Đại hội thu hút sự tham gia của gần 4500 cổ đông, chiếm 71,7643% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của MB và thông qua nhiều quyết sách trọng yếu.
Báo cáo tại Đại hội, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB cho biết, năm 2024, MB tiếp tục bám sát mục tiêu Chiến lược, kiên định trở thành “Doanh nghiệp số, Tập đoàn tài chính dẫn đầu”. Ngân hàng hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra với những kết quả nổi bật khi trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên ngoài các ngân hàng quốc doanh có quy mô tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 1,12 triệu tỷ đồng; giữ vững vị thế Top 3 ngân hàng hiệu quả nhất với các chỉ số ROE, ROA, NIM duy trì cao, CIR dưới 30%; lợi nhuận trước thuế đạt 28.829 tỷ đồng, tiếp tục đưa MB vào nhóm ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống Dư nợ tín dụng đạt hơn 811.000 tỷ đồng (+24,5%), với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,6% đối với tập đoàn, <1,4% đối riêng với ngân hàng.
Nhìn lại 2024, hoạt động quản trị, kinh doanh của MB được đánh giá cao khi liên tục được vinh danh ở nhiều hạng mục giải thưởng, danh hiệu danh giá như năm thứ 5 liên tiếp ngân hàng ghi danh tại hạng mục Doanh nghiệp xuất sắc châu Á; Top 25 Thương hiệu niêm yết dẫn đầu theo Forbes; Ngân hàng ngoại hối tốt nhất Việt Nam;…
Trên hành trình phát triển bền vững của mình, MB là một trong những ngân hàng tiên phong tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh cốt lõi. Năm vừa qua, ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội, tiêu biểu là chiến dịch “Hi-Green – Bình Minh Xanh” với 100.000 cây xanh được trồng tại Trường Sa. Con số này được kỳ vọng sẽ chạm mốc 1 triệu cây trong năm 2025.

Nhờ tập trung phát triển năng lực công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ, năm qua MB ghi nhận số lượng giao dịch kênh số đạt 6,2 tỷ giao dịch, lớn nhất trên thị trường, tăng 1,6 lần so với năm 2023, tỷ lệ giao dịch thành công đạt 99,97% với tính năng bảo mật cao. MB thu hút thêm 4,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng MB phục vụ đến hết 2024 lên 30,2 triệu người, cho thấy niềm tin vững chắc của khách hàng vào MB.
Đánh giá môi trường kinh doanh năm 2025, ông Phạm Như Ánh – Tổng Giám đốc MB nhận định, dự báo kinh tế thế giới có thể tích cực hơn, lạm phát kỳ vọng giảm và việc nới lỏng tiền tệ có thể thúc đẩy kinh tế năm tới. Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn rủi ro từ xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại gia tăng. Trên cơ sở đó, MB tiếp tục kiên định phương châm trở thành “Doanh nghiệp số, Tập đoàn tài chính dẫn đầu”, ưu tiên phát triển bền vững, củng cố chất lượng hoạt động, đầu tư nguồn lực, các nền tảng cho chiến lược phát triển dài hạn.
Phát biểu về chương trình hoạt động trọng tâm năm nay, ông Phạm Như Ánh – Tổng Giám đốc MB cũng cho biết thêm, ngân hàng sẽ bám sát theo Phương châm “Tăng tốc – Thực chất – Hiệu quả” với mục tiêu đến cuối 2025, MB sẽ phục vụ khoảng 35 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029, duy trì vị thế trong nhóm Big 5 ngân hàng tại Việt Nam. Ngân hàng cũng sẽ tối ưu chi phí vốn, tiếp tục giữ vững vị thế Top đầu về tỷ lệ CASA trong toàn hệ thống. Phía lãnh đạo MB cũng cho biết thêm, một trong những vấn đề quan trọng trong năm nay là phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB.

Đại hội đã biểu quyết và thông qua một số nội dung quan trọng: Kế hoạch năm 2025 của HĐQT, Ban điều hành, BKS; phương án sử dụng vốn chủ sở hữu năm 2025; việc thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc (CGBB) ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt,.. và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của MB.

Trong năm 2025, ngân hàng sử dụng gần 21,6 nghìn tỷ đồng chi trả cổ tức, với tổng tỷ lệ lên đến 35% thông qua hai hình thức: 32% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt. Đồng thời, phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng, phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua. Nếu hoàn thành tất việc tăng vốn, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng.
