới. Nếu không, chúng tôi sẽ chẳng còn gì cả”, Yan nói.

Trước đó, Cục Phát thanh Truyền hình, Bộ Du lịch - Văn hóa Trung Quốc đã ban hành bộ quy định quản lý những người livestream trên mạng như một giải pháp căn cơ quản lý lĩnh vực đang phát triển như vũ bão.

Theo quy định, những người livestream phải đảm bảo nội dung phù hợp với định hướng chính trị, tuyên truyền công cộng, đảm bảo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Đối với những lĩnh vực như y tế, tài chính, luật, giáo dục, người livestream phải có trình độ chuyên môn mới được truyền phát bán hàng. Trung Quốc cũng cấm phát những nội dung vi phạm pháp luật, trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, nhất là trẻ vị thành niên.

“Không một lĩnh vực nào có thể phát triển bùng nổ mãi”, Mei Xiu, một nhà nghiên cứu của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ sự kiểm soát từ chính phủ có thể bóp nghẹt lĩnh vực này. Xét cho cùng, bán hàng livestream giúp tạo ra việc làm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Chính quyền địa phương đang đặt hy vọng vào đây để giúp người nghèo và phục hồi nền kinh tế sau dịch”.

Theo: Reuters, Rest of World 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngành livestreams 500 tỷ USD của Trung Quốc: ‘Cần câu cơm’ của hơn 1 triệu người, streamer đạt hàng trăm giờ phát sóng chỉ sau vài tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO