Để tạo sự tin tưởng của khách hàng nhận thư, đối tượng lừa đảo đã trích dẫn một số quy định tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của NHNN về việc triển khai các giải pháp, an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng và yêu cầu người nhận thư cập nhật thông tin sinh trắc học theo đường link lừa đảo có trong email.
Cụ thể, hòm thư điện tử giả mạo có địa chỉ “no-reply@sbvgov.site” gửi thông tin lừa đảo kèm 02 đường link: cập nhật thông tin sinh trắc học, yêu cầu thực hiện trước ngày 30/08/2024; toàn văn Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (đính kèm email giả mạo).
“Đây là hành vi mạo danh NHNN lừa người nhận thư thực hiện theo yêu cầu của kẻ lừa đảo để thu thập thông tin khách hàng. Cụ thể, bằng cách dẫn dụ khách hàng nhận thư bấm vào đường link giả mạo để tải và cài đặt ứng dụng thu thập thông tin sinh trắc học nhưng thực chất là tải về tệp (file) có chứa mã độc, phần mềm gián điệp, khai thác thông tin của khách hàng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị cá nhân, tài khoản ngân hàng của khách hàng hoặc đánh cắp thông tin, dữ liệu nạn nhân để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật”, NHNN khẳng định.
Hiện nay, NHNN chỉ cung cấp thông tin đến công chúng chính thức qua Cổng thông tin điện tử NHNN tại địa chỉ (https://www.sbv.gov.vn). NHNN không gửi thư điện tử (email) trực tiếp đến khách hàng của tổ chức tín dụng đề nghị cập nhật thông tin sinh trắc học.
NHNN đề nghị người dân, khách hàng các tổ chức tín dụng hết sức đề cao cảnh giác, không bấm vào các đường link lạ được gửi qua chat, SMS hoặc email; không cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web không rõ nguồn gốc; không cung cấp mật khẩu dùng một lần (mã OTP), mật khẩu ngân hàng điện tử/ ứng dụng ngân hàng di động (internet banking/ mobile banking)... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Đồng thời phải cẩn trọng, cảnh giác khi tiếp nhận, xử lý thông tin, yêu cầu từ các kênh thông tin không chính thức, không rõ nguồn gốc (như thông tin không phải từ các kênh thông tin chính thức của cơ quan nhà nước đã được công bố công khai).
Trước đó, các ngân hàng thương mại cho biết, một số đối tượng xấu mạo danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với khách hàng bằng hình thức gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook,… để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.
Các đối tượng sử dụng chiêu trò thao túng tâm lý khi lập các tài khoản với tên dễ gây nhầm lẫn như "Nhân viên Ngân hàng", "Hỗ trợ khách hàng",... Từ đó trà trộn vào các trang mạng xã hội chính thức của các ngân hàng, tương tác với những bình luận của khách hàng. Sau khi chiếm được lòng tin của khách, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt… để hỗ trợ. Nguy hiểm hơn, có trường hợp yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ của khách hàng.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đề nghị khách hàng truy cập vào những đường link giả mạo để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt.